Khống chế dịch bệnh tôm ở ĐBSCL: Bất thành!
Đã đăng vào 24/05/2012 lúc 11:28Tình hình tôm chết ở ĐBSCL đã đến mức báo động đỏ, đe dọa nghiêm trọng kế hoạch nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm năm 2012. Đáng lo ngại là hàng loạt hộ bất an vì tôm chết tràn lan trên diện rộng nhưng không biết bị bệnh gì, phòng trị ra sao? Trước tình hình cấp bách này, ngày 23-5, UBND tỉnh Trà Vinh phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 và các ngành liên quan tổ chức hội thảo về nguyên nhân tôm chết và giải pháp khôi phục đồng tôm.
Thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng
Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng… là những nơi có diện tích tôm chết nhiều nhất ở ĐBSCL. Sở NN-PTNT các tỉnh cho biết, nếu như mọi năm tôm từ 30 ngày tuổi trở lên mới bắt đầu chết, thì năm nay tôm chết bất thường, nhiều nơi mới thả được 6 ngày tuổi đã bị chết. Lo ngại hơn là nông dân càng điều trị tôm càng chết nhiều hơn, thậm chí có hộ thả giống lại 2-3 đợt vẫn bị chết 100%.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, thừa nhận diện tích tôm chết ở tỉnh lên đến 8.990ha, một con số rất lớn trong nhiều năm qua. Tôm chết tràn lan đã làm thiệt hại của tỉnh khoảng 15.000 tấn tôm thương phẩm, tương đương gần 2.300 tỷ đồng. Thiệt hại từ đầu năm đến nay quá lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế và đời sống người dân.
Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cũng cho biết, với 265.000ha tôm, Cà Mau là địa phương có diện tích tôm nuôi đứng đầu cả nước. Theo ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu, tôm chết hiện nay ở tỉnh nhiều hơn năm 2011 và diễn biến ngày càng khó lường. Một phần do nông dân ít đầu tư, xử lý ao chưa tốt, cộng với khuyến cáo lịch thời vụ của ngành chuyên môn chưa hợp lý dẫn đến thiệt hại. Trong khi đó, lãnh đạo nhiều địa phương đang bối rối nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn dịch bệnh thì “mỏ tôm ĐBSCL” sẽ lâm nguy.
Nhiều nông dân xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh bất lực nhìn tôm chết.Ảnh: HUỲNH LỢI |
Thiếu quản lý, mù mờ giải pháp…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2, cho rằng qua kiểm tra 19 mẫu tôm ở Trà Vinh thì thấy một số ao tôm chết nhanh, tỷ lệ cao, biểu hiện lâm sàng chủ yếu tập trung ở cơ quan gan tụy. Khi gửi mẫu bệnh sang trường Đại học Arizona (Hoa Kỳ) xét nghiệm, các giáo sư nhận định tôm chết có thể do độc tố. Độc tố có thể đến từ môi trường nuôi, thức ăn, vi khuẩn…
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, tình trạng tôm chết nhiều ở ĐBSCL có liên quan đến việc sử dụng thuốc diệt giáp xác Cypermathrin. Đây là loại thuốc mà ở Thái Lan đã cấm sử dụng từ 20 năm nay, nhưng ở nước ta nhiều hộ nuôi tôm vẫn vô tư xử lý ao tôm.
Ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu đặt vấn đề: “Tại sao nhiều loại hóa chất có mang độc tố vẫn được ngành chức năng cho phép lưu hành gây nhiều hậu quả. Điều này cho thấy sự quản lý của nhà nước chưa tốt”.
Trước thực trạng lạm dụng hóa chất xử lý ao tôm, trong đó có những nhóm thuốc gây ra hội chứng hoại tử gan tụy, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo đề xuất UBND các tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền nông dân thay đổi tập quán nuôi tôm. Không sử dụng hóa chất, mà nên áp dụng làm ao lắng để xử lý, cộng với quản lý nguồn nước chặt chẽ.
Điển hình như ở Thái Lan người nuôi tôm không sử dụng hóa chất mà dùng lân hữu cơ đem lại kết quả rất tốt. Song ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho rằng, áp lực của người nuôi tôm đòi hỏi chính quyền sớm tìm ra cụ thể nguyên nhân tôm chết và hướng khắc phục hiệu quả. Tỉnh mời nhiều nhà khoa học về nghiên cứu, nhưng giải pháp để đảm bảo tôm không chết và phát triển ra sao cho bền vững… vẫn chưa kết luận được.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu vệ sinh tốt đáy ao, nguồn nước và môi trường đảm bảo thì hạn chế được tôm chết. Thế nhưng đã nhiều năm rồi Bộ NN-PTNT hầu như không đầu tư gì về thủy lợi cho con tôm. Dân nuôi tôm buộc phải lấy nước vào ao – thải nước dơ ra ngoài… cùng một con kênh, từ đó dẫn đến lây lan mầm bệnh. Vấn đề này, Trà Vinh sẽ có công văn gửi Bộ NN-PTNT đề nghị xem xét giải quyết và có biện pháp kiểm tra, xử lý dịch bệnh tôm cho toàn vùng ĐBSCL.
Đến thời điểm này, việc khống chế dịch bệnh tôm vẫn tỏ ra bất thành, bởi chưa có cơ quan nào đưa ra được giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Chữa cháy của các tỉnh hiện nay là khẩn trương xử lý ao, môi trường… giúp dân nhanh chóng nuôi lại vụ 2 từ nay đến hết tháng 6-2012, ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Đối với những nơi còn lưu tồn mầm bệnh, thủy lợi kém… khuyến cao chuyển sang nuôi cua, cá và các loại thủy sản khác nhằm gỡ gạt chút ít sau vụ tôm thất bát.
(SGGP)