CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 10)
Đã đăng vào 10/11/2011 lúc 8:31Trần Trinh Huy sinh ngày 22/6/1900, tại làng Vĩnh Hương, quận (huyện) Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu; mất năm 1973, tại Sài Gòn, táng lại Cái Dầy (chung với khu mộ Trần Trinh Trạch) thuộc xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi ngày nay.
Ngoài tên khai sinh là Trần Trinh Huy, người đời còn đặt cho ông ta nhiều tên gọi khác nhau: Ba Huy, Hội đồng Ba (đây là cách gọi của tá điền hồi xưa; thật ra Trần Trinh Huy không có thành viên của Hội đồng nào cả), Công tử Bạc Liêu và Hắc Công tử. Tên gọi Hắc Công tử ra đời từ nước da ngăm đen của ông và để phân biệt, đối xứng với Bạch Công tử là con trai ông Đốc phủ Sảng, da trắng, nhà giàu, ăn chơi cũng vào hạng “cao thủ võ lâm” ở Tiền Giang. Nếu ở miệt Hậu Giang có Hắc Công tử thì ở miệt Tiền Giang có Bạch Công tử. Kẻ chín lạng người cũng nửa cân, đây là một cặp lưỡng trong tranh châu. Họ đã gặp nhau để thi thố ăn chơi, tạo nên những giai thoại nổi tiếng đến tận bây giờ, xin được nói ở phần sau.
Trần Trinh Huy cao lớn (khoảng 1,7m), lực lưỡng nhưng không cục mịch, trái lại, tướng tá rất thanh thoát, sang trọng. Huy đậm người, da đen, tóc đen, mày rậm… người đầy sinh lực. Tính tình Huy rất dễ dãi và hào phóng. Con cái trong nhà lầm lỗi, Huy cũng ít rầy la. Bà con ở xa lên thăm, Huy đều cho tiền. Trong các mối quan hệ, Ba Huy là người khoáng đạt, không dè dặt và chẳng mưu toan gì. Thời đó, các cậu công tử lẫn chủ điền chơi với người Pháp thì rất khúm núm nịnh nọt, gọi là “chơi thế”, còn Ba Huy thì cứ “toa toa” “moa moa” sòng phẳng, ngang hàng. Nếu như trong mắt giới giang hồ tứ chiếng, Ba Huy là một người ngon nhất Nam bộ, thì trong mắt người Pháp, Huy được nể trọng vì có vợ đầm và mướn người Pháp làm công cho mình. Tánh của Ba Huy vị tha và coi tiền như rơm như rác. Lúc cuối đời, tài chính suy kiệt, Ba Huy từ Sài Gòn về Bạc Liêu bán một dãy phố lầu cuối cùng. Khi đến nhà băng rút tiền, gặp một người quen, trước làm quản lý cho nhà họ Trần Trinh, nay làm ở ngân khố. Ông này khuyên: số tiền nhiều quá cậu Ba xài cũng không hết, thôi cứ gởi lại cho nhà băng, cần bao nhiêu thì rút bấy nhiêu, nó đẻ lời ra mà xài”. Ba Huy khoát tay: “Chút đỉnh, không cần…”. Câu nói đó đã lột tả tính cách của “dân cậu”.
Ba Huy sinh hoạt cực kỳ sang trọng và xa hoa. Ra đường là đóng bộ veston, thứ hàng đắt tiền nhất thời đó. Thói quen của Ba Huy là sáng ăn kiểu Tây, trưa ăn cơm Tàu, chiều ăn cơm Tây. Món mà Ba Huy thích, sáng ăn bánh mì với bơ, uống cà phê sữa, trưa ăn súp vi cá, chiều ăn cari nấu bằng hai loại cá: cá chẽm và cá chim. Ngày, Ba Huy chẳng có công việc làm ăn gì cả, hoặc là ở nhà đọc báo hoặc giao du chơi bời với tầng lớp quý tộc ở Sài Gòn lúc bấy giờ, nhưng chiều là tài xế đánh xe chở Ba Huy đi nhà hàng chơi bời đến khuya. Đến chủ nhật thì ông ta đi Cấp (Vũng Tàu) hoặc Đà Lạt hay về Cần Thơ nghỉ cuối tuần. Ba Huy là một con người luôn xê dịch, ông không ở được chỗ nào quá một tuần lễ và cực kỳ ham vui. Riêng về phong tình thì ham hố một cách thái quá.
