Sức bật của hàng Việt tại Bạc Liêu
Đã đăng vào 13/09/2012 lúc 9:22Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (do Bộ Chính trị phát động), không chỉ mở ra cơ hội để doanh nghiệp trong nước thể hiện năng lực thông qua chất lượng, uy tín của thương hiệu sản phẩm, mà còn tạo sự chuyển biến nhận thức cho người dân về việc dùng hàng Việt. Qua đó, từng bước hình thành nét văn hóa trong sử dụng hàng hóa mang thương hiệu Việt.
Sức bật của hàng Việt là điều dễ dàng nhận thấy tại Bạc Liêu sau 3 năm thực hiện cuộc vận động. Thương hiệu hàng Việt đã dần được khẳng định và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn. Ngoài việc thông tin, tuyên truyền, các doanh nghiệp đã nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm và thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người tiêu dùng đã nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước; chất lượng, giá cả của hàng hóa Việt Nam, qua đó để lựa chọn sử dụng. Công tác tư vấn, hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tỉnh triển khai các chương trình khuyến mại sản phẩm và đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hóa được tỉnh chú trọng. Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng nông thôn. Hàng hóa mang thương hiệu Việt chiếm khoảng 85% thị trường nông thôn và bước đầu làm thay đổi tâm lý chuộng hàng ngoại của nhiều người tiêu dùng. Kết quả nổi bật sau 3 năm triển khai cuộc vận động là số lượng doanh nghiệp tham gia, hưởng ứng tăng cao; các đợt đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức thường xuyên hơn.
85% sản phẩm, hàng hóa được trưng bày tại siêu thị, cửa hàng bách hóa… đều mang thương hiệu Việt. Ảnh: M.Đ |
Từ năm 2009 đến nay, Sở Công thương đã phối hợp thực hiện 7 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” với gần 360 doanh nghiệp tham gia, doanh thu đạt trên 7,5 tỷ đồng, thu hút hơn 112.300 lượt người tham quan, mua sắm. Đồng thời, phối hợp tổ chức 26 hội chợ, triển lãm thương mại với chủ đề “Ưu tiên dùng hàng Việt” với 2.170 doanh nghiệp tham gia, doanh thu đạt hơn 23,4 tỷ đồng.
Một cán bộ Sở Công thương cho biết: “Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động, kết quả đáng mừng nhất chính là tạo được sự chuyển biến trong hệ thống chính trị, đảng viên, công nhân, viên chức, các tầng lớp nhân dân về ý thức ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước. Song song đó, doanh nghiệp, nhà sản xuất đã có nhiều nỗ lực trong sản xuất, cung ứng sản phẩm có chất lượng, giá thành vừa phải, quan tâm hơn việc xây dựng mạng lưới bán lẻ, cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm… Qua đó, tác động đến xu hướng sử dụng hàng Việt của người dân ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, có khoảng 85% sản phẩm, hàng hóa Việt Nam được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng bách hóa, hệ thống các siêu thị trong tỉnh. Sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh có đến 90% là hàng Việt”.
Với những nỗ lực không ngừng của ngành chức năng, địa phương, sự tự ý thức làm mới mình của các doanh nghiệp, cùng sự tự tin dùng hàng nội địa của người tiêu dùng đã giúp hàng Việt có sức bật mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của hàng Việt hiện nay là kênh phân phối tại nông thôn còn khá lỏng lẻo nên vẫn còn tồn tại sự thao túng hàng nước ngoài. Hơn nữa, những nỗ lực đưa hàng Việt về nông thôn của địa phương và ngành chức năng cũng chưa thể đáp ứng một cách xuyên suốt do địa bàn rộng, mỗi phiên chợ bán hàng chỉ diễn ra 2 – 3 ngày; sự kết hợp giữa các thương nhân với doanh nghiệp trong việc đưa hàng Việt về nông thôn còn thiếu chặt chẽ và chưa thống nhất. Do đó, sau những phiên chợ hàng Việt rầm rộ thì thị trường nông thôn trở lại trầm lắng.
Thiết nghĩ, để duy trì được sức bật của hàng Việt trên chính “sân nhà” như thời gian gần đây, việc tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế trên là điều cần sớm được các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm. Đồng thời, cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất.
(Baobaclieu)