Trung Quốc chỉ trích Philippines đòi chủ quyền ở bãi Scarborough
Đã đăng vào 27/11/2012 lúc 9:50Vào lúc bị chỉ trích kịch liệt vì phát hành tấm hộ chiếu áp đặt chủ quyền, Trung Quốc hôm qua 26/11 lại chĩa mũi dùi vào Philippines, khi cho rằng Manila “hiểu sai” luật pháp quốc tế trên hồ sơ Scarborough.
Tàu hải giám của Trung Quốc gần bãi đá ngầm Scarborough.
Trong một thông cáo công bố ngày 26/11, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila trích dẫn một bài phân tích của Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc – đặt trụ sở tại Hải Nam – cho rằng việc Philippines viện dẫn khái niệm vùng đặc quyền kinh tế EEZ trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển để đòi chủ quyền trên bãi Scarborough ngoài Biển Đông, là một sự “hiểu sai”và “áp dụng không đúng” luật quốc tế.
Bài “nghiên cứu” cho là lập luận của Manila chỉ nhằm phục vụ “lợi ích riêng của quốc gia”, và khi làm như vậy, chính Philippines mới là nước “đi ngược lại luật quốc tế và UNCLOS”. Đối với viện nghiên cứu Trung Quốc thì Bắc Kinh có chủ quyền lịch sử không thể chối cãi trên bãi cạn Scarborough, mà họ gọi là Hoàng Nham, trong khi người Philippines đặt tên là Panatag.
Vào tuần trước, Philippines đã lập lại tuyên bố chủ quyền của Manila trên bãi Scarborough, viện dẫn điều khoản của UNCLOS yêu cầu các quốc gia tôn trọng các vùng đặc quyền kinh tế của nhau trong phạm vi 200 hải lý từ bờ biển của họ.
Ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, Tổng thống Philippines Aquino đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc rút ngay tàu ra khỏi khu vực bãi Scarborough. Tàu của Trung Quốc đã tiến vào bãi đá
Trong một bài xã luận công bố ngày 23/11nhật báo Trung Quốc China Daily không ngần ngại đánh giá là “thô bạo” động thái của Tổng thống Aquino khi ông công khai bác bỏ lập luận của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng toàn thể khối ASEAN đã nhất trí không quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông. Đối với tờ báo này đó là “một động thái phi ngoại giao, thiếu suy xét, và không giúp giải quyết vấn đề một cách hòa bình”.
Theo các nhà quan sát, Trung Quốc chĩa mũi dùi vào Philippines vào lúc Bắc Kinh đang gặp phản ứng từ phía các láng giềng Ấn Độ, Philippines, và Việt Nam chống lại việc Trung Quốc ngấm ngầm đưa các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc vào trong hộ chiếu mới.
(Dân trí)