Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong ASEM
Đã đăng vào 07/11/2012 lúc 10:59
Tối 6/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Á – Âu lần thứ 9 tại thủ đô Viêng Chăn, CHDCND Lào. Có thể khẳng định, Hội nghị đã đánh dấu những kết quả và bước tiến mới trong quan hệ đối tác Á – Âu, tạo động lực cho việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tăng cường hợp tác và phát triển ở hai châu lục.
Hội nghị cấp cao ASEM 9 đánh dấu 16 năm thành lập Diễn đàn hợp tác Á – Âu ASEM. Trong 16 năm qua, ASEM đã chứng kiến nhiều thay đổi nhanh chóng của khu vực và thế giới. Từng quốc gia thành viên cũng phải đối mặt với không ít thách thức có tác động tiêu cực đến sự phát triển của cả hai châu lục như biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế, tài chính, giá lương thực và năng lượng tăng cao, thiên tai, sự bùng phát của các loại dịch bệnh… Trước những thách thức đó, tại thời điểm hiện nay, ASEM vẫn tiếp tục duy trì vai trò là một diễn đàn quan trọng để các thành viên chia sẻ những suy nghĩ, trao đổi quan điểm và tìm kiếm các phương thức tăng cường và thúc đẩy sự hợp tác giữa châu Á và châu Âu. Với chủ đề “Bạn bè vì hòa bình, Đối tác vì thịnh vượng”, Hội nghị Cấp cao ASEM 9 được tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn, CHDCND Lào đã tập trung thảo luận các nội dung chính: tình hình kinh tế, tài chính; các thách thức toàn cầu; các vấn đề khu vực; các vấn đề hợp tác ASEM và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Sau khi kết thúc Hội nghị, ngay trong chiều 6/11, Thủ tướng Lào Thongxỉnh Thămmavông, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Hécman Van Rômpơi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Hôxê Manuen Barôxô đã đồng chủ tọa cuộc họp báo, thông báo kết quả hội nghị. Về phía Việt Nam, trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí theo đoàn về những kết quả nổi bật của Hội nghị ASEM 9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 9 diễn ra trong 2 ngày 5- 6/ 11 là sự kiện quốc tế quan trọng không chỉ đối với nước bạn Lào mà còn đối với hợp tác giữa hai châu lục Á – Âu. Có thể nói, Hội nghị đã đánh dấu những kết quả và bước tiến mới trong quan hệ đối tác Á – Âu, tạo động lực cho việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tăng cường hợp tác và phát triển ở hai châu lục. Diễn ra trong tình hình quốc tế và ở hai châu lục có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, Hội nghị đã tập trung vào chủ đề “Bạn bè vì hòa bình, đối tác vì thịnh vượng”, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Viêng Chăn về tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển” và “Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEM 9” cùng 11 sáng kiến mới. Kết quả nổi bật của Hội nghị là đánh dấu đợt mở rộng thành viên lần thứ 4 của Diễn đàn ASEM, với việc chính thức kết nạp Bangladesh, Na Uy và Thụy sĩ tham gia. Như vậy, sau 16 năm hình thành, vị thế, quy mô và tiềm năng của ASEM tiếp tục được đẩy mạnh, từ 26 thành viên tăng lên 51 thành viên, đại diện cho gần 60% dân số thế giới, đóng góp gần 60% thương mại và khoảng 50% GDP toàn cầu. Các nhà Lãnh đạo ASEM đã khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chung nỗ lực vượt qua suy giảm kinh tế, nhằm góp phần tạo động lực cho phục hồi kinh tế toàn cầu. Hội nghị nhất trí đẩy mạnh hợp tác tài chính, kết nối, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tạo việc làm, chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững. Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tiếp tục cùng nỗ lực thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, Vòng đàm phán Đô-ha và hoan nghênh việc Lào và Nga vừa trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các nhà Lãnh đạo cũng ủng hộ các đề xuất của Diễn đàn doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 13 về thúc đẩy thương mại và đầu tư, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và tăng cường kết nối khu vực, trong đó chú trọng kết nối các nền kinh tế châu Âu với Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS). Hội nghị đã đạt nhiều thỏa thuận quan trọng về phương hướng tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, cả truyền thống và phi truyền thống, và nhấn mạnh các thách thức này đang tác động đan xen, sâu rộng, khó lường. Hội nghị nhất trí coi trọng đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề phát triển, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác về bảo vệ nguồn nước và phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai… Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh cần tiếp tục cải cách các định chế quản trị toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phát huy vai trò của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển.
Với những dấu ấn nổi bật trên, có thể khẳng định, Hội nghị Cấp cao ASEM 9 đã thành công tốt đẹp. Việc Lào đảm nhiệm xuất sắc vai trò nước chủ nhà của Hội nghị ASEM 9 đã góp phần khẳng định vai trò ngày càng tích cực và chủ chốt của ASEAN tại các cơ chế hợp tác khu vực và liên khu vực, nâng cao vị thế và uy tín của Lào trên trường quốc tế.
Các thành viên ASEM đặc biệt đánh giá cao việc Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp có trách nhiệm nhằm thúc đẩy lợi ích chung trong duy trì hòa bình, an ninh, ổn định khu vực. Trước đó, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, mặc dù giữa một số thành viên và thậm chí là giữa hai châu lục có thể có khác biệt, bất đồng, song duy trì hòa bình, an ninh và ổn định chính là mẫu số lợi ích chung lớn nhất. Vấn đề then chốt hiện nay là cần nỗ lực tạo dựng các cấu trúc khu vực với mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển, mang tính xây dựng, minh bạch và hiệu quả, ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống và bảo đảm thỏa đáng lợi ích của các nước đang phát triển. Trong nỗ lực chung đó, Việt Nam đang cùng ASEAN đóng vai trò tích cực. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho biết, tại Hội nghị, Việt Nam đã phối hợp với nước chủ nhà Lào và các thành viên thúc đẩy quá trình đi đến đồng thuận chung trong nhiều vấn đề quan trọng. Do tính đa dạng và đặc thù của Diễn đàn, giữa hai châu lục Á- Âu nói chung và các thành viên ASEM nói riêng, có sự quan tâm, ưu tiên và cách tiếp cận khác nhau. Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất thiết thực nhằm hài hòa lợi ích và gia tăng điểm tương đồng trong nhiều lĩnh vực hợp tác, như đẩy mạnh trụ cột hợp tác kinh tế, hỗ trợ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế xanh, tăng cường kết nối khu vực và liên khu vực, kết nối Tiểu vùng Mê Công…
Trong thời gian tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ và tiếp xúc rộng rãi với nhiều Nguyên thủ và Lãnh đạo các thành viên ASEM, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, Tổng thống các nước Pháp, Bulgaria, Indonesia, Thủ tướng các nước Nhật Bản, Australia Phần Lan, Italia, Slovinia, Luxembourg… Qua các cuộc gặp, Thủ tướng ta và các vị Lãnh đạo ASEM đã thảo luận nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế – thương mại, đồng thời trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Các nước đánh giá cao nỗ lực ổn định và tái cơ cấu nền kinh tế cũng như hội nhập quốc tế toàn diện của nước ta, nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt và làm sâu sắc quan hệ đối tác. Các nhà Lãnh đạo ASEM đều nhất trí trong bối cảnh cả châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương đang có những diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị và an ninh, hơn bao giờ hết các thành viên ASEM cần phối hợp chặt chẽ duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực để phục hồi kinh tế và tăng trưởng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Lãnh đạo các nước cũng đã trao đổi về các phương hướng, biện pháp cụ thể để làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ song phương. Đáng chú ý, Thủ tướng ta và các vị Lãnh đạo Nhật Bản, Australia, Pháp, Italia, Luxembourg, Phần Lan đã nhất trí tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước này. Cùng với các chuyến thăm Việt Nam nhân dịp Hội nghị của nhiều Lãnh đạo ASEM như Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Nga, Đan Mạch, Bangladesh, các hoạt động song phương tích cực nói trên tại Hội nghị đã góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác, đồng thời thể hiện vị thế ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế. Những kết quả từ Hội nghị Cấp cao ASEM 9, cả trên bình diện đa phương và song phương, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Diễn đàn ASEM. Tất cả các nước mà Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và hầu hết các đối tác FTA của Việt Nam đều là thành viên ASEM. Để hội nhập quốc tế hiệu quả, chúng ta cần tiếp tục đổi mới trong tư duy, chính sách và cách thức triển khai, coi trọng thỏa đáng tham gia các diễn đàn đa phương, quan tâm thúc đẩy những vấn đề ta có lợi ích, đồng thời chủ động, tích cực đóng góp đối với các quan tâm chung của khu vực và quốc tế, phát huy những thế mạnh, quan tâm của ta về an ninh lương thực, kết nối tiểu vùng, biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai, bảo vệ tài nguyên nước… Đây là một trong những nội hàm then chốt của hội nhập quốc tế toàn diện, nhằm góp phần củng cố môi trường an ninh và phát triển, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới – Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định. |
|||
(Báo điện tử ĐCSVN) |