Các ngoại trưởng châu Á mang gì đến Mỹ?

Đã đăng vào 13/06/2012 lúc 10:35

 Ngay sau khi Mỹ công khai chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á – TBD, hàng loạt ngoại trưởng khu vực liên tục xuất hiện tại Washington.

Sau Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul là Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan và Bộ trưởng quốc phòng Kim Kwan-jin lần lượt tới Washington với hành trang nặng những vấn đề quan trọng.

 

"Sống lại" quan hệ đồng minh

Chuyến công du của Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul theo lời mời của người đồng cấp Mỹ bà Hillary Clinton từ ngày 11-16/6 "thảo luận hợp tác chiến lược" giữa hai nước dường như không thu hút nhiều chú ý của dư luận. Tuy nhiên, với những động thái mới nhất, việc Thái Lan xem xét cho Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA sử dụng căn cứ từng phục vụ quân sự U-Tapao như một trung tâm khí tượng học trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại từ máy bay tới các thiết bị theo dõi thời tiết mặc dù chưa được chính thức công khai hay nỗ lực của chính phủ TTg Yingluck Shinawatra đón TT Mỹ Obama nhân dịp ông này tới dự hội nghị cấp cao Đông Á vào tháng 11 tới tại Campuchia cho thấy nhiều điều không hề đơn giản.

Sau thời gian dài im ắng trong thời kỳ nắm quyền của cựu TTg Thaksin lẫn Abhisit, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Surapong và bà Clinton sẽ đánh giá lại toàn bộ quan hệ của Mỹ với đồng minh châu Á lâu đời nhất này. Không chỉ vậy, với một thỏa thuận riêng rẽ đề nghị của Mỹ xây dựng một Trung tâm cứu trợ nhân đạo và Một trung tâm đối phó thảm họa cũng được thảo luận trong chuyến thăm trên sẽ là một phần chiến lược đem lại sức sống mới cho hợp tác chiến lược và an ninh Mỹ – Thái. Thêm nữa, việc cho Mỹ sử dụng và tiếp cận rộng rãi hơn sân bay U-Tapao với mục đích nhân đạo sẽ được xem xét trong một thỏa thuận riêng. Hay nói cách khác, dường như các động thái lặng lẽ nhưng không kém phần quyết liệt cho thấy điều tương tự khi Bangkok từng thúc đẩy quan hệ với Washington sau sự kiện 11/9/2001.

Định hình hợp tác chiến lược

Hôm nay (13/6) tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Ấn Độ S.M.Krishna sẽ chủ trì đối thoại chiến lược Mỹ – Ấn lần thứ 3. Đây không chỉ là cơ hội để Mỹ tìm kiếm tăng cường ảnh hưởng đối với khu vực châu Á – TBD thông qua New Delhi mà còn là dịp để Ấn Độ thúc đẩy tiếp cận các công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ lưỡng dụng, điều mà Washington cho đến nay vẫn ngăn cản. Ngoài một loạt các vấn đề như chống khủng bố, không phổ biến hạt nhân, kinh tế, khoa học hai bên cũng thảo luận về Afghanistan, hạt nhân Iran hay tự do lưu thông hàng hải… Không phải là ngẫu nhiên khi ngay trước thềm đối thoại, Mỹ miễn trừ 7 nước khỏi trừng phạt kinh tế vì giảm đáng kể dầu mỏ nhập khẩu từ Iran, trong đó có Ấn Độ. "Bằng việc giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran, chúng tôi đang gửi đi một thông điệp dứt khoát tới Tehran rằng nếu không có hành động cụ thể để giải toả các lo ngại của cộng đồng quốc tế, họ sẽ tiếp tục đối mặt với sự cô lập và áp lực ngày càng tăng", Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói. Trong danh sách trên cũng có mặt Hàn Quốc, Malaysia, Nam Phi, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ và vùng lãnh thổ Đài Loan nhưng không có Trung Quốc. Điều này cũng cho thấy Washington đang gia tăng áp lực lên Bắc Kinh, khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Iran phải cắt giảm lượng dầu nhập khẩu.

Cuộc gặp tiếp theo mặt dù là thường niên nhưng không kém phần quan trọng là đối thoại "hai – hai" giữa Mỹ và Hàn Quốc. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan và Bộ trưởng quốc phòng Kim Kwan-jin ngày 14.6 sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton và ông Leon Panetta thảo luận tăng cường quan hệ song phương, giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên và quan hệ liên Triều. Ngày 12/6, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, tướng James Thurman cho biết đã yêu cầu Lầu Năm Góc trang bị thêm các vũ khí tấn công như trực thăng và tên lửa để bổ sung cho lực lượng này. "Tôi tin rằng những yêu cầu trên sẽ được Lầu Năm Góc chấp thuận và đáp ứng", tướng Thurman nói.
 

Mỹ sắp đưa cả phi đội EA-18G tới châu Á. (AFP)

 

Trong một diễn biến khác, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình dương của Mỹ, đô đốc Cecil Haney hôm 12.6 nói, việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố điều chuyển 60% hạm đội hải quân tới Thái Bình Dương đến năm 2020 không chỉ là số lượng, mà còn là chất lượng. Hải quân Mỹ sẽ triển khai máy bay và tàu chiến hiện đại nhất tới khu vực này. Theo đó, Mỹ sẽ đưa các tàu chiến mới nhất hoạt động vùng nước nông như sắp triển khai tại Singapore, máy bay trinh sát EA-18G, có khả năng làm nhiễu các hệ thống phòng không cũng như bay nhanh hơn tốc độ âm thanh. Tàu ngầm lớp Virginia, loại hiện đại nhất của hải quân Mỹ, cũng sẽ được bổ sung thêm cho châu Á – TBD.

 

 
(Đất việt)
 
                             

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo