VN chưa phát hiện bệnh lạ giống bệnh AIDS

Đã đăng vào 29/08/2012 lúc 8:58

Thông tin bệnh lạ giống HIV/AIDS xuất hiện tại Việt Nam và một số ca từng điều trị tại TP HCM vừa bị Sở Y tế thành phố phủ nhận.

Ngày 23/8, tạp chí Y học New England đăng nghiên cứu của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ cho rằng, có ít nhất 200 người châu Á đã được ghi nhận mắc một căn bệnh mới hiếm gặp gây suy giảm hệ miễn dịch, một số người tử vong. Triệu chứng của bệnh giống như AIDS nhưng lại không liên quan đến virus HIV.

Tiếp sau đó, một bài báo trong nước đưa tin "bệnh lạ giống HIV/AIDS có mặt tại Việt Nam". Bài báo còn nêu một số ca bệnh cụ thể được điều trị tại một số bệnh viện ở TP HCM. Thông tin này khiến ngày 27/8, Sở Y tế TP HCM đã gấp rút điều tra và kết luận "chưa phát hiện trường hợp nào".

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP HCM cho biết, tất cả các bệnh viện tại TP HCM báo cáo không có ghi nhận ca bệnh tương tự.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM – bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu – người trực tiếp truy thực hư để báo cáo cho UBND TP HCM và Sở Y tế cũng khẳng định chưa ghi nhận trường hợp suy giảm miễn dịch giống AIDS.

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, suy giảm miễm dịch nhưng không phải do AIDS nếu có cũng rất hiếm gặp. Người dân không nên hoang mang.

Một đại diện của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vì căn bệnh trên còn quá mới nên Việt Nam chưa có thống kê chính thức.

Trao đổi với PV, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, cho rằng trước khi nói đến bệnh mà Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ đề cập, cần phải nói cho rõ về bệnh do suy giảm miễn dịch là như thế nào.

Theo bác sĩ Châu, khi hệ thống miễn dịch suy yếu, con người sẽ dễ dàng bị nhiễm trùng cơ hội. Tác nhân gây nhiễm trùng cơ hội thường gặp nhất thuộc nhóm mycobacterium không phải lao (nontuberculous mycobacteria). Đây là nhóm vi khuẩn có quan hệ rất gần gũi với trực khuẩn gây bệnh lao (Mycobacterium tuberculosis), có thể gây viêm phổi nặng và gây nhiễm trùng lan tỏa ra ngoài phổi như viêm xương, nhiễm trùng nội tạng.

Những tác nhân gây nhiễm trùng cơ hội khác bao gồm vi khuẩn Salmonella non-typhi, một số loại vi nấm, virus Varicella Zoster gây zona hoặc thủy đậu nặng… Các tác nhân này không thể gây bệnh cho người có sức đề kháng (hệ thống miễn dịch) bình thường.

Có rất nhiều nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch, bao gồm nguyên nhân bẩm sinh (bất thường về di truyền) và mắc phải (bị bệnh trong quá trình sống). Nguyên nhân mắc phải thường gặp nhất là do nhiễm virus HIV (bệnh AIDS), ngoài ra còn có thể do virus Epstein-Barr, bệnh lý ác tính…

Sự khác biệt giữa bệnh AIDS và "bệnh mới"

Tiến sĩ Châu cho biết, ở bệnh AIDS, virus HIV tấn công và phá hủy lympho bào TCD4, làm cho hệ thống miễn dịch bị suy yếu dẫn đến nhiễm trùng cơ hội. Người mắc sẽ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

“Bệnh mới” theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ là bệnh nhiễm trùng cơ hội do suy giảm miễn dịch, nhưng không có tổn thương của tế bào lympho mà do kháng thể tự miễn (autoantibodies). Các kháng thể tự miễn này xuất hiện và chống lại Interferon gamma – một hóa chất trung gian giúp loại trừ mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.

Bệnh này chỉ xuất hiện ở người lớn, đa số độ tuổi 50, chưa rõ nguyên nhân nên các nhà nghiên cứu tạm gọi tên là “hội chứng suy giảm miễn dịch khởi phát ở người lớn” (adult-onset immunodeficiency syndrome) để phân biệt với AIDS.

Nguyên nhân bệnh mới có thể do di truyền

Bệnh cho đến nay chủ yếu phát hiện được ở Thái Lan, Đài Loan và một số trường hợp người gốc Á sống ở Mỹ. Không có biểu hiện lây truyền từ người bệnh sang người tiếp xúc nên loại trừ nguyên nhân do vi sinh vật.

Do chỉ ghi nhận ở những người gốc Á và chỉ khởi bệnh sau một thời gian sống hoàn toàn bình thường nên các nhà khoa học hướng đến nguyên nhân di truyền phối hợp với sự tác động của môi trường. Tuy nhiên cụ thể là các gene nào và tác động gì của môi trường thì vẫn chưa biết.

Thường chỉ nên nghĩ đến bệnh này khi có hội chứng suy giảm miễn dịch với tình trạng nhiễm trùng cơ hội do nontuberculous mycobacteria, lao ngoài phổi, nhiễm vi nấm… tái đi tái lại, dai dẳng kéo dài, chậm hoặc không đáp ứng với điều trị kháng sinh. Đây thường là các trường hợp bệnh nặng phải nằm viện điều trị.

Theo bác sĩ Châu, hiện nay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, tất cả những bệnh nhân có biểu hiện như vậy đều do nhiễm HIV/AIDS. Trong thời gian tới bệnh viện sẽ tiếp tục tầm soát nhằm phát hiện trường hợp nhiễm trùng cơ hội nhưng không nhiễm HIV, gợi ý ban đầu của căn bệnh mới này.

Việc xác định “bệnh mới” sẽ được tiến hành bằng kỹ thuật xét nghiệm hiện đại phát hiện các tự kháng thể kháng interferon trong máu và những khảo sát chức năng miễn dịch chuyên biệt khác.

 
 
(HNMO)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo