Lúa Một bụi hồng – sản phẩm “trời cho” của huyện Hồng Dân
Đã đăng vào 02/05/2012 lúc 10:23Thời gian gần đây, thông tin Hợp tác xã (HTX) Thành Lợi (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) gửi đơn kiến nghị UBND tỉnh can thiệp giúp sớm tiêu thụ 70 – 80 tấn lúa Một bụi hồng (MBH) và một số tin đồn trong dân nghi ngờ chất lượng, đầu ra của sản phẩm gạo MBH đã gây không ít hoang mang trong nhân dân. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế từ nhiều phía, nguyên nhân của sự việc này đã được làm sáng tỏ.
* Gạo Một bụi hồng. * Nông dân chở lúa về nhà. Ảnh: T.H |
Lúa MBH là giống lúa mới được Huyện ủy, UBND huyện Hồng Dân vận động nông dân ở xã Ninh Hòa và xã Lộc Ninh trồng vào năm 2011, trong đó có HTX Thành Lợi. Qua nghiên cứu cho thấy gạo MBH là loại lúa cho gạo phẩm cấp cao. Nhận thấy đây là loại gạo có giá trị kinh tế, là sản phẩm không dễ có được và sẽ giúp những nông dân nghèo khó, quanh năm cày cấy trên vùng đất nhiễm phèn mặn thoát nghèo, huyện mạnh dạn xuất kinh phí hỗ trợ nông dân mua mạ MBH để cấy và hỗ trợ 500.000 đồng/ha đất trồng MBH. Với năng suất cao hơn giống lúa thông thường, lúa MBH đạt sản lượng từ 5 – 6 tấn/ha. Kết thúc mùa vụ, huyện Hồng Dân thu hoạch trên 200 tấn.
Vào thời điểm khi tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội chợ thương mại kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh (trước Tết Nguyên đán 2012), lúc này lúa MBH còn chưa chín đều, cần có gạo để quảng bá tại hội chợ nên huyện đã chấp nhận mua giá cao 13.000 đồng/kg (số lượng 2 tấn) cho nông dân để đóng gói sản phẩm giới thiệu tại hội chợ. Niềm vui của người trồng lúa MBH là mới chào hàng, gạo MBH bước đầu đã được đón nhận. Để tiếp tục giới thiệu chất lượng gạo MBH ở phạm vi rộng hơn, huyện lại thu mua lần hai thêm 5 tấn lúa với giá 8.000 đồng/kg để có đủ hàng đem đi xúc tiến thương mại ở những tỉnh bạn, các cửa hàng gạo sạch, với mong muốn tìm kiếm đầu ra ổn định cho người trồng lúa.
Sau khi hoàn thành khâu xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nông dân thu hoạch rộ, Trung tâm Thực nghiệm huyện Hồng Dân bắt đầu thu mua lúa đại trà cho nông dân như lời hứa. Tuy nhiên, mức giá thu mua lúc này lại đi theo giá lúa của thị trường, huyện chỉ mua cho nông dân 6.000 đồng/kg nên nông dân và HTX phản ứng, không bán. Theo ông Trương Minh Út, Chủ tịch Hội Nông dân huyện: “Mức giá này là phù hợp và nông dân đã có lãi. Vào thời điểm đó, chuyện rớt giá và ứ đọng là tình hình chung của lúa gạo, chứ không phải riêng nông dân huyện Hồng Dân”.
Có lẽ vì không hiểu rõ từng bước đi của huyện mà người dân cho rằng, huyện thu mua lúa theo giá giảm dần là “ép” dân. Còn việc thương lái từ chối thu mua lúa MBH là đúng, bởi gạo MBH là gạo thực phẩm chức năng, chất lượng cao và phục vụ người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu. Nó đòi hỏi một đầu ra khác hơn, chuyên nghiệp hơn, không thể như lúa thường. Người dân bảo thương lái không chịu mua lúa MBH là có cơ sở, là quá đúng. Bởi, nếu thương lái mua lúa MBH rồi vận chuyển chung với các loại lúa khác thì sẽ hư chuyện. Vì hạt gạo MBH khi chà ra bị trộn lẫn gạo trắng thông thường khiến gạo bị điểm hạt trắng, người mua cho rằng gạo MBH bị bạc bụng, chất lượng thấp, thì giá thành bị giảm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, đầu ra của gạo MBH có phần lắng lại. Một phần là khâu đóng gói bao bì chuyển đi chưa kịp, phần khác gạo MBH xuất bán có màu không đẹp như dự tính do gạo có lẫn lúa non khi thu hoạch. Nguyên nhân là do người dân chưa hiểu rõ quy tắc gieo trồng của loại lúa này, nên khi cấy, thấy lúa chết bụi liền cấy dặm lại. Vì thế, có bụi lúa chín trước, bụi chín sau, khi đem lúa xay xát thì hạt gạo không đều, khiến các đơn vị thu mua yêu cầu khắc phục lại. Và mọi chuyện đã được xử lý.
