Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị khoa học Bỏng châu Á – Thái Bình Dương
Đã đăng vào 28/03/2013 lúc 10:16Chiều 27/3 tại Hà Nội, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác tổ chức gặp gỡ báo chí để giới thiệu về Hội nghị khoa học Bỏng châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 9 (APBC) với chủ đề “Những thách thức trong điều trị bỏng toàn diện” . Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị này.
Thiếu tướng Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác |
Theo đó, Hội nghị khoa học sẽ diễn ra từ ngày 3 – 5/4/2013 tại Hà Nội với sự tham dự của Chủ tịch Hội Bỏng thế giới; Chủ tịch Hội Bỏng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bỏng, liền vết thương và phẫu thuật tạo hình trong khu vực và trên thế giới; các nhà khoa học, bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chuyên ngành trong khu vực. Dự kiến có khoảng 500 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.
Phát biểu tại buổi gặp báo chí, Thiếu tướng Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, Hội nghị APBC là diễn đàn khoa học về chuyên ngành bỏng, phẫu thuật tạo hình sau bỏng và các chuyên ngành liên quan của khu vực châu Á – Thái Bình Dương được định kỳ tổ chức 2 năm một lần. Đây là cơ hội để giao lưu, trao đổi, cập nhật kiến thức và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế. Đồng thời, thông qua Hội nghị này, Việt Nam sẽ giới thiệu, quảng bá những thành tựu khoa học kỹ thuật của chuyên ngành bỏng nước ta với các nhà khoa học các nước trong khu vực…
Theo Thiếu tướng Lê Năm, nội dung Hội nghị sẽ bao gồm các bài giảng, báo cáo khoa học tập trung vào các lĩnh vực: Dịch tễ học bỏng, cấp cứu thảm họa bỏng; những tiến bộ mới trong điều trị bệnh nhân bỏng nặng, bỏng hô hấp, dinh dưỡng miễn dịch, phẫu thuật điều trị bỏng, các loại vật liệu thay thế da điều trị tại chỗ vết bỏng; điều dưỡng chăm sóc, phục hồi chức năng trong và sau bỏng cho bệnh nhân; phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ bệnh nhân di chứng bỏng, di chứng sau chấn thương, phẫu thuật…; các nghiên cứu về lĩnh vực liền vết thương, công nghệ mô, công nghệ tế bào và tế bào gốc…; các nghiên cứu thuộc các chuyên ngành có liên quan khác./.
(Báo điện tử ĐCSVN)