Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh APEC
Đã đăng vào 14/11/2011 lúc 8:33* Công bố Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương
Ngày 12-11 (giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh APEC chính thức khai mạc tại Honolulu nhằm tìm biện pháp thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư trong khu vực thông qua giải quyết vấn đề thuế quan và những rào cản khác, đẩy mạnh hiệu quả năng lượng cũng như tăng cường an ninh năng lượng.
Lãnh đạo 9 nước thành viên tại cuộc họp cấp cao TPP. |
Đạt được thỏa thuận tổng thể
Giới chức Nhật Bản cho biết Mỹ và một số nền kinh tế khác trong APEC, trong đó có Nhật Bản, ủng hộ việc cắt giảm thuế quan nhằm thúc đẩy công nghệ xanh, trong khi Trung Quốc và một số nền kinh tế mới nổi lo ngại về tác động của việc này đối với thị trường trong nước. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ trình bày chính sách của Tokyo trong việc tham gia đàm phán đa phương về sáng kiến thương mại tự do được Mỹ ủng hộ, nhằm tiến tới xây dựng một cam kết quốc tế.
Sáng cùng ngày, tại khách sạn Hale Coa, thành phố Honolulu, bang Hawaii của Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự cuộc họp cấp cao các thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là cuộc họp cấp cao TPP lần thứ hai tiếp theo cuộc họp đầu tiên tại Nhật Bản tháng 11-2010.
Tham dự cuộc họp có các nhà lãnh đạo 9 nước thành viên gồm Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chủ trì cuộc họp.
Cuộc họp đã thông qua “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương”, khẳng định đàm phán đã đạt thỏa thuận về khung tổng thể của hiệp định. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan hữu quan các nước thành viên trong quá trình đàm phán gần 2 năm qua và nhất trí tiếp tục nỗ lực để có thể cơ bản hoàn tất văn bản pháp lý của hiệp định. Cuộc họp cũng đã hoan nghênh nguyện vọng của Nhật Bản và một số nước trong khu vực mong muốn tham gia tiến trình đàm phán.
Nhiều cuộc gặp bên lề
Cùng ngày, bên lề Hội nghị cấp cao APEC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Trong bầu không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, lãnh đạo hai nước đã trao đổi ý kiến và đạt được nhất trí về những phương hướng lớn để tăng cường sự tin cậy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, cũng như về các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Lãnh đạo hai nước cũng đã trao đổi về vấn đề biển Đông, nhất trí giải quyết thỏa đáng vấn đề biển Đông thông qua đàm phán hòa bình. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ trong quá trình giải quyết vấn đề biển Đông, hai bên cần tuân thủ những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, nghiêm túc thực hiện thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và DOC. Hai vị lãnh đạo cũng thống nhất sẽ phối hợp và hợp tác chặt chẽ để Hội nghị APEC lần này thành công và đảm bảo lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển trong tiến trình khu vực hóa, toàn cầu hóa kinh tế thế giới.
Cũng trong ngày 12-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Tại cuộc gặp, hai bên bày tỏ hết sức vui mừng trước những bước tiến mạnh mẽ của quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nga. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng mặc dù quan hệ phát triển rất tốt đẹp, song tiềm năng hai bên còn rất lớn; các bộ, ngành hai nước cần triển khai có hiệu quả những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao, chủ động tìm ra những biện pháp thiết thực để thúc đẩy quan hệ. Chủ tịch nước đề nghị phía Nga đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, kỹ thuật quân sự, và đặc biệt cần đưa dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trở thành biểu tượng mẫu mực cho quan hệ hữu nghị và hợp tác mới giữa hai nước.
Tổng thống Medvedev hoàn toàn nhất trí với các ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc. Tổng thống tin tưởng rằng việc phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, như triển khai danh mục các nhiệm vụ ưu tiên năm 2012 và tăng cường hoạt động của Ủy ban liên chính phủ cấp phó thủ tướng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo cho rằng truyền thống hợp tác trong lĩnh vực năng lượng rất tốt đẹp, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội mỗi nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Liên bang Nga Medvedev. |
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Thủ tướng Australia Julia Gillard. Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ song phương trong thời gian qua, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, giáo dục – đào tạo, quốc phòng – an ninh, du lịch. Chủ tịch nước cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển xứng tầm đối tác toàn diện, nhưng tiềm năng để thúc đẩy quan hệ còn rất to lớn. Lãnh đạo hai nước cần duy trì thăm viếng lẫn nhau và tiếp xúc song phương bên lề các hội nghị quốc tế; các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ để có các biện pháp thiết thực nhằm tăng cường quan hệ hai nước.
Thủ tướng Gillard hoàn toàn nhất trí với những đánh giá của Chủ tịch nước, nhấn mạnh Australia coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam – Australia. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là các cơ chế do ASEAN làm trung tâm, EAS, APEC.
Trưa 12-11, Chủ tịch nước đã dự đối thoại Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Mỹ. Tham gia diễn đàn có đại diện gần 200 doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam. Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại học Tổng hợp Hawaii tổ chức. Chủ tịch nước đã trao đổi và trả lời nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp Mỹ về môi trường kinh doanh, các chính sách đầu tư, thương mại, du lịch, giáo dục – đào tạo… của Việt Nam, các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kỹ thuật trong đào tạo, thỏa thuận về đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh giữa Trường Đại học Tổng hợp Hawaii và Đại học Huế và thỏa thuận về hợp tác đào tạo giữa Đại học Tổng hợp Hawaii và Đại học Ngoại thương.
Những điểm chính của TPP Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cột mốc quan trọng trong tầm nhìn chung của 9 quốc gia về việc thiết lập một hiệp định khu vực toàn diện và thuộc thế hệ mới, trong đó tiến hành tự do hóa thương mại và đầu tư, giải quyết các vấn đề thương mại mới và truyền thống cũng như các thách thức của thế kỷ 21. Những nét chính của TPP gồm: Thứ nhất, tiếp cận thị trường một cách toàn diện, theo đó thúc đẩy hàng hóa của các nước thành viên được tiếp cận thị trường của nhau một cách toàn diện và miễn thuế, các hạn chế về dịch vụ được đồng loạt xóa bỏ nhằm tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp cũng như những lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng. Thứ hai, xây dựng một hiệp định khu vực toàn diện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên TPP, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, nâng cao mức sống và cải thiện phúc lợi tại các nước thành viên. Thứ ba, hình thành khung hiệp định trên cơ sở những thỏa thuận đã thực hiện trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và các diễn đàn khác và bằng việc đưa vào TPP 4 vấn đề mới và mang tính xuyên suốt gồm: gắn kết môi trường chính sách, năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi cho kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển. Thứ tư, coi các vấn đề mới nổi lên trong thương mại toàn cầu như một phần của đàm phán TPP. Các công nghệ mới sẽ tạo ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa các thành viên, đồng thời cũng làm nảy sinh những vấn đề thương mại mới tiềm ẩn cần giải quyết để có thể thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ, đảm bảo tất cả các nền kinh tế các nước TPP đều được hưởng lợi. Ngoài ra, các vấn đề thương mại liên quan tới tăng trưởng xanh cũng được xem xét nhằm đảm bảo các nước TPP tiếp tục giữ vị trí tiên phong trong lĩnh vực này. Thứ năm, xây dựng TPP thành một hiệp định mở. Các nhóm đàm phán TPP đang thiết lập một cấu trúc, thể chế và quy trình cho phép hiệp định này tiếp tục phát triển để đáp ứng những tiến triển mới trong thương mại, công nghệ hoặc các vấn đề và thách thức mới nổi khác. |
(Saigongiaiphong)