Mô hình “Vườn – nhà xanh, sạch, đẹp” ở huyện Hồng Dân: Thay “áo mới” cho nông thôn
Đã đăng vào 14/12/2011 lúc 9:58Là một trong những tiêu chí để xét công nhận gia đình, xã, ấp… văn hóa, mô hình “Vườn – nhà xanh, sạch, đẹp” (gọi tắt là mô hình) đã và đang làm đổi thay diện mạo nông thôn huyện Hồng Dân. Và cũng từ mô hình này, nhiều hộ gia đình đã bắt đầu “phất” lên, có của ăn, của để…
Mô hình này được xem là sáng kiến hay, “độc quyền” và cho hiệu quả kinh tế bền vững được nhân dân địa phương đồng tình hưởng ứng. Với mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người, mọi nhà trong việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư, giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, Ban chỉ đạo xây dựng mô hình huyện Hồng Dân (gọi tắt là BCĐ) đã xây dựng bộ tiêu chí rất cụ thể. Đó là: cải tạo tốt vườn tạp, nuôi trồng các loại cây, con có hiệu quả kinh tế; vườn – nhà có tỷ lệ cây xanh nhất định, có hàng rào (cây gỗ hoặc bê-tông) trước nhà để tạo cảnh quan; xây dựng hố xí hợp vệ sinh, chăn nuôi phải có chuồng trại; có bờ kè chống sạt lở nếu nhà ở ven sông… Bên cạnh đó, BCĐ còn đồng hành cùng nhân dân thực hiện mô hình thông qua việc kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 236 hộ vay 718 triệu đồng để đầu tư, xây dựng hệ thống nước hợp vệ sinh, lắp đặt hố xí tự hoại; phát động làm bờ kè chống sạt lở ven sông được 2.662m; phát động nhân dân phá vườn tạp trồng những loại cây có giá trị kinh tế trên 103ha… Ngoài ra, BCĐ còn tổng kết thi đua cuối năm để biểu dương những cá nhân, đơn vị đi đầu, cũng như góp ý, nhắc nhở những hộ dân không thực hiện đúng nội dung trong bộ tiêu chí.
Qua 3 năm thực hiện quyết liệt, huyện Hồng Dân đã công nhận 33/71 ấp với 10.035 hộ dân. Trong đó, Ninh Thạnh Lợi A là xã tiên phong với 100% các ấp Nhà Lầu 1, Nhà Lầu 2, Chủ Chọt… đạt chuẩn mô hình. Hiện tại, huyện đang tiếp tục nỗ lực “chạy nước rút” để cuối năm 2011 công nhận thêm 6 ấp theo đúng chỉ tiêu. Theo ông Dương Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện: “Để mô hình thật sự bền vững, đi vào cuộc sống của nhân dân thì mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên… phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện; từ đó, tạo sức lan tỏa, vận động bà con trong huyện tự nguyện tham gia”.
Ông Dương Văn Đông (ấp Xẻo Quao, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) chăm sóc vườn bưởi của mình. Ảnh: K.C |
Từ khi phát động mô hình này đến nay, diện mạo nông thôn huyện Hồng Dân ngày càng khởi sắc. Những đường làng, ngõ xóm lem luốc sình lầy giờ đã được thay mới bằng những con lộ bê- tông hóa; những khu vườn tạp với những loại cây “thập cẩm”, cỏ dại hay những thửa đất bỏ hoang… đã được cải tạo để trồng tràm hay những loại cây có hiệu quả kinh tế. Ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ngày càng được cải thiện. Song, điều mà địa phương và nhân dân phấn khởi nhất vẫn là lợi ích và hiệu quả kinh tế từ mô hình. Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên cuộc sống khá giàu. Việc thu nhập từ vài chục, đến hàng trăm triệu đồng lợi nhuận từ mô hình không còn là chuyện hiếm ở Hồng Dân. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Bùi (ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa) với hơn 1ha rừng tràm và trên 300 gốc mai kiểng hàng năm mang về cho gia đình khoảng vài chục triệu đồng; Hay hộ ông Dương Thanh Tâm (ấp Xẻo Quao) với mô hình trồng cây vú sữa, nuôi heo, cá điêu hồng… cũng cho thu nhập không kém. Riêng hộ ông Dương Văn Đông (ấp Xẻo Quao) khiến chúng tôi “ấn tượng” bởi cách tính toán khoa học trong việc xây dựng mô hình. Ngoài 1ha rừng tràm vừa thu hoạch hơn 40 triệu đồng, ông còn có một vườn bưởi năm roi, bưởi da xanh trĩu quả. Trong vườn, ông còn thả nuôi vịt, gà được bao lưới cẩn thận; bên dưới là ao cá bống tượng, cá tra cho thu hoạch quanh năm; sau nhà thì xây chuồng nuôi gần chục con heo thịt với hệ thống hầm chứa biogas hợp vệ sinh… Hàng năm, gia đình ông Đông có thu nhập trên 100 triệu đồng. “Nhờ mô hình hiệu quả này mà kinh tế gia đình tôi được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên, con cái được ăn học tử tế, có chút vốn liếng để phòng thân…” – ông Đông phấn khởi cho biết.
Trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang “dốc toàn lực” để chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thiết nghĩ, đây là một mô hình hay đáng để các địa phương khác “nghiên cứu” và vận dụng.
(Baobaclieu)