Lũ vào nội thành, Bangkok hoảng loạn
Đã đăng vào 25/10/2011 lúc 9:04Bên ngoài hành lang song sắt của sân bay nội địa Don Muang ở thủ đô Bangkok (Thái Lan), một nhóm thanh niên vội vã chuyển bao cát từ xe tải và xếp thành đê bao dã chiến. Tuy nhiên, nỗ lực của họ vẫn không cản được những đợt nước mạnh tràn vào bên trong Don Muang, vốn là nơi đặt Trung tâm điều hành chống lũ và cứu trợ người dân (FROC) của Chính phủ. Sân bay này cũng là trung tâm lánh nạn lũ lụt lớn nhất ở Thái Lan hiện nay nhưng cũng đang bị đe dọa, khiến không chỉ người dân mà cả giới chức điều hành chống lũ cũng vô cùng lo lắng.
Theo FROC, dòng nước hung hãn đang tiến nhanh vào Bangkok. Không chỉ ngoại thành mà cả một số khu vực nội thành đã bắt đầu bị ngập. Tại Don Muang, một người dân tên Dee kể với PV Thanh Niên rằng cách đây 3 ngày, nước chỉ mới ngang đầu gối ở nhà anh. Sau khi đưa cả gia đình 4 người đến sân bay lánh nạn, anh quay về để lấy đồ đạc thì bàng hoàng thấy nước đã ngập gần 1m dù nhà anh chỉ cách Don Muang vài cây số. “Chẳng mấy chốc, nước cao gần ngập đầu tôi”, Dee vừa nói vừa dùng tay giơ ngang đầu để diễn tả. Anh nói thêm rằng Don Muang, với sức chứa 2.000 người, sẽ sớm quá tải trầm trọng khi hiện đã có hơn 3.800 người ở đây.
|
Nước lũ cũng bắt đầu tấn công khu Samsen, sâu trong Bangkok, nhất là những nơi gần sông Chao Phraya. Samsen, cách tòa nhà Quốc hội và Văn phòng Chính phủ Thái Lan vài cây số, cũng là nơi tập trung nhiều người gốc Việt ở Bangkok. Chị Chay, một Việt kiều 54 tuổi, cho biết dù lũ chưa ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng người gốc Việt nhưng tâm trạng lo lắng đang bao trùm khi dự báo sắp tới nước sẽ còn dâng cao hơn nữa.
Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi tin đồn Bangkok sẽ chìm hoàn toàn trong nước lũ khiến người dân càng lúc càng hoang mang và buộc FROC phải liên tục lên truyền hình cải chính. Nhiều gia đình gia cố thêm đê bao che chắn trước nhà và kéo nhau vào siêu thị mua thực phẩm dự trữ. Quầy thực phẩm trong các siêu thị ở Bangkok trống trơn dù đã vét sạch kho dự trữ.
|
Chính phủ “không đủ sức”
Đợt lũ nghiêm trọng nhất trong mấy chục năm qua cũng tạo ra những cảm xúc khác nhau về việc điều hành của Chính phủ. Nhiều người cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra phản ứng quá chậm chạp và dường như thất bại trước thiên tai. Ngoài ra, đa số chỉ trích rằng các thông tin liên quan đến lũ lụt từ Chính phủ không thống nhất và không đáng tin cậy, đẩy người dân vào thế bị động. Nhiều người không biết lũ sẽ tràn vào khu vực của họ sinh sống cho đến khi thấy nước xuất hiện trong nhà.
Thủ tướng Yingluck từng tuyên bố đợt lũ lụt là một cuộc khủng hoảng của Thái Lan. Điều này được nhiều người hiểu thành việc chống chọi với lũ là chuyện quá sức đối với Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có người như anh Dee tỏ ra thông cảm và nhận định rằng Chính phủ của bà Yingluck còn quá mới, chỉ được hình thành hơn 1 tháng, mà đã phải đối phó với một biến cố quá nghiêm trọng. “Ngay cả những chính phủ có kinh nghiệm cũng khó đối phó cơn lũ này,” anh Dee nhận định.
Ngày 24.10, Phó chủ tịch Hạ viện Thái Lan Charoen Chankomol thông báo sẽ triệu tập một cuộc họp đặc biệt trong hai ngày 26 và 27.10 để thảo luận tình hình thiên tai cũng như tìm giải pháp cấp bách hỗ trợ Chính phủ. Cho đến nay, toàn bộ nội các Thái Lan đang tập trung toàn lực đối phó thiên tai và cứu trợ nạn nhân, đặc biệt là tại Bangkok, trung tâm chính trị – kinh tế của đất nước.
(Thanhnien)