Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2013

Đã đăng vào 31/10/2012 lúc 9:41

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Chu Sơn Hà phát biểu ý kiến. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN).
 

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, chiều 30/10, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.

Các ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận cơ bản nhất trí với nhiều nội dung được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ, trong đó đặc biệt đi sâu phân tích, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện trong năm 2013.

Cần sự phối hợp đồng bộ trong xử lý nợ xấu

Vấn đề xử lý nợ xấu là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi tại phiên thảo luận. Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) đặt câu hỏi Chính phủ có giải pháp như thế nào để các ngân hàng thương mại nói chung báo cáo đúng thực chất hoạt động, hạn chế những yếu tố chủ quan, đánh giá sai lệch nợ xấu của các ngân hàng để từ đó hình thành số liệu đáng tin cậy giúp điều hành vĩ mô về công tác tài chính tiền tệ được hiệu quả.

Giải trình rõ hơn vấn đề này trước các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình nêu rõ nợ xấu không phải là một con số cố định mà là con số biến động theo thời gian. Mặc dù tiêu chí để xác định nợ xấu của Việt Nam phù hợp với tiêu chí quốc tế nhưng ngay cả Việt Nam hay quốc tế cũng không có một bộ quy định thống nhất nào về xác định nợ xấu. Do vậy trong xác định nợ xấu, bên cạnh yếu tố định lượng có rất nhiều yếu tố định tính, con số nợ xấu có thể khác nhau giữa các tổ chức đánh giá.

Thống đốc nhấn mạnh chúng ta đã thống nhất và thế giới cũng đã ghi nhận con số đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này thường là có số tham khảo có giá trị nhất, do vậy còn số xác định nợ xấu mà Ngân hàng nhà nước đưa ra là con số được cho là có cơ sở nhất. Về con số này từ đầu năm tới nay, Thống đốc đánh giá nợ xấu của ngân hàng phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định xử lý nợ xấu không chỉ phụ thuộc vào ý trí của hệ thống ngân hàng mà cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, lĩnh vực. Về nội dung này, Thống đốc cho biết đã xây dựng Đề án xử lý nợ xấu, trong đó có nhiều nội dung liên quan tới thẩm quyền của Chính phủ, có các nội dung liên quan tới thẩm quyền của Quốc hội và các cơ quan có liên quan khác.

Thống đốc đánh giá cùng với đề án này và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành là cơ sở vững chắc để xử lý nợ xấu. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết theo Đề án đã trình và Chính phủ đã thông qua thì năm 2015 đưa nợ xấu ngân hàng dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã giải trình cụ thể trước Quốc hội về nội dung tái cấu trúc ngân hàng. Thống đốc cho biết về vấn đề này, Chính phủ đã có Đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang triển khai thực hiện chương trình đã đề ra. Đề án đã vạch ra lộ trình thực hiện 10 năm, đặc biệt là giai đoạn từ nay đến năm 2015, trong đó quy định rõ những việc phải làm trong từng năm một.

Giải đáp câu hỏi của các đại biểu, Thống đốc cho biết trong Đề án, việc hợp nhất, sát nhập, xử lý ngân hàng yếu kém chỉ là một nội dung trong nhiều nội dung của đề án. Hiện có rất nhiều nội dung khác đang triển khai thực hiện như việc lành mạnh hoá từng bước thị trường tài chính của các ngân hàng thương mại.

Thống đốc nêu rõ thời gian qua, thực hiện một số giải pháp cụ thể, tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại đã được cải thiện hơn. Ngân hàng đã ban hành và sắp sửa ban hành một loạt văn bản quy phạm pháp luật mới, đáp ứng được cho giai đoạn phát triển mới. Liên quan trực tiếp tới việc xử lý các ngân hành thương mại yếu kém, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết Chính phủ đã thành lập Ủy ban chỉ đạo liên ngành do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và Thống đốc Ngân hàng làm phó ban thường trực cùng đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan kể cả chính quyền địa phương các cấp.

Thống đốc cũng cho biết đã có ban chỉ đạo đối với ngân hàng thương mại trong diện phải xử lý, trong đó có đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, chính quyền nhân dân các cấp… Vì vậy, những đề xuất xử lý không chỉ có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước mà công khai, minh bạch.

Liên quan các tiêu chí đánh giá, Thống đốc cho biết trong các văn bản Luật và dưới luật hướng dẫn về hoạt động ngân hàng đã có đầy đủ bộ tiêu chí đánh giá quy định rõ thế nào là ngân hàng thương mại thuộc diện phải xử lý. Nhận định quá trình xử lý các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém là quá trình nhạy cảm có thể xảy ra tranh chấp do vậy để có đẩy đủ cơ sở để tiến hành xử lý, Thống đốc cho biết cơ quan chức năng đã tiến hành đồng thời hai việc. Một mặt cho tiến hành thanh tra tại chỗ để hình thành bức tranh toàn diện về ngân hàng đó; đmặt khác, mời kiểm toán độc lập quốc tế vào kiểm toán. Do vậy kết quả thanh tra cũng như kết quả kiểm toán độc lập cho thấy tất cả các tổ chức tín dụng thuộc diện phải xử lý là rất xứng đáng , phù hợp với quy định của pháp luật.

"Các quyết định này chúng tôi sẽ chính thức công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng," Thống đốc cho biết.

