CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 3)
Đã đăng vào 28/10/2011 lúc 15:07Trần Trinh Huy là con trai thứ ba của Trần Trinh Trạch (theo cách gọi của Nam bộ), một đại điền chủ số một vùng Hậu Giang, nếu không muốn nói cả Nam bộ. Theo sách “Tây Nam bộ 30 năm kháng chiến”, Trần Trinh Trạch là đại điền chủ lớn nhất Việt Nam, có ruộng ở Nam kỳ, Trung kỳ. Trần Trinh Trạch sinh năm 1872 tại Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, chết ngày 14/3/1942, an táng tại Cái Dầy, thuộc xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi ngày nay. Khu mộ ấy dân gian thường gọi là mộ ông lớn Trạch.
Sinh thời, ông Trần Trinh Trạch sống cần kiệm, thường mặc bộ đồ vải trắng phong phanh, ngủ riêng vì mang bệnh suyễn kinh niên. Thế nhưng, đó cũng chính là con người gầy dựng cơ nghiệp của dòng họ Trần Trinh nức tiếng Nam kỳ. Mộ ông có khắc một bài thơ trên đá hoa cương đầy kiêu hãnh:
Đất nhờ người nổi tiếng
Người nhờ đức nên danh
Nhớ tôn ông xưa
Tánh thánh thông minh
Tư trời tài trí
Lúc tuổi trẻ ra làm thư ký
Nơi pháp đình pháp lý làu thông
Đến thời kỳ quản hạt Hội đồng
Ra tranh cử một thời luôn ba khóa
Mười hai năm nghị trường ngôn luận khá
Chức Hội đồng tư vấn cũng trao ngay
Việc lợi dân ích quốc những bao ngày
Bội tinh thưởng Ngũ đẳng tứ, tam, liên tiếp
Khi đấng thiên công tác hiệp
Sánh duyên cùng bá hộ Phan Công
Cuộc trăm năm kết một chữ đồng
Lo xây dựng nưng cao nền hạnh phúc
Việc trước hết chăm lo bề cục dục
Con trai ba, con gái có bốn người
Như huệ, lan, châu ngọc ở trên trời
Duyên phối ngẫu đẹp cỡi rồng sánh phượng
Cuộc tình nghĩa an toàn những trang cao thượng
Nào kỹ sư, đốc phủ sứ, phú hào
Cho lưỡng du bằng hữu chi giao
Đều là bậc thế gia và quyền quý
Thật trời đặt sinh tôn ông hữu ý
Hưởng sang giàu vinh hiển trọn đời
Câu ngũ phước, chữ tam gia đầy đủ.
Có người nói rằng, Trần Trinh Trạch sinh ra trong một gia đình tầm thường, là người Hoa sang Bạc Liêu định cư tại Cái Dầy (xã Châu Hưng ngày nay) khá lâu đời. Thưở nhỏ, Trần Trinh Trạch làm mướn cho một điền chủ. Gia đình điền chủ này nhập quốc tịch Pháp. Theo quy định của nhà nước thực dân thì con cái của các gia đình đó phải học tiếng Pháp. Lúc bấy giờ truyền thống giáo dục nho học hãy còn phổ biến, người ta rất ngại học chữ Pháp, thế là Trần Trinh Trạch được gia đình này cho đi học thay thế con của họ. Và chính điều này đã tạo cho Trần Trinh Trạch một nấc thang trên con đường tiến thân sau này. Trần Trinh Trạch có trình độ học khoảng lớp 7 – 8 ngày nay, nói và viết được tiếng Pháp. Thời ấy, dân bản xứ có trình độ cỡ đó rất hiếm. Thế là Trần Trinh Trạch được chính quyền thực dân tuyển vào làm thư ký “hậu bổ” tại Tòa bố (Tòa hành chính tỉnh). Có lúc, Trần Trinh Trạch được “Tây nhà đoan” giao phụ trách Công xi rượu. Thời đó, nhà nước thực dân thực hiện chế độ độc quyền khai thác và sản xuất rượu, dân mà nấu rượu thì coi là phạm luật. Trần Trinh Trạch được giao cho cái quyền đi bắt rượu lậu. Bắt 10 người thì về báo cáo 5 người. Chính vì thế mà có người nói Trần Trinh Trạch tích lũy vốn đầu điên là do ăn hối lộ khi phụ trách quản lý Công xi rượu của Pháp.
Có một lúc, chính quyền thực dân giao cho Trần Trinh Trạch làm thư ký tại Tòa bố phụ trách điền địa. Nên nhớ rằng, chính sách điền địa của Pháp lúc bấy giờ rất lỏng lẻo, nó càng lỏng lẻo hơn so với miệt Tiền Giang bởi Bạc Liêu là một trong những vùng đất khai thác muộn màng nhất, dân đi khai phá chủ yếu là tự phát, cho nên việc lập bộ để cấp bằng khoán chính rất chậm chạp. Điều đó đã tạo ra thời cơ cho những người có thế lực và tiền bạc khẩn hoang trên giấy tờ. Nghĩa là họ lèo lách để chính quyền thực dân cấp cho họ bằng khoán chính thức trên những mảnh đất rộng lớn mà nhà nước chưa cấp bằng khoán chính thức cho ai, nhưng trên thực tế thì mảnh ruộng ấy đã có dân khẩn hoang nghèo đến khai hoang, làm ăn lâu rồi. Đây là một thủ đoạn cướp đất rất phổ biến của các thế lực giàu có đối với nông dân Bạc Liêu ngày xưa, mà vụ án đồng Nọc Nạng là một minh chứng sinh động. Cho nên, có thể nói, Trần Trinh Trạch đang được thực dân khoác cho một vai trò vô cùng béo bở. Khó có thể loại được khả năng chạy chọt giấy tờ để ăn hối lộ và tự cấp đất cho mình. Một bằng chứng cho thấy, năm 1911, Hồ Biểu Chánh – một tiểu thuyết gia tầm cỡ của miền Nam lúc bấy giờ – đến làm Ký lục ở Bạc Liêu đã nhận xét rằng, nghề dễ làm giàu lúc đó ở Bạc Liêu là ăn hối lộ. Và ông viết: “Hồi đó, Tòa bố Bạc Liêu không khác nào chợ bán chè cháo, hễ tiền trao thì cháo múc…”. Tại thời điểm này, Trần Trinh Trạch đã mua được một diện tích đất khá lớn ở Cái Dầy…
(Baobaclieu)