Các sở, ban ngành tỉnh nhận đỡ đầu hộ nghèo: Những tín hiệu tích cực
Đã đăng vào 24/05/2012 lúc 11:33Sau năm đầu tiên thực hiện khá hiệu quả, 69 sở, ban ngành tỉnh lại tiếp tục duy trì công tác nhận đỡ đầu hộ nghèo trong năm 2012. Những tín hiệu tích cực trong năm thứ hai thực hiện chủ trương này đã chứng tỏ một hướng đi đúng trong công tác giảm nghèo của tỉnh.
Năm 2011, gần 5.000 hộ nghèo đã được tất cả các ngành tỉnh và huyện, thành phố cùng các địa phương, doanh nghiệp nhận đỡ đầu. Gần 4.000 phương tiện làm ăn, sản xuất đã được trao đến hộ nghèo, qua đó góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trong năm xuống còn 16,1%. Có thể nói, việc phân công các sở, ban ngành từ tỉnh đến huyện nhận đỡ đầu hộ nghèo là một chủ trương mới nhưng đã phát huy được hiệu quả ngay từ năm đầu tiên.
Một trong những hộ nghèo ở xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) được Báo Bạc Liêu nhận đỡ đầu. Ảnh: V.S |
Trong năm 2012, 69 sở, ban ngành tỉnh lại tiếp tục được giao nhiệm vụ đỡ đầu 504 hộ nghèo ở 7 huyện, thành phố. Cùng với 4.511 hộ nghèo được các ngành, các xã, phường, thị trấn ở các huyện, thành phố đỡ đầu, tổng cộng trong năm 2012 có 5.310 hộ nghèo trong toàn tỉnh được hỗ trợ trong “cuộc chiến” với cái nghèo. Do triển khai chậm nên đến hết quý I/2012, các sở, ban, ngành tỉnh mới bắt đầu nhận nhiệm vụ “bên lề” này. Tuy nhiên theo đánh giá, công tác đỡ đầu hộ nghèo của các sở, ban ngành cấp tỉnh trong năm 2012 đã được thực hiện khá tốt ngay từ khi khởi động. Tùy theo quy mô của ngành mà số lượng hộ nghèo do mỗi ngành nhận đỡ đầu có khác nhau. Có ngành chỉ nhận đỡ đầu 2 hộ, nhưng có ngành như Công an tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở GD-ĐT, Sở Y tế, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu, Công ty Viễn thông Bạc Liêu đã được phân công đỡ đầu từ 20 – 50 hộ, trải đều ở các địa phương. Với tổng lực từ các sở, ban ngành, cuộc ra quân đỡ đầu hộ nghèo của tỉnh năm nay cũng quy mô hơn năm trước.
Những kinh nghiệm sau năm đầu tiên nhận đỡ đầu hộ nghèo đã được các sở, ban ngành tỉnh phát huy khá tốt trong năm nay. Các khâu như khảo sát nắm tình hình hộ nghèo, cùng thống nhất phương án làm ăn, sản xuất để tiến hành hỗ trợ… cũng được thực hiện bài bản hơn. Theo Thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, hầu hết các sở, ban ngành tỉnh đều xuống tận hộ nghèo để nắm tình hình cụ thể, khảo sát những điều kiện cụ thể của hộ nghèo để tính toán mức hỗ trợ phù hợp nhất. Nhiều ngành cũng đã nhanh chóng tổ chức trao phương tiện, vốn, cây – con giống cho hộ nghèo sau khi đã xây dựng kế hoạch đỡ đầu khá chặt chẽ để hộ nghèo bắt tay vào làm ăn, sản xuất. Mức hỗ trợ tùy theo khả năng của từng ngành nhưng không dưới 3 triệu đồng/hộ. Nhiều đơn vị còn gắn kết các chương trình dạy nghề cho người nghèo hay các mô hình sản xuất để đầu tư cho hộ nghèo. Qua đó, giúp hộ nghèo có thêm nhiều điều kiện để sản xuất, làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, năm 2011 có ngành không thực hiện sự phân công của Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, đến cuối năm vẫn không xuống nhận nhiệm vụ ở địa phương được chỉ định. Theo Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh, ngành này năm 2012 vẫn tiếp tục được phân công đỡ đầu hộ nghèo ở địa bàn TP. Bạc Liêu. Đây là điều cần lưu ý, bởi theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Lê Thị Ái Nam, Trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, từng nói việc giúp đỡ hộ nghèo chính là một nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành. Không thực hiện sự phân công này cũng chính là không thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nếu không xử lý nghiêm, có thể sẽ tạo ra những hiệu ứng tiêu cực trong công tác giảm nghèo vào những năm tiếp theo.
(Baobaclieu)