Vĩnh Lợi: Hiệu quả từ mô hình sử dụng thùng nhựa ủ rác hữu cơ

Đã đăng vào 26/09/2014 lúc 10:24

Tháng 9 năm 2013, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Vĩnh Lợi phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện triển khai thí điểm mô hình sử dụng thùng nhựa ủ rác hữu cơ trong sinh hoạt hàng ngày chuyển hóa thành phân compost để bón cho cây trồng và bảo vệ môi trường cho 32 hộ gia đình ở ấp B1, xã Châu Thới. Bước đầu mô hình đã đem lại những hiệu quả nhất định, giúp các hộ dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm tối đa việc dùng phân hóa học và làm tăng năng suất cây trồng.

          Chị Phạm Thị Hường, ấp B1, xã Châu Thới là một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Trước đây, chị thường gom rác chung một chỗ và đổ cạnh nhà để đốt, nên có một số rác không tự phân huỷ như chai lọ, túi nylon, lâu ngày trở nên ngổn ngang gây mất vệ sinh xung quanh nhà. Nay nhờ được đi tập huấn cách phân biệt và xử lý rác nên mới biết loại nào là rác vô cơ và loại nào là rác hữu cơ. Hàng ngày, chị chỉ cần phân loại bỏ rác hữu cơ vào thùng nhựa, rác sẽ tự phân huỷ, khoảng 90 ngày sau rác sẽ trở thành phân compost có độ mịn, tơi xốp, màu đen, không mùi. Loại phân này đem bón cho cây, hoa màu rất tốt.

Gia đình ông Nguyễn Văn Rê, ngụ cùng ấp B1, xã Châu Thới có 1.000mđất sản xuất nông nghiệp, hàng năm trên diện tích đất này ông trồng gừng và các loại cây ăn quả, nên ông thường xuyên bón phân đạm, chi phí mỗi vụ khoảng 1 triệu đồng. Sau khi tham gia lớp tập huấn do Hội phụ nữ huyện tổ chức, ông Rê đã mạnh dạn tham gia mô hình làm phân hữu cơ vi sinh. Qua 2 vụ thử nghiệm bón phân hữu cơ, ông thấy gừng và cây ăn quả phát triển tốt, cho năng suất cao hơn nhiều các vụ trước. Đồng thời, lại giảm tiền mau phân đến một nửa, không chỉ có vậy tất cả những phụ phẩm từ nông nghiệp ông đều tận dụng đem ủ làm phân.

Thực tế cho thấy, mô hình tự ủ phân vi sinh đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hơn thế, giá cả phân bón ngày càng tăng cao, có phân hữu cơ vi sinh nông dân có thể chủ động được nguồn phân bón chỉ với cách làm đơn giản và chỉ trong thời gian 45 – 60 ngày là có phân dùng cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, huyện VL đã có hơn 90 hộ tham gia mô hình.

 Hiện nay, việc sử dụng quá mức cần thiết các loại phân bón và thuốc trừ sâu hóa học trong canh tác nông nghiệp đã làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm, rất nhiều nơi đất bị bạc màu, không có độ mùn, độ tơi xốp và dư lượng đạm do cây trồng không sử dụng hết đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất cây trồng. Việc ủ phân từ chất thải sinh hoạt đã góp phần cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng và tiết kiệm chi phí sản xuất, lại rất phù hợp với tập quán canh tác của bà con nông dân./.  

 

Vĩnh Cường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo