CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 17)
Đã đăng vào 22/11/2011 lúc 10:32Chuyện ăn chơi ở Bạc Liêu, ở điền Bàu Sàng mà tôi kể trên là chuyện nhỏ. Nó chỉ có tác dụng giúp Công tử Bạc Liêu giải sầu trong lúc Trần Trinh Trạch bắt Ba Huy ở cái nơi “khỉ ho cò gáy”. Và những cuộc ăn chơi thật sự, mới làm nên cái danh tánh Công tử Bạc Liêu nức tiếng Nam kỳ, một người “ngon” nhất Nam bộ, là những cuộc truy hoan tại Sài Gòn và lục tỉnh.
Hậu duệ dòng họ Trần Trinh và các sách báo nói rằng, Công tử Bạc Liêu là một con người “lãng du quý tộc”. Lúc ở Sài Gòn, khi lên Đà Lạt, lúc lại sang Thái Lan hoặc qua Pháp… Ở đâu có Công tử Bạc Liêu đến là nổ ra những cuộc truy hoan, trụy lạc và những màn kết giao của tầng lớp quý tộc.
Mỗi lần từ Bạc Liêu ra đi là Công tử Bạc Liêu ngồi trên một chiếc xe cáu cạnh, có xốp-phơ lái. Lưng túi bao giờ cũng đầy ắp giấy bạc bộ lư, bạc con công… Chuyện tiền nong không làm cho Công tử Bạc Liêu bận tâm lắm. Thiếu, thì ra Chợ Lớn lấy tiền từ các chệt chành (những người Minh Hương cất kho lớn để buôn bán, dự trữ lúa gạo) mà hàng năm đều có làm ăn, mua bán với Trần gia. Đã nhiều lần Trần Trinh Trạch lên Sài Gòn truy bắt, rầy la Ba Huy về tội thụt két Trần gia. Thế nhưng đâu cũng vào đó. Có lần, Trần Trinh Trạch phải xuất nhiều khoản tiền rất lớn để trả nợ thua bạc cho Ba Huy, bởi nếu không, Ba Huy dọa bỏ nhà đi.
Năm 1930, thương cảng Sài Gòn vô cùng sầm uất. Dân Ba Tàu ở Chợ Lớn xuống Hậu Giang mua đất cất chành để thu mua lúa gạo, rồi đầu tư mạnh vào việc xây dựng nhà máy xay xát. Năm 1931, tỉnh Bạc Liêu có 21 nhà máy. Lúa gạo cứ chở về Sài Gòn nườm nượp. Người ta tính mỗi ngày có đến 3.000 chiếc ghe chài đưa lúa gạo từ miền Tây về. Sài Gòn, ngoài nhiệm vụ trung tâm buôn bán lúa gạo, còn là trung tâm cung ứng hàng hóa cho trong Nam lẫn ngoài Bắc và một khối lượng lớn được xuất qua Cam-pu-chia… Nền kinh tế tư bản, nền văn hóa thực dân đã quy định và xây dựng Sài Gòn thành hòn ngọc Viễn Đông theo hai nghĩa: vừa là trung tâm kinh tế vừa là trung tâm ăn chơi. Trong sách “Đất Gia Định xưa” của Sơn Nam ghi: “Chợ Lớn ban đêm, ở đường này là đường Phùng Hưng, xưa gọi là Đèn năm ngọn, ồn ào đến khi mặt trời mọc. Giới thượng gia tập tụ để ấn định giá thị trường, làm áp phe qua lại. Thường là tư sản người Hoa mời mọc quan chức Pháp và người Việt để thết đãi đền ơn. Bọn giàu mướn phòng ăn riêng, ca nhi riêng. Đây là ca nhi do bọn buôn hương bán phấn nhà nghề mua đứt từ thuở bé, tập luyện lần hồi để làm gái. Quan chức người Pháp, người Việt tha hồ hút á phiện, rượu sâm banh, cờ bạc… Lính cảnh sát, nhân viên thuế quan… dễ làm giàu vì ăn hối lộ của những người Hoa hoạt động kinh doanh, ít nhiều gì cũng bất hợp pháp…”.
