CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 11)
Đã đăng vào 11/11/2011 lúc 14:47Bút tích của Trần Trinh Huy cho thấy tuy nét chữ bay bướm nhưng lại rất xấu. Chứng tỏ đó là một con người thông minh, từng trải nhưng đường học vấn không đến nơi đến chốn. Có sách báo thì nói rằng Ba Huy học tại Bạc Liêu đến bậc thành chung (đíp-lôm) nhưng hậu duệ của dòng họ Trần thì nói rằng Ba Huy học ở Sài Gòn chứ không học ở Bạc Liêu. Nhưng dù ở Bạc Liêu hay Sài Gòn thì trình độ học vấn tại “quốc nội” Ba Huy mới đạt bậc thành chung (cỡ bậc trung học bây giờ) rồi đi Tây học. Có một điều đáng thắc mắc là thuở ấy ở Sài Gòn với chiến lược Tây hóa thuộc địa, bằng chiêu bài “khai hóa văn minh”, Nhà nước thực dân đã mở trường Tây cho người Pháp giảng dạy và các trường này đã đào tạo bậc tú tài. Và đã có nhiều người lấy bằng tú tài ở trường Tây Sài Gòn, thế tại sao Ba Huy không học tú tài ở Sài Gòn mà lại “đốt cháy giai đoạn” sang Pháp để học? Có người đã giải thích với hai lý do như sau: Một là, ông Trạch đã gởi gắm niềm tin lớn vào Ba Huy nên đưa sang Pháp để được đào tạo tốt hơn. Hai là, thuở ấy cho con đi Tây học là model của nhà quyền quý, cho Trần Trinh Huy đi Pháp du học là ông Trạch muốn chứng minh cái thế danh gia vọng tộc của mình.
Sau ba năm “sôi kinh nấu sử” tại Pháp, trước khi đáp tàu về nước, Trần Trinh Huy đã đánh điện tín thông báo với Trần Gia. Ông Trạch kéo gia đình lên Sài Gòn đón quý tử. Chiếc xe Ford đang xài tốt nhưng ông nói nhân sự kiện đặc biệt này phải sắm thêm một chiếc xe mới, cho xứng với học hàm, học vị của cậu Ba, cho rạng mặt Trần gia. Có sách viết rằng, khi ông Trạch vào một hãng xe của người Pháp để chọn xe với bộ cánh bà ba trắng cũ kỹ, trên tay ôm một mo cau xếp làm đôi buộc dây thì mấy thằng Tây nhìn ông ra chiều khi dễ. Và khi ông Trạch mở mo cau ra trả tiền mua xe, toàn bằng giấy 100 bộ lư thì họ cũng há hốc mồm, lõ con mắt xanh ra nhìn ông.
Trần Trinh Huy về nước với dáng vẻ cực kỳ sang trọng, cực kỳ thời trang trong bộ veston, nhìn cứ giống như tài tử điện ảnh. Rồi chạy đến ôm hôn mọi người kiểu Tây.
Sau đó, nhà lớn tổ chức một buổi tiệc mừng, người Bạc Liêu đồn rằng còn lớn hơn buổi tiệc tân già nhà lớn để mừng Ba Huy ăn học thành tài. Thực khách toàn tai to mặt lớn, từ Thông ngôn ký lục đến Còm-mi, từ Chủ quận đến Tham biện Chủ tỉnh và các đại điền chủ lân cận…
Bà con trong thân tộc và các tằng khạo thân tín… thì được quy tụ trước đó một ngày. Họ lũ lượt kéo lên từ Giá Rai, Cà Mau, Rạch Giá… và được Trần gia an bày ngủ ở dãy nhà ngang và khách sạn Trường An của Bạc Liêu.
Buổi tiệc mừng Ba Huy vinh quy bái tổ được chia làm hai phần. Phần thứ nhất, là lễ cúng cửu huyền tạ ơn gia tiên đã phù hộ cho quý tử nhà họ Trần ăn học thành tài. Buổi tiệc này nấu theo kiểu Tàu, rước thợ Chợ Lớn xuống nấu, để thết đãi thân bằng quyến thuộc và kẻ ăn người ở trong nhà. Buổi tiệc thứ hai, được nấu theo kiểu Tây, dùng để đãi các quan chức sở tại và những người tai to mặt lớn từ Sài Gòn và lục tỉnh xuống. Trong đó, có kỹ sư Bùi Quang Chiêu – một nhân vật nổi tiếng đương thời… Có người nói, khách khứa rất đông, quan chức sở tại có mặt đầy đủ vì người ta nể ông Trạch có Ngũ đẳng Bội tinh.
