Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2011

Đã đăng vào 13/12/2011 lúc 10:12

Cô đọng và chắt lọc các hoạt động, rút bớt số lượng thể loại tác phẩm dự thi và thời gian chấm thi cùng nhiều cải tiến phù hợp với thực tế, Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31 diễn ra từ ngày 18 đến ngày 21/12 tại Đà Nẵng sẽ có nhiều điều mới.

Tại một cuộc hội thảo trong Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 30.
(Nguồn: Internet)


Liên hoan này là của… chung

Liên hoan truyền hình  lần này là sân chơi "chung" của các đài truyền hình và của cả các công ty truyền thông nên sẽ đem tới nhiều thú vị cho những người làm nghề và cả khán giả. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Tuyền hình Việt Nam, Phó Trưởng Ban thường trực Ban tổ chức Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 31.

Tiếp tục khuyến khích những cách thể hiện mới, sáng tạo, hấp dẫn, những tác phẩm mang tính phát hiện nhân tố mới trong thực tế sinh động ở các địa phương, Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31 tôn vinh các tác phẩm bám sát chủ trương tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phản ánh sâu sắc và sinh động thành tựu trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước… đặc biệt chú trọng đến những vấn đề nóng của xã hội như xóa đói giảm nghèo, chống tiêu cực và cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

So với kỳ liên hoan năm ngoái, Liên hoan năm nay có điểm mới đáng chú ý là sự thay đổi về mặt thể loại. Không tham gia liên hoan năm nay là chương trình sân khấu và chương trình quảng bá, còn Phim tài liệu và Phóng sự dài thay vì đứng riêng thể loại, năm nay đã được gom chung vào một thể loại: Phim tài liệu – Phóng sự. Đáng chú ý hơn cả trong sự thay đổi này chính là sự trở lại của thể loại Giao lưu – Đối thoại – Tọa đàm vốn quen thuộc trong nhiều Liên hoan trước nhưng không góp mặt trong kỳ liên hoan gần nhất.

Như vậy, Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm nay rút xuống còn 8 thể loại, gồm: Chương trình dành cho thiếu nhi; Phim tài liệu và Phóng sự; Phóng sự ngắn; Các chương trình Chuyên đề và Khoa giáo; Giao lưu – Đối thoại – Tọa đàm; Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số; Các chương trình ca nhạc và Phim truyện truyền hình.

Một điểm mới nữa cũng rất đáng chú ý là việc mở rộng đối tượng dự thi. Nếu như ở kỳ liên hoan năm trước, các đơn vị ngoài khu vực nhà nước có sản xuất các chương trình truyền hình bắt đầu được tham dự liên hoan – nhưng phải đăng ký theo đài truyền hình, đài phát thanh truyền hình phát sóng – thì năm nay các đơn vị này có thể tham dự liên hoan như các đơn vị độc lập, miễn là có giấy xác nhận chương trình đã phát sóng kèm theo.

Theo ông Nguyễn Hà Nam, sự thay đổi trên là để tạo thêm cơ hội cho các đơn vị tư nhân tham gia một cách bình đẳng. Lâu nay Liên hoan Truyền hình toàn quốc giới hạn đối tượng là các đài phát thanh truyền hình nhưng một tác phẩm khi lên sóng, khán giả không phân biệt ai sản xuất mà chỉ phân biệt chất lượng tốt hay không tốt.

Ông Nam nhấn mạnh: "Bởi vậy, chúng tôi nhận thấy các đơn vị truyền thông, các công ty tư nhân đã đóng góp nhiều sản phẩm tốt thì không có lý do gì liên hoan truyền hình cả nước lại không có sự tham gia của họ. Nói như vậy không có nghĩa là những năm trước họ không được tham gia. Những năm trước, các đơn vị này phải nhờ quota của các đài truyền hình nên sự tham gia của họ trước đây chưa được bình đẳng.”

Được "chọn mặt gửi vàng" để công tâm chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất, Ban giám khảo các kỳ liên hoan bao giờ cũng là yếu tố rất được quan tâm. Theo bà Tạ Bích Loan: "Công tác lựa chọn giám khảo năm nay cũng là một nét mới. Giám khảo không phải là những người có chức vụ mà là những người giỏi nghề từ các đài. Họ có thể là các tác giả được nhận giải trong các liên hoan trước."

