An ninh biển có vai trò then chốt với châu Á-TBD
Đã đăng vào 23/11/2011 lúc 9:25Đây là nhận định chung của đa số đại biểu dự Cuộc họp Đại hội đồng Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 8 diễn ra trong hai ngày 21 và 22/11 tại Hà Nội với hơn 300 học giả trong nước và quốc tế. Cuộc họp lần này có chủ đề “Những nguy cơ và thách thức: Liệu cấu trúc an ninh khu vực mới có hữu ích.”
Thảo luận về vấn đề bảo đảm an ninh hàng hải, các đại biểu hoan nghênh việc Hội nghị Cấp cao ASEAN vừa qua tại Bali đã quyết tâm thúc đẩy thực hiện đẩy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và khởi động tiến trình đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), và việc Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo thông báo sẵn sàng đối thoại với ASEAN về vấn đề này.
Nhiều đại biểu cho rằng, COC tập trung vào mục tiêu phòng ngừa, kiềm chế xung đột, thúc đẩy hợp tác khu vực bảo đảm an ninh biển khu vực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần làm rõ các lĩnh vực liên quan tới an ninh biển, vì các nước có các quan tâm khác nhau. Việc tham gia đàm phán và ký kết COC là một nghĩa vụ của các bên có liên quan đã được nêu tại DOC.
Để đạt được COC, các học giả đều cho rằng, ASEAN cần đóng vai trò trung tâm, tạo diễn đàn để các bên đàm phán và thảo luận. Các bên cần lập cơ chế giám sát việc thực hiện DOC. Một COC trong tương lai cần đề cập các cơ chế kiểm soát các mối đe doạ đến an ninh hàng hải. COC cũng cần tái khẳng định sự cam kết của các bên đối với luật pháp quốc tế và Công ước luật biển 1982 của Liên Hợp quốc. COC cũng cần tính đến quyền lợi của các quốc gia sử dụng Biển Đông.
Bên cạnh vấn đề an ninh hàng hải, trong hai ngày họp vừa qua, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã thảo luận các vấn đề quan trọng hàng đầu đối với an ninh khu vực, như các biện pháp ứng phó với nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình trên thế giới đang gia tăng, vấn đề quan hệ ASEAN-Trung Quốc, trách nhiệm bảo vệ người dân, vấn đề an ninh nguồn nước, an ninh mạng, tình hình bán đảo Triều Tiên và đánh giá hiệu quả của cấu trúc an ninh khu vực.
Về chủ đề an ninh hạt nhân, các đại biểu cho rằng thế giới đang phải đối mặt ngày càng nhiều nguy cơ như khủng bố hạt nhân, tái chạy đua vũ trang hạt nhân, nguy cơ tai nạn hạt nhân xuất phát từ việc vận hành và sử dụng không an toàn nguyên liệu hạt nhân hoặc các nhà máy điện hạt nhân v.v…
Các đại biểu cho rằng các nước có vũ khí hạt nhân có trách nhiệm chủ đạo trong việc thúc đẩy một thế giới phi vũ khí hạt nhân; tìm biện pháp hợp tác và xây dựng lòng tin giữa các nước này với nhau nhằm tìm ra các giải pháp chuyển tiếp để tiến tới một thế giới phi hạt nhân.
Các đại biểu cũng cho rằng cần tăng cường hợp tác giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển có nhu cầu phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình để tăng cường năng lực và chuyển giao kinh nghiệm cho các nước này, bảo đảm các chuẩn mực khu vực và quốc tế về an ninh và an toàn hạt nhân.
Vấn đề an ninh nguồn nước cũng được các học giả đặc biệt chú ý, cho rằng đây là một trong những thách thức lớn nhất của khu vực châu Á thời gian tới do đây là khu vực đông dân nhất, trữ lượng nước đầu người thấp nhất nhưng lại có tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa cao nhất trên thế giới, khiến nhu cầu sử dụng nước tăng nhanh chóng. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực lại chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả trong việc chia sẻ nguồn nước các con sông trong khu vực, làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia.
Các học giả khẳng định cần tiếp cận vấn đề an ninh nguồn nước một cách tổng hợp, do có liên quan tới nhiều loại vấn đề an ninh khác nhau, nhiều loại đối tượng khác nhau, và nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội như giao thông vận tải, môi trường, văn hóa…
Nhiều học giả cho rằng việc xây dựng các con đập trên thượng nguồn các con sông lớn đe dọa đến an ninh nguồn nước của các nước hạ nguồn. Tuy nhiên, cũng có học giả cho rằng việc hợp tác và quản lý vận hành các con đập chưa hiệu quả mới là nguyên nhân cơ bản gây ra tranh chấp giữa các nước hạ nguồn và thượng nguồn.
Một số ý kiến cho rằng việc sử dụng nước thiếu trách nhiệm cũng là nguyên nhân gây suy giảm chất lượng nguồn nước, do đó các nước cần hợp tác xây dựng các chuẩn mực chung về sử dụng nguồn nước trong khu vực, thậm chí cần hướng tới xây dựng một “văn hóa an ninh nguồn nước” chung. Một số ý kiến đề xuất thiết lập mạng lưới các viện nghiên cứu về an ninh nguồn nước trong khu vực, có thể dựa trên nền tảng mạng lưới các Trường Đại học ASEAN.
Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, bà Đồng Hiểu Linh, trong bài phát biểu về 20 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc, cho rằng quan hệ ASEAN-Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong những năm qua trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giao thông vận tải.
Nhìn nhận về tương lai phát triển của quan hệ, bà Linh cho rằng Trung Quốc sẽ luôn phát triển quan hệ hòa bình với các nước ASEAN, luôn tôn trọng các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ trên tinh thần của Hiệp định Thân thiện và Hợp tác (TAC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký, khẳng định Trung Quốc sẽ giải quyết các tranh chấp với ASEAN thông qua các biện pháp hòa bình, tái khẳng định quyết tâm thực hiện đầy đủ DOC và khởi động đàm phán với ASEAN về COC.
Trong phiên đặc biệt chiều 22/11, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Sheer đã có bài phát biểu về chính sách của Mỹ trong bối cảnh khu vực đang thay đổi, theo đó khẳng định cam kết của Chính phủ Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sự can dự của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương là vì an ninh và phát triển chung của tất cả các quốc gia trong khu vực.
Mỹ mong muốn xây dựng một trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế và các thể chế khu vực hiện hành, sự hiện diện của Mỹ ở khu vực không nhằm kiềm chế quốc gia nào. Về quan hệ song phương với Việt Nam, ông David Shear cho rằng quan hệ Việt-Mỹ đang phát triển nhanh chóng và tốt đẹp, khẳng định mong muốn của Chính phủ Mỹ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Nhận xét về hiệu quả của cấu trúc an ninh khu vực, Thứ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia đánh giá cao vai trò của Cấp cao Đông Á (EAS), nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN không chỉ trong EAS mà còn trong các cơ chế hợp tác hiện có khác như ASEAN+1, ASEAN+3. Bà Thứ trưởng cũng cho rằng EAS vẫn còn là một vấn đề mới và cần thêm thời gian để có thể đóng vai trò hiệu quả hơn. Cấp cao Đông Á có thể không trực tiếp giải quyết các bất đồng trong khu vực nhưng sẽ đóng góp vào giải quyết các vấn đề này.
Về cấu trúc an ninh khu vực đang hình thành, các diễn giả đã nêu ra 4 đặc điểm lớn đó là: 1. các liên minh do Mỹ đứng đầu, 2. các cơ chế đa phương với trung tâm là ASEAN, 3. các thỏa thuận hợp tác an ninh song phương, 4. sự nổi lên của Trung Quốc, trong đó đặc điểm thứ nhất và thứ tư là đặc biệt nổi bật. Chính vì vậy, ASEAN cần tránh sự đối đầu Trung-Mỹ tại khu vực và cần phát huy vai trò là nơi các bên có thể thảo luận các vấn đề an ninh khu vực, nhằm giúp xây dựng lòng tin giữa các bên. Điều quan trọng là các cơ chế hiện tại cần có sự gắn kết, bổ trợ cho nhau như ADMM, ARF, EAS.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Giám đốc Học viện Ngoại giao, ông Đặng Đình Quý cho rằng các nguy cơ và thách thức mà các đại biểu đã thảo luận trong 2 ngày của cuộc họp không phải là vấn đề mới nhưng những thay đổi trong môi trường khu vực và quốc tế đã làm cho những vấn đề này mang những tính chất mới, vừa đưa đến những thách thức và cả những cơ hội mới cho khu vực. Chính vì vậy mà các cơ chế đối thoại và hợp tác như CSCAP đóng vai trò quan trọng để giúp các chính phủ, các học giả, chuyên gia trong khu vực phản ánh tình hình khu vực một cách tốt hơn, đóng góp có hiệu quả hơn vào thúc đẩy hợp tác và đề xuất các chính sách và hành động đối với tất cả các bên liên quan.
Ông Quý cho rằng, cuộc họp này cho thấy những nguy cơ và thách thức mà khu vực đang đối mặt rất lớn. Nhưng cơ hội hợp tác cũng nhiều và hoàn toàn khả thi. Từ vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh hàng hải, đến an ninh nguồn nước và an ninh mạng, các quốc gia trong khu vực đều có thể xây dựng được các cơ chế đối thoại và hợp tác để thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác. Điều cần thiết là các quốc gia cần có thái độ cởi mở, cầu thị, linh hoạt và một chút sáng tạo.
Những phát triển gần đây ở Bali, từ việc chấp nhận Nhóm các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an P5 tham gia Hiệp ước Khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (SEANFWZ), đến thỏa thuận của các bên đồng lòng thực hiện tốt Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và bắt đầu việc đối thoại xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) đều là những minh chứng rằng việc hợp tác là khả thi và ASEAN vẫn đang hoạt động rất hiệu quả, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng cấu trúc an ninh khu vực đang định hình. Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN không phải là một điều ảo tưởng, mà là nỗ lực của ASEAN được các nước trong và ngoài khu vực thừa nhận và ủng hộ rộng rãi hơn./.