Những người có xem hoặc phục dịch buổi tiệc ấy bây giờ cũng không nhớ nó diễn ra vào năm nào của thập niên 30, cái ấn tượng mà họ giữ lâu trong lòng là sự tưng bừng náo nhiệt. Sự tưng bừng náo nhiệt không chỉ có trong đại sảnh và vườn hoa nhà lớn của Trần Trinh Trạch mà lan ra cả châu thành Bạc Liêu. Dân vùng phụ cận Bạc Liêu nườm nượp kéo ra xem những chiếc xe bóng lộn từ miền trên xuống đậu trước cửa khách sạn Trường An và kéo đến nhà ông lớn để xem nhảy đầm. Nghe nói, trước đó, cậu Ba Huy đã rước gái nhảy từ Sài Gòn đem về cộng với các cô ấm, cậu chiêu con điền chủ học đòi theo mốt thời thượng đã làm cho buổi tiệc thêm phầm rậm đám. Thuở ấy, việc nhảy đầm ở Sài Gòn hoặc trong nhà của quan Tham biện Chủ tỉnh là rất phổ biến, nhưng tại nhà của một người Việt, giữa thời điểm giao thời giữa văn hóa phong kiến và văn hóa thực dân là một chuyện hy hữu.
Có người nói, buổi tiệc hôm ấy, quan Tham biện Chủ tỉnh có đọc diễn văn khen ngợi Trần Trinh Trạch là một nông dân ở cái xứ sở quê mùa đã dám lo cho con ra nước ngoài ăn học để tiếp thu văn minh thế giới, góp phần cùng với mẫu quốc khai hóa văn minh Bạc Liêu…
Mục đích của buổi tiệc là phô trương sự giàu có lẫn quyền uy. Và tất cả đã được khoe mẽ một cách triệt để, duy chỉ có một điều Trần gia không dám khoe là sau đó họ gạn hỏi mới biết được Trần Trinh Huy sau ba năm “dùi mài học tập” ở Pháp quốc đã không mang về cho gia tộc Trần Trinh một học hàm, học vị nào cả. Công tử Bạc Liêu về nước, hành trang của ông ta là kinh nghiệm nhảy đầm, lái xe (có một nhà văn viết rằng ông ta lái xe đến đỗi xốp-phơ của hai hãng xe Ưng Ký và Đại Đồng chạy tuyến đường miền Tây thuở ấy phải giật mình) và một bầu tâm sự ngày đêm thương nhớ cô vợ đầm và đứa con còn gởi nơi kinh thành ánh sáng Paris. Điều đó chứng tỏ rằng ba năm sang Pháp của Ba Huy chỉ để ăn chơi hơn học hành. Và phải chăng chính cái văn hóa ăn chơi của một nước tiên tiến đã pha trộn dòng máu mê ăn chơi của Ba Huy để rồi nâng tầm vóc ăn chơi của ông ta lên đến đỉnh điểm.
Có người bào chữa cho Trần Trinh Huy bây giờ đã nói: “Ông ta chỉ ăn chơi, không tham gia chính trị nên không hại ai”. Làm sao mà Ba Huy làm chính trị cho được, khi học hành kiểu đó. Làm nhỏ thì bỉ mặt Trần gia, bằng muốn làm lớn thì lại không có bằng cấp. Bao nhiêu hy vọng sụp đổ, có lẽ điều này làm cho Trần Trinh Trạch nổi giận, thế cho nên sau khi cắt đặt cho Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Khương trông coi một số điền sản gồm: nhà máy Hậu Giang, ruộng muối điền Vĩnh Châu, Cổ Cò… với quy chế thưởng phạt nghiêm minh, thì Trần Trinh Trạch không cho Trần Trinh Huy đi đâu nữa mà bắt tham gia trông coi điền sản.
(Baobaclieu)