Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012: An toàn, hiệu quả
Đã đăng vào 05/06/2012 lúc 9:31Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 đã đồng loạt diễn ra tại 16 Hội đồng coi thi (HĐCT) trên địa bàn tỉnh từ ngày 2 – 4/6/2012. Qua 3 ngày “vượt vũ môn” hồi hộp, căng thẳng, đa số thí sinh đều đã hoàn thành tốt phần thi của mình.
Theo Sở GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 diễn ra từ ngày 2 – 4/6/2012 đã kết thúc an toàn, nghiêm túc và hiệu quả. Kỳ thi này có gần 4.900 thí sinh của hệ giáo dục phổ thông (GDPT) và giáo dục thường xuyên (GDTX) dự thi tại 16 hội đồng coi thi trong toàn tỉnh. Kết thúc 3 ngày thi, có 15 thí sinh bỏ thi. Trong đó, hệ GDPT có 6 thí sinh và 9 thí sinh của hệ GDTX. Năm nay, 100% thí sinh hệ GDPT và hệ GDTX không vi phạm quy chế thi. |
Năm nay, Bạc Liêu có gần 4.900 thí sinh dự thi. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã bãi bỏ việc tổ chức thi theo cụm, nhưng để kỳ thi diễn ra một cách nghiêm túc, Sở GD-ĐT vẫn tiếp tục “trộn” các thí sinh giữa các trường trên cùng địa bàn huyện, thành phố với nhau và tổ chức thành các cụm thi. Những ngày qua, thời tiết nắng đẹp là điều kiện thuận lợi để thí sinh đi thi đúng giờ, tạo tâm lý ổn định để làm bài đạt hiệu quả cao. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 3 ngày thi, bên ngoài các HĐCT đều hoàn toàn yên ắng, không có cảnh phụ huynh tập trung trước cổng trường gây mất an ninh trật tự. Không chỉ do lực lượng an ninh được bố trí khá “dày” từ trong ra ngoài tại các HĐCT, mà do những năm gần đây, phụ huynh đã ý thức được tính nghiêm túc của kỳ thi, nên hầu hết chỉ đưa con đến trường rồi về.
* Niềm vui của các thí sinh trường THPT Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) trong ngày thi đầu tiên. * Lực lượng làm nhiệm vụ tại HĐCT trường THPT Ninh Quới (huyện Hồng Dân). * Sau giờ thi, thí sinh tại HĐCT trường THCS Võ Thị Sáu mở “phao” dò lại bài. Ảnh: C.K – C.H – N.Q |
Trải qua 6 môn thi, đa số học sinh cảm thấy phấn khởi vì đã làm tốt bài thi. Theo đánh giá của nhiều giáo viên và học sinh, đề thi năm nay ở cả hai hệ giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên vừa sức, vì vừa kiểm tra được kiến thức cơ bản, vừa thể hiện được khả năng phân hóa trình độ của học sinh. Đặc biệt có một số câu hỏi mang tính thực tế, hoặc gắn với thời sự rất hay. Tại các HĐCT trên địa bàn thành phố, chỉ có một số ít thí sinh thất vọng, lo âu vì không làm được bài, còn lại phần lớn đều làm bài thi khá tốt. Dự báo năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ cao. Thí sinh Trần Lâm Kim Thành, trường THPT Bạc Liêu, cho biết: “Đề thi các môn sát với chương trình học và có nhiều câu hỏi “mở”, đòi hỏi phải suy luận nhiều hơn là học thuộc lòng”. Thí sinh Trần Hồng Thúy, Trung tâm GDTX tỉnh, cho rằng: “Ở một số môn, câu hỏi hơi tràn lan, chẳng hạn như môn Hóa học yêu cầu kiến thức khá rộng. Nhưng nhìn chung đề thi năm nay khá nhẹ”. Ngoài ra, ở đề thi Ngữ văn, các thí sinh trường THPT Hiệp Thành tỏ ra hớn hở vì gặp phải câu suy luận ngỡ lạ mà… quen. Nhiều thí sinh cho rằng, trong đề cương ôn tập Ngữ văn của các em có nội dung khá giống với đề thi nên hầu hết đều làm được bài.
Cũng giống như các thí sinh ở khu vực TP. Bạc Liêu, đa số thí sinh tại các HĐCT trường THPT Ninh Quới, THPT Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), THPT Võ Văn Kiệt, THPT Trần Văn Bảy (huyện Phước Long), THPT Lê Thị Riêng, THCS Hòa Bình (huyện Hòa Bình)… cũng rất phấn khởi trong kỳ thi này vì đề thi đúng với trọng tâm ôn tập. Trong ngày đầu thi môn Ngữ văn, khi giám thị mở đề, nhiều thí sinh đã “ồ” lên vì “trúng tủ”, nhất là phần tự chọn với câu 3A: “Phân tích đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu”. Thí sinh Nguyễn Thị Kim Phượng, trường THPT Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), nhận xét: “Đề thi Ngữ văn năm nay đúng với nội dung ôn tập nên em làm bài rất tốt. Các môn khác cũng tương đối nhẹ. Hầu hết các bạn đều phấn khởi”. Tuy nhiên, có lẽ do áp lực quá lớn, nhất là trong ngày thi thứ 2 có đến 2 môn học bài là Sử và Địa nên tại phòng thi số 6, HĐCT số 1001 THPT Ninh Quới (huyện Hồng Dân) đã có một thí sinh nữ ngất xỉu trong phòng thi. Rất may là thí sinh này đã hoàn thành bài thi của mình.
Nhìn chung, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra suôn sẻ, an toàn. Trước đây, trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp, số thí sinh bỏ thi lên đến hàng trăm. Song, trong các kỳ thi gần đây, số thí sinh bỏ thi đã giảm hẳn. Bên cạnh đó, ngoài một số ít thí sinh bỏ quên thẻ dự thi ở nhà, bị tai nạn giao thông phải bỏ thi… thì không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra dẫn đến việc bị lập biên bản và đình chỉ thi.
An toàn là kết quả một quá trình chuẩn bị, thực hiện chu đáo của ngành Giáo dục và nhiều cơ quan khác. Theo thí sinh Nguyễn Thị Cẩm Vân dự thi tại HĐCT đặt tại trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Bạc Liêu): “Cảnh sát giao thông có mặt từ sớm nên việc đi lại của chúng em thuận tiện, nhanh chóng. Không có thí sinh nào đến trường thi trễ do ách tắc giao thông”. Những nhà nằm cặp HĐCT cũng được tuyên truyền, nhắc nhở trước ngày thi, nhắc họ không có các hoạt động gây tiếng ồn trong lúc thí sinh làm bài”. Để đảm bảo an toàn cho HĐT tại trường THPT Lê Văn Đẩu – nằm trong một con hẻm, Công an huyện Vĩnh Lợi còn điều tiết giao thông để xe môtô hạn chế chạy vào đường này. Bên ngoài cổng trường, 11 đồng chí công an và bảo vệ dân phố chốt 2 điểm để giữ gìn trật tự. Đây là yếu tố quan trọng góp phần giúp thí sinh làm bài tốt.
Năm nay, việc tổ chức thi có vài điểm mới. Các đồng chí Công an tỉnh đã cùng Sở GD-ĐT phải lên TP. Cần Thơ nhận đề thi gốc về an toàn vào chiều 24/5/2012. Điểm mới nữa là hệ THPT và hệ trung học bổ túc thi cùng ngày và cùng HĐCT, nhưng lực lượng công an không gặp khó khăn trong công tác bảo vệ. Đề thi được bảo mật tuyệt đối. Khi về đến Bạc Liêu, tất cả họ đều bị cách ly cho đến khi môn thi cuối cùng vào chiều ngày 4/6 hoàn thành. Việc sao, vận chuyển đề thi từ Hội đồng in, sao đề thi đến các HĐCT an toàn, bảo mật… Và an toàn sẽ là một nhân tố tạo nên thành công chung của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế: nếu như kỳ thi năm trước “Bạc Liêu không có tình trạng phao thi”thì năm nay đã xuất hiện “phao” thi tại các HĐCT. Qua ghi nhận, tình trạng thí sinh “lận phao” vào phòng thi diễn ra khá “phổ biến” – dù rằng đề thi vừa sức. Sau mỗi buổi thi các môn “thuộc bài”, nhiều “phao thi” đủ loại bị thí sinh “xả” vương vãi trong nhà vệ sinh, sân trường, ngoài cổng trường…
Dù kỳ thi đã kết thúc an toàn, nhưng hiện tượng “phao thi” gần như đã trở thành “bệnh” ở rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước, chứ không riêng gì Bạc Liêu!
(Baobaclieu)