Ba Huy được Trần Trinh Trạch cưới cho một người vợ đầu tiên và duy nhất là bà Ngô Thị Đen. Bà này sinh trưởng tại Bạc Liêu, là em của Hội đồng Điều (nhà của họ hiện là trụ sở Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu. Ngày xưa, chính quyền Pháp và Mỹ ngụy cũng đã trưng dụng ngôi nhà này làm bốt, (gọi là bốt Hội đồng Điều). Bà Đen là con ông Bá hộ Mín, một trong các đại điền chủ có số lượng điền sản lớn nhất Bạc Liêu. Bà Ngô Thị Đen thừa kế một số tài sản rất lớn từ tiền truất hữu đất của ông cha. Những người làm trong ngân khố thời Mỹ ngụy kể rằng: “Cứ cách một tuần là người ta thấy 2 trái phiếu tiền truất hữu có số lượng tiền lớn nhất trong các trái phiếu ở Bạc Liêu mang tên Trần Trinh Trạch và Ngô Thị Đen, được gởi song song với nhau”. Bà Đen ở với Trần Trinh Huy được một người con gái tên là Trần Thị Lưỡng, người Bạc Liêu đương thời gọi là cô Hai Lưỡng. Bà Lưỡng lấy chồng là Thư ký riêng của vua Bảo Đại.
Sống với Trần Trinh Huy – một người đàn ông phong lưu, ưa thích trăng gió, dĩ nhiên là khó có được hạnh phúc. Ở với chồng một thời gian, bà Đen theo gia đình qua Pháp sinh sống. Sau đó, bà bị bệnh bướu não phải chở qua Thụy Sĩ phẫu thuật rồi qua đời vào năm 1972. Sau khi bà chết, gia đình bà và đứa con của Trần Trinh Huy ở với người vợ đầm mua một cái hòm tráng thủy để khâm liệm bà chở về Việt Nam. Đám tang của bà Ngô Thị Đen cũng được người Bạc Liêu truyền miệng như một giai thoại, rằng: quan tài của bà quàn tại nhà lớn (nhà Trần Trinh Huy ở Bạc Liêu), người bình dân từ xa xôi hẻo lánh kéo ra nhà lớn ùn ùn như đi trẩy hội. Họ đến không phải để đi đám mà để xem chiếc hòm. Nghe nói chiếc hòm được mua đến 10 triệu đồng (vào thời điểm năm 1972). Nó được thếp vàng, xung quanh có 8 quai xách, trên nắp hòm có ô cửa kính, hễ mở chìa khóa là bật ra một ô cửa nhìn vào thấy mặt người chết như nằm ngủ.
Ngoài người vợ trên, Trần Trinh Huy có nhiều con và nhiều dòng con. Hậu duệ của dòng họ Trần giờ đây cũng chỉ đếm được mấy dòng như sau: Cô Hai Lưỡng là một dòng (chỉ có dòng con này là cưới xin, có hôn thú hẳn hoi, còn các dòng còn lại là do Ba Huy tự kiếm). Dòng vợ hai có con tên Nhơn, Đức. Dòng ba có con tên Hoàn, Toàn, Trinh và Nữ… Và nhiều con rơi mà họ không nhớ tên hết.
Trong 3 người con trai thì chỉ có Trần Trinh Đinh và Trần Trinh Khương ít nhiều gì cũng giúp được Trần Trinh Trạch phát triển sự nghiệp. Trần Trinh Trạch là người Minh Hương nên tánh tình rất kỹ lưỡng trong việc quản lý tiền bạc và tài sản, ông đã thực hiện chế độ tự quản đối với Đinh và Khương. Ông giao điền sản cho hai người con này cai quản rồi quy định mức thu hàng năm, năm nào thu vượt thì được thưởng, năm nào đạt thấp thì trừ vào lương. Thế nhưng, đối với Trần Trinh Huy thì Trần Trinh Trạch áp dụng “cơ chế” thoáng hơn là khi giao điền sản cho Ba Huy cai quản, ông Trạch không quy định mức thu hàng năm. Vì thế, Huy có nhiều cơ hội “moi” tiền, lúa để ăn chơi. Một điều cho thấy nữa là Trần Trinh Trạch đối xử giữa các người con không công bằng, tức là thương Ba Huy hơn cả. Trần Trinh Đinh học chưa xong tú tài là ông đã bắt về cai quản điền sản, còn Trần Trinh Huy thì ông cho đi học cả bên Tây. Khi về, Ba Huy được giao cai quản toàn bộ điền sản, tiền bạc trong tay, muốn chi xuất bao nhiêu tùy thích.
Thuở nhỏ, Trần Trinh Huy sống ở Bạc Liêu, lớn lên ngay trong thời điểm phong trào Tây học thì lên Sài Gòn học đến bậc thành chung rồi sang Pháp học 3 năm. Sau Cách mạng tháng Tám, Ba Huy lúc thì ở Bạc Liêu, khi lại lên Sài Gòn, sau đó thì ở luôn trên Sài Gòn tại căn biệt thự đường Nguyễn Du đến cuối đời cùng với một người vợ rất trẻ.
(Baobaclieu)