CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 13)
Đã đăng vào 14/11/2011 lúc 9:07Trần Trinh Huy đi đến đâu là kéo theo những cuộc ăn chơi đến đó. Khi vào điền thì như nói ở trên, khi về châu thành Bạc Liêu. Khi thì Huy chạy về Sài Gòn nhảy đầm, khi thì kéo bạn bè có tiếng tăm ở lục tỉnh về Bạc Liêu chơi. Rằng, những lúc bạn bè tập hợp thì Ba Huy rủ họ đi biển chơi, có mang theo súng săn để bắn chim chàng bè. Thuở ấy, vùng biển Bạc Liêu, giang sen, chàng bè… nhiều vô kể, mỗi con cân nặng đến 4 – 5kg. Công tử Bạc Liêu săn bắn rất giỏi. Những cuộc săn của ông bao giờ cũng giết được vài con chim to. Sau đó, đoàn săn xách chim ra nấu nướng ăn nhậu. Lại rước thêm gánh đờn ca tài tử. Họ ăn nhậu, hát xướng thâu đêm suốt sáng. Có lúc họ lại kéo nhau xuống bãi cát tắm biển.
Công tử Bạc Liêu rất mê nghề võ. Vào nửa đầu thế kỷ 20, học võ là một cái mốt với nhận thức: học võ để nâng cao cái khí phách thượng võ của kẻ anh hào. Công tử Bạc Liêu không học võ Tây hay võ ta mà học võ Xiêm (Thái Lan). Ông ta đã cất công qua Xiêm mướn một ông thầy thượng hạng (tên gọi là Si cô la -đây là tên do người biết chuyện kể lại, nhưng có lẽ được đọc tên không chính xác) về dạy cho mình và Tám Bò (em út Ba Huy).
Có một câu chuyện do ông Tạ Việt Hoa, nguyên Phó tổng Biên tập Báo Minh Hải, kể: “Nghe người ta kể lại: Để chứng minh thầy võ của mình là “độc chiêu”, Công tử Bạc Liêu đã tổ chức một võ đài tại Bạc Liêu rồi cho thầy mình thách đấu với Sáu Cường (Sáu Cường, một người rất to con, đặc biệt cặp chân rất dài. Bộ đá của Sáu Cường đã vang danh khắp Nam kỳ và Campuchia, không ai đỡ nổi). Khi thượng đài, Sáu Cường khiêm tốn bái tổ theo nguyên tắc nhà võ, còn Si cô la thì ngông nghênh, không bái tổ gì cả. Sáu Cường ra đòn đầu tiên bằng thế đá “danh bất hư truyền” khiến Si cô la phải hạ đài sau đó. Tức khí vì nhục, Công tử Bạc Liêu đã cho tay em vây đánh Sáu Cường. Thế nhưng, một nhóm người Bạc Liêu chuộng nghĩa đã đứng ra bênh vực, giải vây cho Sáu Cường”. Có một chuyện buồn cười: Công tử Bạc Liêu biết võ nhưng lại bị người khác đánh bể mặt. Câu chuyện này được nhà báo Hồng Hạnh viết như sau:
Chuyện xảy ra vào lối thập niên 30…
Công tử Bạc Liêu với thói phong lưu nhất hạng mà khi ra đường chỉ biết ngửa mặt nhìn trời mà bước, không thèm để ý tới ai. Chính vì thế nên xảy ra một vụ đụng độ…
Số là ở Cần Thơ cũng có một Công tử Cần Thơ tên gọi là Dương Văn Quảng. Đây cũng là một tay tứ đổ tường, ăn chơi có hạng. Ông này đã bỏ ra bạc ngàn Đông Dương để mua chiếc xe Renault. Tình cờ, Công tử Bạc Liêu và Công tử Cần Thơ đụng độ nhau giữa ban ngày. Số là hồi đó, cầu Cái Răng chưa to lớn như bây giờ. Nó chỉ là một chiếc cầu sắt đủ cho một làn xe chạy. Theo thông lệ, mỗi lần xe hai bên khi qua cầu phải nhìn trước ngó sau rồi mới qua. Đàng này cả hai chiếc xe của hai Công tử cứ thế mà bon bon chẳng ai thèm ngó ai, đến khi lên giữa cầu mới chực nhìn ngó nhau. (Nghe nói xe của Công tử Cần Thơ đã lên 7 phần cầu còn xe của Công tử Bạc Liêu mới lên 3 phần). Thế nên Công tử Cần Thơ mới hầm hầm mở cửa xe đòi đánh kẻ dám không nhường đường. Nói là làm, Công tử Quảng đã thoi vào mặt Công tử Bạc Liêu một phát. Là người có võ nhưng không biết căn cớ nào mà Ba Huy lãnh nguyên một nắm đấm. Nắm đấm ấy lại có chiếc cà rá hột xoàn nên nó ấn vào mặt Ba Huy đến tóe máu. Sau đó thì trở nên lớn chuyện, cò bót phải lập biên bản và chẳng ai chịu quay lui xe, khiến cho ùn tắc giao thông nguyên một ngày trời. Công tử Bạc Liêu đã kiện và Tòa xét xử kéo dài cả năm trời. Cuối cùng, Công tử Cần Thơ phải nhờ người thân của mình có quen biết mang trầu rượu xuống tận Bạc Liêu xin lỗi Trần gia nhờ xí xóa, với một câu: Nếu biết đó là Công tử Bạc Liêu, ông nội tôi còn không dám đánh!
(Baobaclieu)