Triển khai nhiều biện pháp bảo vệ sức khỏe nhân dân

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) đánh giá mặc dù Luật an toàn thực phẩm đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, nhưng tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đến nay vẫn diễn ra phổ biến. Việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến, bảo quản, nhập khẩu thức ăn, thực phẩm chất lượng kém, độc hại xảy ra thường xuyên là nỗi lo, bức xúc của nhân dân.

Đại biểu đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kiểm soát kỹ thực phẩm nhập khẩu, quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin quảng cáo thực phẩm, có biện pháp phản hồi kịp thời các thông tin sai lệch…

Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Đó là tình trạng nhập lậu thực phẩm không minh bạch, không qua đường chính ngạch qua biên giới; vấn đề phụ gia thực phẩm đưa vào sản xuất do người sản xuất ham lợi… Hiện Bộ Y tế và Bộ Công an đang xây dựng Thông tư tăng cường giám sát trong thời gian tới.

Bộ trưởng cho biết thêm Bộ Y tế đã đưa ra các biện pháp xử phạt nặng, đặc biệt là sẽ rút giấy phép kinh doanh, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng tất cả các nhà sản xuất không đạt yêu cầu một cách công khai để người dân từ chối sản phẩm.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm rõ hơn các nội dung liên quan đến bảo vệ sức khỏe nhân dân. Về vấn đề quá tải bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng đây là thực trạng nhức nhối đối với người dân. Nguyên nhân là do số giường bệnh quá thấp, chỉ đạt 22,5 giường bệnh/một vạn dân; số giường bệnh tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là các chuyên khoa: ung bướu, tim mạch, ngoại, chấn thương chỉnh hình, nhi, sản.

Nguyên nhân nữa theo Bộ trưởng là sự phân bổ không đồng đều của các y bác sỹ xuống tuyến dưới. Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế đã xây dựng Đề án trình Chính phủ và sắp được phê duyệt gồm những giải pháp chính là tăng số giường bệnh ở những chuyên khoa quá tải tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang phê duyệt dự án xây dựng bệnh viện vệ tinh đối với 5 chuyên khoa; triển khai xây dựng đề án bác sỹ gia đình tại một số tỉnh quá tải, đi đôi với công tác đào tạo cán bộ.

Trong tháng 11 tới, Bộ Y tế sẽ thực hiện đề án đào tạo 100 bác sỹ xung phong về 63 huyện nghèo. Đây là các bác sỹ tốt nghiệp khá giỏi, được đào tạo một năm chuyên khoa cần thiết để tăng cường chất lượng y tế tuyến dưới.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giải trình rõ hơn về giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế toàn dân và xử lý chất thải y tế.

Ngăn chặn đầu tư dàn trải, kém hiệu quả

Trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề bức xúc trong đầu tư công đó là tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả kém, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đã đưa ra các giải pháp để từng bước ngăn chặn tình trạng trên.

Tại kỳ họp trước, Quốc hội đã quyết định một trong những giải pháp là rà soát, phân bổ lại trái phiếu Chính phủ trong 4 năm (2012-2015). Đến nay, toàn bộ danh mục và tiền của trái phiếu Chính phủ đã được phân bổ rõ ràng từng danh mục cho địa phương. Bên cạnh đó, năm 2013, nhu cầu đầu tư của các bộ, ngành và địa phương rất lớn trong khi nguồn lực đáp ứng thấp so với yêu cầu. Các địa phương cần chia sẻ trong điều kiện ngân sách rất nhỏ, phân bố cho địa phương tỷ trọng rất lớn.

Bộ trưởng cho biết qua kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 1792 (về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ), Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy hầu hết cân đối trên Trung ương hỗ trợ địa phương được xiết chặt hơn, cơ bản giảm đầu tư mang tính dàn trải, phần lớn tập trung cho công trình.

Bộ trưởng cho rằng một trong những nguyên nhân của việc dàn trải là do các địa phương chưa có nhận thức rõ ràng về việc thực hiện Chỉ thị 1792. Bộ trưởng đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương sẽ giám sát việc bố trí vốn của các Ủy ban Nhân dân địa phương mình. Đây là biện pháp tốt để chặn lại tình trạng dàn trải nguồn vốn đầu tư tại các địa phương- Bộ trưởng nhận định.

Về xử lý nợ xấu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải trình sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ra Chỉ thị về giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản. Chỉ thị quy định Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định bố trí công trình đầu tư không có đủ vốn để thi công mà gây nợ thì phải tự chịu trách nhiệm.

Hai Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Chính phủ và Quốc hội xây dựng kế hoạch trung hạn 3 năm 2013-2015 tương tự như đối với trái phiếu Chính phủ. Như vậy đến 2015 tất cả các địa phương sẽ biết được mình có bao nhiêu vốn. Căn cứ được ưu tiên là thanh toán phần nợ cơ bản trước rồi mới được bố trí công trình chuyển tiếp và đầu tư mới. Đây là giải pháp quan trọng, để các địa phương biết được mình có bao nhiêu vốn và không bố trí dàn trải nữa, Bộ trưởng cho biết.

Cũng tại phiên thảo luận, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã thông báo những số liệu vi phạm được phát hiện qua thanh tra hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin từ 2006-2009.

Theo chương trình, sáng nay 31/10,  Quốc hội tiếp tục thảo luận nội dung về kinh tế-xã hội tại hội trường./.

 
 
(Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo