Chỉ số niềm tin kinh doanh tăng 7 điểm trong quý 2
Đã đăng vào 10/07/2012 lúc 9:26Theo kết quả khảo sát, có trên 44% doanh nghiệp cho rằng nền kinh tế chung của Việt Nam hiện nay đã tốt hơn, gần 36% cho rằng điều kiện kinh tế của Việt Nam vẫn giữ nguyên và trên 20% cho rằng điều kiện kinh tế có phần kém hơn so với 12 tháng trước.
Dự đoán tình hình kinh tế Việt Nam 12 tháng tiếp theo, khoảng 71% doanh nghiệp tin rằng trong vòng 12 tháng tới nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn và chỉ có khoảng 3% lo lắng về tương lai của nền kinh tế.
Đặc biệt, có tới gần 71% doanh nghiệp tin rằng lợi nhuận sẽ tăng lên trong năm tới, gần 25% cho rằng lợi nhuận sẽ giữ nguyên và chỉ có khoảng 4,5% lo ngại về sự suy giảm lợi nhuận trong 12 tháng tới.
Vì vậy, có gần 51% doanh nghiệp dự tính sẽ giữ nguyên nguồn nhân lực, 35% doanh nghiệp dự tính sẽ tăng thêm nguồn nhân lực và chỉ có khoảng 14% doanh nghiệp cho biết sẽ giảm số nhân lực trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng thủ tục cho vay tín dụng và chính sách thuế là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đều vướng mắc. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm vì nó làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm cũng như uy tín của các doanh nghiệp.
Phần lớn các doanh nghiệp khẳng định: Giải pháp tốt nhất để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay là phải kích cầu để tăng sức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, các ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay, tái cơ cấu nợ cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn. Ngoài ra, để tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ dàng, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục giảm lãi suất cho vay, điều kiện cho vay mở, cải tiến quy trình thủ tục cho vay vốn.
Về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do Bộ Tài Chính đề xuất có tác động tài chính ước tính khoảng 29.000 tỷ đồng (giãn thuế, miễn giảm thuế, hoãn thu phí), đa số doanh nghiệp cho rằng gói giải pháp này sẽ có tác động tốt.
Nhận định về những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong sáu tháng cuối năm, các doanh nghiệp cho biết: Lạm phát, bất ổn kinh tế, khó khăn trong huy động vốn nhu cầu tiêu dùng đang trên đà suy giảm là những nhân tố tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cuộc khảo sát BCI do Công ty Dịch vụ Thông tin Tài Chính WVB Việt Nam (WVB FISL) tiến hành từ ngày 15/6 đến tuần đầu tháng 7 trên 154 doanh nghiệp thuộc 11 lĩnh vực ngành nghề chủ chốt của Việt Nam (trong đó hơn 50% là doanh nghiệp vừa và nhỏ) và là các doanh nghiệp đứng đầu cả nước về thương hiệu, tổng tài sản, tổng doanh thu và số lượng nhân viên./.