Mấy nét chấm phá trên, cho thấy bối cảnh Sài Gòn vào thập niên 30 vừa là đất làm ăn nhưng cùng là đất ăn chơi trụy lạc. Hàng loạt các cơ sở dịch vụ giải trí ra đời. Về cờ bạc, nổi tiếng bởi quy mô nhất nước như Đại thế giới; còn các nhà hàng khách sạn nổi tiếng như: Soái Kình Lâm, Nguyệt tiên cung, Bát Đại hay Continental, Majestic… Ở đó có “Nhất dạ đế vương”, có vũ trường với cave là gái bao, hay điếm hạng sang mà văn hóa thực dân vừa “ban tặng” cho một nước còn nửa phong kiến… Đó là mảnh đất sống phì nhiêu của những kẻ ham thích ăn chơi như nhóm Công tử Bạc Liêu.
Thói quen của Công tử Bạc Liêu khi đi Sài Gòn là ít khi ở ngôi biệt thự của Trần gia mà là một trong những khách sạn sang đã nêu trên. Và sau đó là những cuộc ăn chơi nổ trời diễn ra. Trần Trinh Huy lặn ngụp trong những bàn tiệc với rượu sâm banh và sau đó thì nhảy đầm, rồi tỉ tê mây gió với gái nhảy, điếm hạng sang trong khách sạn hoặc dẫn nhau đi Đà Lạt, Cấp… Buồn nữa thì Ba Huy đi đánh bài. Cái máu mê cờ bạc của Ba Huy cũng khá đậm đặc. Trong sách “Bạc Liêu xưa và nay” của Huỳnh Minh nói rằng, nhóm Công tử Bạc Liêu có người dám đánh 1 cây bài 30.000 đồng. Cây bài ấy chính là của Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy. Đó là cái dạo Ba Huy vào Đại thế giới đánh bài, hôm đó, trên chiếu bạc có một người đàn bà trẻ, cực kỳ sang trọng và xinh đẹp. Có báo viết rằng người đàn bà đó là cô Ba Trà, tên thật là Trần Ngọc Trà, người làng Tân An, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Do hoàn cảnh nghèo, 14 tuổi bị mẹ gả cho Tây, rồi trở thành gái làng chơi hạng sang. Qua nhiều vòng tay đàn ông, son phấn và cuộc sống nhung lụa đã biến cô Ba Trà thành một phụ nữ tuyệt sắc. Có báo lại viết rằng: Cô Ba Trà là Hoa khôi Nam kỳ. Nhưng dù gì thì học giả Vương Hồng Sển đã viết về người đàn bà này như sau: “Thưa cô Ba, trong mắt tôi, trong hồn tôi, đối với tôi, cô vẫn luôn luôn, vẫn là một người đẹp khuynh sắc, khuynh thành…”. Đúng là nhan sắc cô Ba Trà như bùa mê ngãi lú, làm sạt nghiệp không biết bao nhiêu người, đổi chồng như thay áo, cờ bạc thâu đêm. Sau này, Lương Mái Chín, một triệu phú nổi tiếng ở Chợ Lớn, sáng lập ra Nguyệt tiên cung cưới cô làm vợ. Công tử Bạc Liêu đâm mê mẩn người đàn bà này.
Để gây ấn tượng cho người đàn bà đẹp, Công tử Bạc Liêu quyết định đánh 1 ván bài 30.000 đồng. Nên nhớ hồi đó lúa chỉ 1,7 đồng/giạ, lương Thống đốc Nam kỳ chưa tới 3.000 đồng/tháng. Khi Công tử Bạc Liêu đập xấp tiền xuống chiếu bạc, các con bạc lẫn tài phán đều sững sờ. Cái “đập tay” ấy còn nặng hơn búa tạ, nó lập kỷ lục trong nghề cờ bạc ở Chợ Lớn, nó lột trần toàn bộ tính cách của Công tử Bạc Liêu, nó làm chấn động giới cờ bạc Sài Gòn. Cây bài đã làm cho Sáu Ngọ quan tâm đặc biệt (Sáu Ngọ có mẹ người Hoa, cha người da màu tại Pháp, nhập quốc tịch Pháp. Năm 1930 trở về nước, Sáu Ngọ là vua sòng bạc, là chủ của toàn bộ các sòng bạc ở Chợ Lớn và Đại thế giới. Tiền thu sòng bạc lên đến 2,5 triệu mỗi năm). Sau khi tìm hiểu, Sáu Ngọ liền kết giao với Trần Trinh Huy. Chẳng những thế, ông ta còn làm mối cô Ba Trà cho Ba Huy. Kết giao với Ba Huy, Sáu Ngọ có một cái lợi, hễ sòng bạc nào có Trần Trinh Huy thì sẽ đánh cực to và như thế thì Sáu Ngọ đắc lợi.
(Baobaclieu)