Thế giới sẽ khó tránh khỏi nguy cơ giá dầu tăng cao
Đã đăng vào 26/03/2012 lúc 9:30Bộ trưởng Dầu mỏ Arập Xêút Ali al-Naimi khẳng định nước này sẽ đảm bảo nguồn cung hợp lý, bình ổn thị trường dầu mỏ và hạ giá dầu xuống mức hợp lý đối với cả nhà sản xuất, người tiêu dùng và ngành dầu mỏ. Chính phủ Arập Xêút sẵn sàng tăng sản lượng dầu mỏ thêm 25% nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran do các biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt với Iran.
Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), trong 6 tháng cuối năm nay, lượng dầu xuất khẩu từ Iran có thể giảm khoảng từ 800.000 đến 1 triệu thùng/ngày. Chính cam kết đó đã góp phần trấn an các thị trường toàn cầu, trong bối cảnh giá dầu thế giới có xu hướng tăng nhanh từ mức 75 USD/thùng hồi tháng 10/2011 lên gần 125 USD/thùng đối với dầu Brent và trên 100 USD/thùng đối với dầu ngọt nhẹ New York vào thời điểm này.
Theo các nhà phân tích từ Commerzbank, Arập Xêút lo sợ sẽ tái diễn kịch bản của năm 2008, thời điểm giá dầu bất ngờ vọt lên gần 150 USD/thùng, đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, rồi sau đó giá dầu lại rơi tự do xuống còn 30 USD/thùng chỉ trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, tình hình hiện nay không giống như năm 2008 vì các kho dự trữ đang rất đầy dầu.
Sang phiên 21/3 vừa qua, giá dầu phục hồi đôi chút sau khi Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho hay dự trữ dầu thô tại nền kinh tế lớn nhất thế giới tuần kết thúc vào 16/3 vừa qua giảm tới 1,2 triệu thùng trái ngược với dự báo tăng 2,4 triệu thùng.
Báo cáo mới đây của Viện dầu khí Mỹ (API) cũng cho hay lượng dầu thô đã giảm 1,4 triệu thùng. Tất cả các thông tin đó đều đánh đi tín hiệu nhu cầu tại nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới đang có bước cải thiện và nguyên nhân kích giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch 21/3 vừa qua. Theo sau đó giá dầu ngọt nhẹ New York đóng cửa ở mức 107,27 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tăng lên 124,2 USD/thùng.
Nhưng rồi giá dầu lại quay đầu đi xuống trong phiên 22/3 vừa qua sau khi Pháp cho biết các nước công nghiệp phát triển đang xem xét việc xuất dầu từ các kho dự trữ chiến lược để hãm đà tăng của "vàng đen." Thêm vào đó là nỗi lo giá dầu tăng nóng thời gian vừa qua ảnh hưởng xấu đến tiến trình phục hồi của kinh tế toàn cầu và các liệu yếu kém của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc – một trong những nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia từ BMO Capital Markets lại cho rằng các nỗ lực phối hợp của Arập Xêút, châu Âu và Mỹ chỉ có thể làm thị trường tạm thời "hạ nhiệt" khỏi các mức cao hiện tại, chứ chưa thể dẫn đến một đợt điều chỉnh sâu.
Đóng phiên 22/3 vừa qua tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ, hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng Năm tới đây giảm 1,92 USD xuống 105,35 USD/thùng, trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 1,06 USD xuống 123,14 USD/thùng.
Thông tin xuất khẩu dầu mỏ của Iran có thể giảm mạnh trong tháng này đã đẩy giá dầu tăng mạnh trở lại vào phiên cuối tuần 23/3. Theo tính toán của công ty tư vấn Petrologistics và một doanh nghiệp dầu lớn châu Âu, lượng dầu Iran xuất khẩu trong tháng Ba này dường như đã giảm khoảng 14% (300.000 thùng/ngày), mức sụt giảm đảng kể đầu tiên kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng Một năm nay công bố kế hoạch cấm nhập khẩu dầu của Iran từ tháng Bảy và Mỹ cùng EU trừng phạt Ngân hàng Trung ương Iran.
Theo sau đó, giá dầu ngọt nhẹ New York tăng lên 108,25 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 2/3 vừa qua, trước khi trở lại mức 106,87 USD/thùng. Giá dầu Brent biển Bắc cũng chạm tới mức cao 127,06 USD/thùng, nhưng sau đó quay lại mức 125,13 USD/thùng.
Theo giới phân tích, nhân tố Iran đang chi phối thị trường dầu mỏ thế giới. Một cuộc tấn công quân sự do Israel hay Mỹ tiến hành nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran có thể "thổi" giá dầu lên cao ngất ngưởng, còn nếu các cuộc đàm phán ngoại giao được nối lại, giá dầu có thể lập tức giảm nhanh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận căng thẳng với Iran và bất ổn trong khu vực này sẽ khiến giá dầu tăng thêm 20-30 USD/thùng. Ngoài ra nhu cầu dầu ngày càng tăng tại Trung Quốc và Ấn Độ cũng góp sức đẩy giá dầu tăng cao.
Chính IEA cũng cảnh báo chi phí nhập khẩu dầu của các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tăng lên 1.500 tỷ USD trong năm nay nếu giá dầu đứng ở mức hiện nay, một con số đủ lớn để đẩy kinh tế thế giới trở lại suy thoái./.