Du lịch Bạc Liêu trước những thách thức mới
Đã đăng vào 29/11/2012 lúc 8:57Sở hữu thế mạnh về tự nhiên, địa lý, lịch sử, nơi giao thoa của ba nền văn hóa Kinh – Hoa – Khmer; cái nôi của đờn ca tài tử và những con người tài hoa, trượng nghĩa…; những “tài sản” vô giá để khẳng định du lịch (DL) là ngành kinh tế mũi nhọn của Bạc Liêu. Trong xu thế cạnh tranh để phát triển, DL Bạc Liêu hiện phải đối diện với những thách thức mới…
Phát huy những lợi thế về du lịch
“Nếu đặt DL Bạc Liêu trong thế đối sánh với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và cả nước, có thể thấy rằng, DL Bạc Liêu tuy kém họ ở mặt này nhưng lại hơn hẳn ở nhiều mặt khác và được liệt vào hàng “top” về DL. Điều này đã được minh chứng thông qua sự đánh giá cao của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL về chất lượng những sản phẩm DL đặc trưng, lượng khách DL đến Bạc Liêu tăng đột biến và ngày càng nhiều hãng DL lữ hành chọn Bạc Liêu là điểm đến trong các tua – tuyến DL kết nối. Đó là những cơ hội mới mà Bạc Liêu cần nắm bắt để từng bước đẩy mạnh, hoàn thiện dần bức tranh DL của mình…”, ông Nguyễn Vũ – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định.
Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu – sản phẩm du lịch đặc trưng của Bạc Liêu đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận. Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan và chụp ảnh tại khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: K.C |
Bạc Liêu đã nổi tiếng gần xa với những di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng như: Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tháp cổ Vĩnh Hưng, khu Quán âm Phật đài, những ngôi chùa Khmer cổ có tuổi thọ trên 100 năm với lối kiến trúc độc đáo, khu DL sinh thái Vườn chim Bạc Liêu với nhiều loài chim quý nằm trong sách đỏ… luôn là những điểm đến “hút hồn” du khách. Đến Bạc Liêu, du khách còn được nghe những giai thoại về Công tử Bạc Liêu nổi danh hào phóng; một nhạc sĩ tài hoa – Cao Văn Lầu với bài “Dạ cổ hoài lang” bất hủ – nền tảng của nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ; gia đình nông dân Mười Chức – Tám Luông dám chống lại bọn chủ đất, cò Tây để bảo vệ mảnh đất mà mình đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” tạo dựng…
Vùng đất “địa linh nhân kiệt” này còn ươm mầm tài hoa, chắp cánh cho những thế hệ hậu bối như: Hoa hậu Việt Nam 2012 – Đặng Thu Thảo; Chuông vàng vọng cổ Ngọc Đợi; NSƯT Hoàng Nhất; Vận động viên điền kinh Dương Thị Việt Anh… thăng hoa. Dù đã ở đỉnh cao của sự thành công, nhưng lòng họ vẫn đau đáu về quê hương và có nhiều hành động thiết thực để chung tay làm đẹp tỉnh nhà. Đó là những yếu tố cấu thành tạo nên nét đẹp riêng biệt của Bạc Liêu mà hiếm có địa phương nào sánh kịp. Vì thế, Bạc Liêu được chọn là “Điểm hẹn văn hóa” trong sản phẩm DL vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL “Một điểm đến bốn địa phương +” đang được xúc tiến quảng bá.
Không những thế, Bạc Liêu còn là địa phương đầu tiên của khu vực ĐBSCL có nghị quyết riêng về DL (Nghị quyết 02/NQ-TU của Tỉnh ủy). Từ đó, đã góp phần tạo nền tảng vững chắc và định hướng cho chiến lược phát triển ngành “công nghiệp không khói” này.
Tự đặt mình trong xu thế cạnh tranh để phát triển
Dù có khá nhiều lợi thế về DL, nhưng Bạc Liêu không nên chủ quan trước tình hình mới, mà phải luôn sẵn sàng tự đặt mình trong xu thế cạnh tranh để phát triển. Theo thống kê của Phòng Nghiệp vụ DL, Sở VH-TT&DL năm 2012, doanh thu DL – dịch vụ khoảng 600 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch năm và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2011); đón tiếp 630 ngàn lượt khách (đạt 100% kế hoạch cả năm, trong đó có 180 ngàn lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú và có khoảng 20 ngàn lượt khách quốc tế). Đó là kết quả từ sự cộng lực của các cấp, các ngành trong việc chung tay làm thay đổi diện mạo bức tranh DL tỉnh thông qua nhiều biện pháp hữu hiệu: nâng cấp các công trình kiến trúc văn hóa; tổ chức tốt các lễ hội văn hóa, tạo điểm nhấn đặc sắc thu hút khách; đẩy mạnh công quảng bá các sản phẩm DL đặc trưng; đăng cai tổ chức các hoạt động thể thao cấp quốc gia, quốc tế… Đó là những “bài toán” táo bạo để đẩy mạnh DL.
Tuy nhiên, DL Bạc Liêu vẫn chưa thật sự thu hút khách quốc tế và giữ chân được du khách. Điều này bị chi phối bởi nhiều yếu tố như các cơ sở lưu trú đạt chuẩn 3 sao trở lên chưa đáp ứng đủ nhu cầu vào các tháng DL cao điểm; chất lượng lao động ngành DL còn nhiều hạn chế về trình độ, chuyên môn; cung cách phục vụ khách ở một số nhà hàng, khách sạn còn thiếu chuyên nghiệp; vẫn còn nhiều hình ảnh phản cảm tại một số điểm DL: vấn đề vệ sinh môi trường, bảo vệ mỹ quan, nạn chèo kéo, tăng giá các mặt hàng lưu niệm…
Phát triển bền vững, bảo đảm hiệu quả kinh doanh DL, hài hòa giữa lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội được xem là quan điểm phát triển chủ đạo của ngành DL Bạc Liêu. Để cải thiện năng lực cạnh tranh với các địa phương khác, ngành DL Bạc Liêu cần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách về đường thủy lẫn đường bộ; “mềm giá” các dịch vụ lưu trú; tăng cường khả năng kết nối phát triển DL với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm; kết hợp với cải thiện chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ DL; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh các loại hình quảng bá DL; đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm DL bổ sung. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư ưu tiên như DL sinh thái Hồ Nam giai đoạn II, cụm nhà Công tử Bạc Liêu giai đoạn II, khu DL Nhà Mát, khu DL nghỉ dưỡng Rồng Việt… để tạo ra những điểm nhấn quan trọng, những bước đột phá mới trong xu thế cạnh tranh phát triển DL trong tình hình mới.
(Baobaclieu)