Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII: Đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Đã đăng vào 08/03/2013 lúc 9:07Sáng 7/3/2013, HĐND tỉnh khóa VIII đã khai mạc kỳ họp lần thứ 7 (kỳ họp chuyên đề) đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai. Các ông Lê Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trương Minh Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì kỳ họp.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: T.Đ |
Trong phần đóng góp sửa đổi Hiếp pháp năm 1992, các đại biểu đều khẳng định quan điểm không chấp nhận chế độ đa Đảng đối lập, chọn Đảng Công sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước. Bản Hiến pháp mới thể hiện Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong là phù hợp. Khẳng định quyền lực Nhà nước là thống nhất, không có sự tam quyền, phân lập. Các đại biểu cũng đề nghị giữ nguyên quan điểm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang. Một số đại biểu đề nghị sửa Lời mở đầu bản Hiến pháp mới cho phù hợp với mốc lịch sử hình thành đất nước; đề nghị bổ sung cụm từ các dân tộc thiểu số Việt Nam vào Điều 4, tách tên gọi chương II thành hai chương là Quyền con người và Quyền công dân vì đây là hai khái niệm khác nhau. Đề nghị bổ sung cụm từ nghiêm cấm tham nhũng. Nhiều đại biểu cũng đề nghị đưa Đoàn Thanh viên vào Hiến pháp để khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với lực lượng thanh niên ngay từ văn bản pháp lý cao nhất. Một số đại biểu không đồng ý thành lập Hội đồng Hiếp pháp vì không ai có quyền cao hơn để giám sát hoạt động của Hội đồng này. Ngoài ra, đại biểu còn đóng góp trực tiếp vào từng điều khoản cụ thể của Hiếp pháp về thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung câu từ… cho phù hợp.
Trong phần đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, các đại biểu đều thống nhất nguyên tắc đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân. Thống nhất quy định Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất khi Nhà nước thực hiện các chính sách về đất đai. Song song đó, đề nghị bổ sung quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được thông qua HĐND. Một số đại biểu đề nghị tăng hạn điền lớn hơn hoặc xóa bỏ hạn điền để nông dân có điều kiện tích tụ ruộng đất, phù hợp với sản xuất hàng hóa lớn hiện nay. Đại biểu cũng đề nghị Luật Đất đai mới phải hoàn thiện thể chế Nhà nước về quản lý đất đai để hạn chế xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện quá nhiều. Đề nghị quy định trong luật này Nhà nước có chính sách đảm bảo cho các dân tộc thiểu số có đất ở và đất sản xuất nông nghiệp.
Ngoài các nguyên tắc, các quan điểm chủ đạo, đại biểu quan tâm đóng góp nhiều nhất đối với luật này là các quy định về giá đất; nguyên tắc sử dụng đất; nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất; vấn đề giao đất, cho thuê đất và chuyển quyền sử dụng đất. Đặc biệt là cần quy định cụ thể vấn đề cho thuê đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đối với các tổ chức nước ngoài có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Vấn đề này đề nghị quy định phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, các đại biểu đã đóng góp trực tiếp vào từng điều luật, thiết kế lại điều luật cho gọn gàng, dễ hiểu, tránh sự hiểu nhầm…
Kỳ họp đã bế mạc vào buổi chiều cùng ngày.
(Baobaclieu)