Cái khó của vấn đề chỉ là đầu ra. Một khi xúc tiến được đầu ra thì không còn gì để các ngành chức năng, kể cả người dân, phải băn khoăn. Ngày 20/4/2012, huyện Hồng Dân đã đóng gói bao bì và chuyển 10 tấn gạo lên TP. HCM theo đơn đặt hàng. Cửa hàng gạo sạch Huỳnh Châu, Công ty Xích Loan, hệ thống siêu thị của Sài Gòn tiếp thị (TP. HCM)… đã ký kết thu mua gạo MBH thường xuyên với giá cao (nếu hạt gạo duy trì được chất lượng ban đầu). Ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, cho biết: “Với tình hình thực tế cho thấy, kể cả Huyện ủy và nông dân, không còn ai phải lo lắng về hướng đi của giống lúa mới MBH và những ưu thế của nó”.
Trung tâm Thực nghiệm huyện Hồng Dân hiện đã dự trữ 55 tấn lúa MBH vừa mua từ nông dân. Ước tính, hiện tại nông dân còn trữ dưới 100 tấn lúa MBH nữa. Có đơn đặt hàng của nhiều đơn vị, giá thu mua lúa MBH được Trung tâm Thực nghiệm huyện Hồng Dân nâng lên 6.500 đồng/kg và sẽ còn tiếp tục nâng lên mức 7.000 đồng/kg cho nông dân khi số gạo xuất đi bán được giá. Các ngành chức năng huyện Hồng Dân khuyến cáo: Chắc chắn lúa sẽ còn lên giá, bà con cứ bình tĩnh, không có gì phải lo lắng. Nếu cần tiền xoay sở gấp, nông dân cứ bán trước một phần lúa để trang trải, số còn lại chờ một thời gian nữa để bán giá cao hơn. Đối với những hộ trồng lúa nợ ngân hàng, nếu cần thiết, Huyện ủy Hồng Dân sẽ liên hệ với các ngân hàng để hoãn nợ cho bà con, tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân tái sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đối với giống lúa “trời cho” này, các cấp lãnh đạo huyện Hồng Dân đã nỗ lực rất nhiều trong hành trình tìm nhà khoa học lai tạo giống, thuê đất trồng thử nghiệm, khuyến khích người dân mở rộng trồng lúa, bôn ba đi tìm đầu ra sản phẩm… Hết lòng lo cho dân là vậy, song, có thể ví đây là một hành trình “đơn độc” chăng? Bởi từ lúc ý tưởng này được thực hiện mãi cho đến nay, huyện phải tự cân đối kinh phí trong muôn vàn khó khăn, trăn trở của một huyện nghèo, vùng sâu để lai tạo, gieo trồng, tự đi xúc tiến thương mại… mà chưa thấy một cơ quan chức năng nào… hỗ trợ?!
Ông Nguyễn Nhân Đức, Trưởng phòng NN&PTNT huyện khẳng định: “Chủ trương của huyện hoàn toàn đúng và cần được nông dân đồng tình, đồng hành. Chúng tôi nghĩ rằng, nhìn vào hướng đi của một loại gạo thực phẩm chức năng (MBH), đặc biệt là tiềm năng giảm nghèo, chúng ta hãy nhìn vào con đường dài phía trước, một lộ trình xa. Không nên vì khó khăn trước mắt của mùa vụ đầu mà nản lòng, hoang mang, trong khi đường ra cho hạt gạo MBH đã thật sự mở!”. Câu nói đầy chân tình của ông Đức đáng để nhiều người suy nghĩ!
(Baobaclieu)