Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước: Những kết quả đáng ghi nhận
Đã đăng vào 28/06/2012 lúc 8:48Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-TW “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của gia đình, đất nước và thực hiện bình đẳng giới. Qua 5 năm thực hiện nghị quyết, đến nay hệ thống chính trị toàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện, nên công tác phụ nữ đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cán bộ Hội LHPN các xã, phường, thị trấn tham gia lớp trung cấp chuyên ngành công tác phụ nữ. Ảnh: X.T |
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 22, phân công nhiệm vụ cho các ban ngành, đoàn thể liên quan nhằm thực hiện nhiệm vụ cơ bản về công tác phụ nữ phù hợp với điều kiện của tỉnh. Theo đó, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã in 1.872 văn bản Nghị quyết số 11 cấp cho các Đảng bộ, chi bộ trên địa bàn tỉnh, mở chuyên mục Phụ nữ trên Đài PT-TH tỉnh, xây dựng chuyên trang phụ nữ trên báo Bạc Liêu. 7/7 huyện, thành ủy đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác phụ nữ; việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về bình đẳng giới trong công tác cán bộ nữ được làm tốt ở nhiều địa phương.
Chính quyền các cấp đã cụ thể hóa nội dung nghị quyết thành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Quyền lợi hợp pháp và chính đáng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục – đào tạo, dạy nghề, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe… ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ đã có chuyển biến tích cực, số lượng cán bộ nữ đưa vào quy hoạch ngày càng tăng. Nguồn quy hoạch cán bộ nữ quản lý thuộc các sở, ban ngành, các huyện, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc luôn được ưu tiên. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia các lớp trung cấp, cao cấp chính trị đều tăng. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010 – 2015 chiếm 15,89%, tăng gần 5% so với nhiệm kỳ 2005 – 2010…
Phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, xây dựng người phụ nữ Bạc Liêu “có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu” đã được xem là mục tiêu quan trọng trong phát triển xã hội. Hội Phụ nữ đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền, tích cực phối hợp với các ngành chỉ đạo, xây dựng mô hình, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, vận động đông đảo phụ nữ tham gia thực hiện và thúc đẩy cộng đồng tích cực hưởng ứng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền và ban ngành chưa thật sự chú trọng việc quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện nghị quyết. Công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện nghị quyết chưa được thường xuyên. Việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ và tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo quản lý chưa đáp ứng yêu cầu…
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11, tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, chương trình, đề án thực hiện nghị quyết trong các cấp, các ngành. Tập trung chỉ đạo và tăng cường nguồn lực để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu về công tác phụ nữ. Tiếp tục phát hiện, bổ sung quy hoạch, tích cực chuẩn bị quy hoạch tạo nguồn nhân sự nữ cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu lồng ghép vào các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Chăm lo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của hội viên, tập hợp phụ nữ phát huy tiềm năng, trí tuệ đóng góp vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
(Baobaclieu)