Các giải thưởng năm nay bao gồm: Huy chương vàng, huy chương bạc và bằng khen. Số tác phẩm được trao các giải thưởng này chiếm khoảng 40% số lượng tác phẩm dự thi, trong đó 5% là huy chương vàng, 10% là huy chương bạc và 25% là bằng khen.

Lễ khai mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm nay có chủ đề xuyên suốt “Một ngày mới của những người làm truyền hình”, trong đó đề cập một cách thẳng thắn đến những thách thức của ngành đồng thời chỉ ra, bắt đầu “một ngày mới của những người làm truyền hình” không có lựa chọn nào tốt hơn là tập trung nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình.

Còn lễ bế mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc được ban tổ chức cho biết sẽ có nội dung hấp dẫn về “những điều chưa biết” của những người làm truyền hình và sự tôn vinh ấn tượng, lồng ghép khéo léo chương trình Giao lưu với những người làm truyền hình và lễ Trao giải, hứa hẹn một đêm Bế mạc lắng đọng với khán giả cả nước.

Được biết, hai buổi lễ này sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và VTV Đà Nẵng vào 20h05 ngày 18/12 (lễ Khai mạc) và 20h05 ngày 21/12 (lễ Bế mạc).

Chú trọng chất lượng

Vì muốn nâng chất lượng và bổ ích cho người tham gia mà nằm trong khuôn khổ Liên hoan, ba cuộc hội thảo trao đổi nghiệp vụ cũng được tổ chức gồm có: Hội thảo đánh giá và quản lý chất lượng chương trình truyền hình, Hội thảo định hướng phát triển kỹ thuật ngành, Hội thảo về phối hợp sản xuất Trang địa phương và hợp tác trao đổi chương trình giữa VTV và các Đài. Đặc biệt, một Diễn đàn về tuyên truyền bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cũng sẽ được tổ chức tại Hội An trong Liên hoan này.

Triển lãm kỹ thuật truyền hình và Triển lãm ảnh về hoạt động của ngành truyền hình cả nước cũng là những hoạt động bên lề đang chú ý trong kỳ liên hoan lần này.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Hà Nam cho biết: "Sự cạnh tranh của truyền hình hiện nay chủ yếu là cạnh tranh về nội dung. Nếu có nội dung tốt, thuyết phục thì tác phẩm truyền hình sẽ chinh phục từ giám khảo đến khán giả."

Bà Tạ Bích Loan có giải thích thêm: Yếu tố gắn bó với đời sống sẽ đem lại hấp dẫn cho nội dung của tác phẩm truyền hình. Ví dụ như những phóng sự về "Chè bẩn" về "Cốm nhuộm phẩm" là những phóng sự được quan tâm sẽ tham dự trong liên hoan lần này.

Là hoạt động thường niên của ngành truyền hình, Liên hoan Truyền hình toàn quốc là nơi những người làm truyền hình gặp gỡ, trao đổi, học hỏi, nâng cao nghiệp vụ, cập nhật công nghệ và cùng chọn ra những tác phẩm truyền hình xuất sắc nhất trong năm. Đây cũng là dịp để những người làm truyền hình tìm kiếm và chọn lọc các tác phẩm xuất sắc nhất cho chương trình Tết cổ truyền Nhâm Thìn (2012) phục vụ đồng bào cả nước./.

 

 Tính đến thời điểm này, Ban tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quốc đã nhận được gần 700 tác phẩm của gần 100 đơn vị dự thi; trong đó có 12 đơn vị tư nhân – lần đầu tiên tham gia Liên hoan với tư cách đơn vị độc lập. Riêng mảng phim truyện có 364 tập phim thuộc 11 bộ phim dài tập và 10 tập phim thuộc 3 bộ phim lẻ.
 

Phần lớn các hoạt động của Liên hoan truyền hình lần này sẽ được tổ chức tại Cung thể thao Tiên Sơn, đường 2/9, thành phố Đà Nẵng. Đêm Bế mạc và Trao giải sẽ được tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương, 118 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Đà Nẵng. Riêng Diễn đàn về tuyên truyền bảo vệ và phát huy di sản sẽ diễn ra tại Hội An.

Liên hoan năm nay dự kiến sẽ thu hút khoảng gần 400 đại biểu từ gần 100 đơn vị làm truyền hình trong cả nước.

 (Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo