Quyết tâm siết chặt kiểm soát súng đạn của Tổng thống Mỹ trước thách thức mới

Đã đăng vào 18/01/2013 lúc 10:20

 

Ngày 16/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố một gói đề xuất “được xem là tốn kém nhất và sâu rộng nhất trong gần 2 thập kỷ qua” nhằm kiểm soát súng đạn và giảm thiểu tình trạng bạo lực đang tràn lan tại Mỹ. Động thái trên được ông Obama đưa ra chỉ 1 tháng sau khi xảy ra vụ xả súng hàng loạt tại trường Sandy Hook gây chấn động dư luận.


Trước những tràng vỗ tay giòn giã từ các đại biểu tham gia cuộc họp ở Nhà trắng ngày 16/1, ông Obama đã đã ký 23 sắc lệnh để hạn chế tình trạng bạo lực liên quan tới súng đạn và đề nghị Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua lệnh cấm vũ khí tấn công, đồng thời nhấn mạnh nước Mỹ không thể tiếp tục lần lữa với các biện pháp kiểm soát súng. Ông Obama nói rằng mỗi ngày trôi qua số người Mỹ thiệt mạng vì bạo lực liên quan đến súng đạn tiếp tục tăng lên. Những biện pháp mà Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua bao gồm thẩm tra lý lịch với tất cả các đối tượng mua súng, đóng cửa một số địa điểm bán lẻ và trưng bày súng, cấm loại đạn bắn xuyên giáp và người sở hữu súng chỉ được sử dụng băng đạn có 10 viên trở xuống. Ngoài ra, các cơ quan chính phủ phải cung cấp các thông tin liên quan tới việc kiểm tra lý lịch người mua súng và nghiên cứu cách thức mới để ngăn những đối tượng thuộc diện "nguy hiểm" sở hữu súng.

 

 

 

 Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi công bố gói đề xuất siết chặt kiểm soát súng
 đạn tại Mỹ ở Washington D.C, ngày 16/1 (Ảnh: Xinhua)

 

Vụ xả súng kinh hoàng tại trường Sandy Hook ở bang Connecticut, Mỹ ngày 14/12 đã trở thành “một hồi chuông báo động” và làm bùng phát những cuộc tranh luận về tầm quan trọng của việc “kiểm soát nền văn hóa súng đạn” của nước Mỹ. Người dân Mỹ bàng hoàng và lo lắng cho sự an nguy của mình trước các mối đe dọa về súng đạn ngày càng hiện hữu hơn, manh động hơn và đẫm máu hơn. Cuộc tấn tại trường Sandy Hook cũng trở thành động lực để người dân Mỹ mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi chính phủ đưa ra các biện pháp kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, trước sức ép của dư luận Mỹ, Hiệp hội súng đạn quốc gia Mỹ (NRA) – một tổ chức vận động hành lang đầy quyền lực tại Mỹ cho đến nay vẫn không “chịu lùi bước” trước những quan điểm nhằm tăng cường kiểm soát súng đạn tại Mỹ với lập luận rằng, đây là vấn đề được bảo vệ trong Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Trong một bản tuyên bố được phát đi ngay sau khi ông Obama nêu lên gói đề xuất nhằm kiểm soát súng đạn tại Mỹ, NRA tuyên bố, các biện pháp mới này sẽ tác động tới “những đối tượng sở hữu súng hợp pháp”, đồng thời tiếp tục đặt trẻ em vào một tình thế “dễ bị tổn thương bởi các hành vi bạo lực sâu xa hơn”. Trước đó, NRA đã kêu gọi tăng cường các biện pháp bảo vệ vũ trang tại các trường học ở Mỹ trong một động thái nhằm thể hiện “sự phản ứng của ngành công nghiệp súng đạn ở Mỹ trước vụ xả súng kinh hoàng ở trường Sandy Hook”.

Không chỉ phải đối mặt với sự phản ứng gay gắt của NRA mà gói đề xuất mới nhất của ông Obama còn được cảnh báo là sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt tại các phiên điều trần tại Capitol Hill trong hai tuần tới, trước tiên là diễn ra trong khuôn khổ Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ cầm quyền và sau đó là đảng Cộng hòa vốn đang chiếm ưu thế tại quốc hội Mỹ.

Về phía ông Obama cũng đã nhận thức rõ trước thực trạng trên và nhấn mạnh “sự thay đổi lớn lao nhất mà chúng ta có thể đạt được phụ thuộc vào những quyết sách của Quốc hội Mỹ và tôi kêu gọi một hành động từ phía các nhà làm luật Mỹ”. “Ngày hôm nay (16/1), tôi đã thông qua 23 sắc lệnh về kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, một điều không kém phần quan trọng và không có gì thay thế được đó là hành động từ phía Quốc hội Mỹ…Để mang lại một sự khác biệt thực sự và lâu dài, Quốc hội Mỹ phải sớm đưa ra hành động”, ông Obama nói.

Việc ông Obama, ngày 16/1, công bố các đề xuất nhằm kiểm soát súng đạn tại Mỹ cho thấy quyết tâm của Tổng thống Mỹ trong việc mang lại “một tương lai yên bình hơn cho nước Mỹ”. Hành động này của ông Obama đã đáp ứng mong mỏi của phần lớn người dân Mỹ và lại càng mang một ý nghĩa lớn lao hơn khi nó thể hiện “sự thấu hiểu của một nhà lãnh đạo đầy quyền lực” trước những “bức tâm thư về ước mong được sinh sống và học tập trong một môi trường không súng đạn” mà hàng triệu học sinh Mỹ đã viết cho ông Obama ngay sau khi xảy ra vụ thảm sát đẫm máu ở trường Sandy Hook. Rõ ràng sau vụ xả súng ở Sandy Hook, Tổng thống Mỹ Obama đã đưa ra những hành động “quyết liệt và cụ thể” chứ không chỉ dừng lại ở những lời lẽ chỉ nghiêng về “cầu nguyện và suy tư” mà ông đã đưa ra sau thảm họa xả súng tại Colorado cách đó ít lâu. Người dân Mỹ hiện vẫn đang trông chờ ở Tổng thống những hành động cụ thể hơn là lời nói và họ có quyền đặt niềm hy vọng bởi ông Obama hiện được xem là “đang ở vị trí tối ưu nhất” để giải quyết vấn đề này, bởi ông không phải đối mặt với những áp lực cho một cuộc bầu cử Tổng thống trong tương lai (theo điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp được thông qua ngày 27/2/1951, mỗi Tổng thống chỉ có thể được đảm nhiệm chức vụ này không quá hai nhiệm kỳ).

Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại về “độ tâm huyết và quyết tâm chính trị” của ông Obama để giúp hạn chế tình trạng bạo lực lan tràn tại Mỹ trong bối cảnh nhà lãnh đạo này phải dàn trải sức lực cho một loạt các trọng trách khác gồm cải thiện nền tài chính chênh vênh của Mỹ, kế hoạch cải tổ nhập cư trong năm 2013…Thậm chí vào cuối tuần trước, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell đã từng đưa ra nhận định rằng “vấn đề chi tiêu và các khoản nợ” sẽ là hai đề tài chi phối Quốc hội Mỹ trong quý đầu của năm 2013. Chính vì thế, cơ quan quyền lực này sẽ “rất khó để có thể đầu tư đủ thời gian cần thiết” để giải quyết một trong những vấn đề đang gây nhiều tranh cãi như kiểm soát bạo lực súng đạn tại Mỹ.

Không chỉ phải đối mặt với một tương lai đầy thách thức, những biện pháp kiểm soát súng đạn của ông Obama còn vấp phải những phản ứng trái chiều trong dư luận về việc “liệu ông Obama và Quốc hội Mỹ sẽ ưu tiên đến đâu cho những nỗ lực giúp đưa những ý tưởng trên thành hiện thực”.

Kết quả một cuộc điều tra dân ý do hãng The Washington Post- ABC công bố mới đây cho thấy, có đến 52% người dân Mỹ khẳng định vụ xả súng kinh hoàng ở trường Sandy Hook đã mang lại cho họ một cái nhìn mới, thiện chí hơn trước những nỗ lực kiểm soát súng đạn; 58% số người được hỏi ủng hộ việc sửa đội lệnh cấm các vũ khí tấn công; 71% ủng hộ các biện pháp kiểm soát buôn bán súng…

Kết quả điều tra cũng cho thấy, chỉ có 45% trong tổng số những hộ gia đình Mỹ tàng trữ ít nhất 1 khẩu súng tại nhà ủng hộ lệnh cấm các vũ khí sát thương; 86% hộ gia đình Mỹ có sở hữu súng cầm tay ủng hộ các biện pháp giúp kiểm soát chặt chẽ mỗi lần sử dụng súng; 55% hộ gia đình sở hữu súng ủng hộ một lệnh cấm sử dụng các đầu đạn gây sát thương cao.

Bên cạnh việc bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau xung quanh việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ, kết quả cuộc điều tra dân ý trên còn cho thấy một sự chia rẽ sâu sắc về “mức độ tập trung” của chính quyền Obama và Quốc hội Mỹ trong vấn đề này. Có tới 68% số người được hỏi (gồm cả những thành viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ) đều khẳng định kinh tế sẽ là một vấn đề ưu tiên trong các chính sách liên bang. Trong khi đó, chỉ có khoảng 1/3 người dân Mỹ (gồm 53% thuộc đảng Dân chủ và 19% thuộc đảng Cộng hòa) tin rằng, những nỗ lực nhằm siết chặt các quy định kiểm soát súng đạn sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Theo kết quả điều tra trên, dư luận Mỹ hiện đang phân chia thành hai trường phái liên quan tới việc hạn chế bạo lực súng đạn tại các trường học ở Mỹ với 41% người dân Mỹ ủng hộ phương án của NRA nhằm tăng cường “bảo vệ vũ trang” tại các trường học, trong khi 43% khác lại ủng hộ lời kêu gọi của Nhà trắng nhằm siết chặt lệnh kiểm soát súng đạn tại Mỹ.

Trong bối cảnh trên, ngày 16/1, hãng tin CNN và TIME cũng công bố kết quả điều tra cho thấy, đa phần người dân Mỹ không mấy tin tưởng luật kiểm soát súng đạn mới của chính phủ sẽ giúp hạn chế các vụ “xả súng hàng loạt” trong tương lai. Chỉ có 39% số người được hỏi tin tưởng vào tính hiệu lực của các đề xuất mới của Tổng thống Obama, trong khi có tới hơn 61% số người được hỏi cho rằng tinh hình sẽ không được cải thiện. Bên cạnh đó, kết quả điều tra trên cũng cho thấy một tỷ lệ ủng hộ đáng kể trước quan điểm của NRA (48%) nhằm tăng cường các biện pháp “bảo vệ vũ trang" tại trường học; 47% số người được hỏi tin rằng, các biện pháp trên sẽ giúp giảm tình trạng bạo lực học đường và chỉ có 40% số người phản đối ý tưởng của NRA.

Rõ ràng rằng sau những quyết tâm và hành động cụ thể, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn phải đối mặt với một chặng đường dài và đầy trông gai phía trước để có thể “vượt qua sự hoài nghi của dư luận” trước khi biến mục tiêu của ông về một “nước Mỹ yên bình hơn” thành hiện thực./.

(Báo điện tử đCSVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo