50% trẻ em Việt Nam đang bị thiếu hụt các vitamin
Đã đăng vào 04/03/2013 lúc 10:11Hơn 50% trẻ em Việt Nam đang bị thiếu hụt các vitamin A, B1, C, D và sắt trong chế độ ăn hàng ngày.
Thông tin trên vừa được Viện dinh dưỡng Quốc gia đưa ra cuối tuần qua, trong buổi công bố kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng Khu vực Đông Nam Á, do Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp cùng Hội Dinh dưỡng Việt Nam và Viện Friesland Campina tiến hành.
Theo tiến sỹ Lê Nguyễn Bảo Khanh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam – người điều phối dự án, điểm nổi bật nhất của nghiên cứu là khảo sát được thực hiện đồng thời tại bốn nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, để Việt Nam có số liệu đối chiếu tình hình dinh dưỡng của nước nhà so với các nước trong khu vực dựa trên các tiêu chí đánh giá tương đồng.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ trẻ thiếu các loại vitamin của Việt Nam cao hơn so với ba nước khác cùng trong nghiên cứu.
Đáng chú ý trẻ ở khu vực thành thị có tỷ lệ thiếu vitamin D cao hơn trẻ nông thôn. Nhóm trẻ gái ở thành thị có tỷ lệ thiếu vitamin D cao nhất là hơn 58%.
Vì thế, bà Khanh cho rằng cần truyền thông cho các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của vitamin D với sức khỏe, cũng như sự tăng trưởng của trẻ. Hậu quả lớn nhất của thiếu vi chất này là ảnh hưởng đến tầm vóc, nổi bật nhất là còi xương.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, hiện nay có hai nguồn cung cấp vitamin này là từ khẩu phần ăn và ánh nắng mặt trời.
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưõng, từ truớc đến nay thì khẩu phần ăn thiếu vitamin D của trẻ rất cao. Tuy nhiên, thực tế nguồn vitamin này đến từ khẩu phần ăn chỉ chiếm khoảng 20% trong cơ thể, 80% còn lại lấy từ ánh nắng mặt trời.
Vì vậy, bà Khanh khuyến cáo nhiều gia đình phải thay đổi thói quen chăm sóc trẻ. Trong giai đoạn trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, nhiều người giữ trẻ nhà, không có lịch trình tắm nắng. Đây không phải thói quen tốt cho sức khỏe.
Mặt khác, bà Khanh phân tích, xét về thực trạng thiếu vi chất trong khẩu phần ăn thì Việt Nam có tỷ lệ cao nhất trong 4 nước, tuy nhiên tỷ lệ thiếu vitamin lại cao nhất. Điều đó phản ánh, bữa ăn truyền thống của người Việt chưa đáp ứng được nhu cầu đang trong giai đoạn phát triển rất nhanh của trẻ.
Bên cạnh đó, Giáo sư Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết, nguồn cung cấp vitamin D trong khẩu phần ăn chủ yếu từ các sản phẩm có nguồn gốc động vật, trong đó có trứng, sữa, thịt… Với trẻ, trứng và sữa là sản phẩm rất cân đối và tốt. Các bà mẹ có thể cho con ăn một quả một ngày rất tốt, với người trưởng thành có thể ăn 2-3 quả trứng mỗi ngày.
Trứng là thức ăn nhiều chất béo, các vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Theo khảo sát trên, trong khi suy dinh dưỡng và thiếu vi chất tiếp tục là những vấn đề đáng quan tâm hàng đầu, thì tỷ lệ trẻ béo phì và dư cân cũng đang gia tăng, đặc biệt là ở đô thị. Cứ 3-4 trẻ thì có 1 trẻ có tình trạng dinh dưỡng không hợp lý, hoặc thiếu dưỡng chất hoặc thừa dinh dưỡng.
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân vùng thành thị là gần 11%, nông thôn là gần khoảng 21%. Ngược lại, có đến 29% trẻ thành thị thừa cân, con số này ở nông thôn chỉ chưa đến 6%.
|
(Vietnam+)