Cả nước đã thu hút gần 11,3 tỷ USD vốn FDI
Đã đăng vào 26/10/2011 lúc 9:11Tổng số vốn FDI giải ngân đạt khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số FDI thu hút trong 10 tháng có 861 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 8,9 tỷ USD, bằng 70% so với cùng kỳ năm 2010.
Có 264 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm gần 2,4 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2010.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 362 dự án đầu tư đăng ký mới và 190 dự án tăng vốn, đạt tổng số vốn là hơn 5,6 tỷ USD, chiếm tới gần một nửa (49,9%) tổng vốn đầu tư trong 10 tháng của cả nước. Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất phân phối điện với tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ USD, chiếm 22,4%. Tiếp sau đó là khối ngành xây dựng với 124 dự án đầu tư mới và tăng vốn đưa tổng vốn đầu tư của lĩnh vực này lên khoảng 712 triệu USD, chiếm 6,3% tổng vốn đầu tư.
Nếu tính theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Hong Kong hiện chiếm tỷ lệ cao nhất 26,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 2,98 tỷ USD, Singapore đứng vị trí thứ hai với 1,55 tỷ USD vốn đầu tư cả cấp mới và tăng thêm, chiếm 13,8 % tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3với tổng vốn 1,31 tỷ USD, chiếm 11,6%…
Tính theo các tỉnh, thành phố, Hải Dương vượt lên là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với gần 2,56 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng vốn đầu tư của cả nước bởi chỉ riêng trong 10 tháng của năm, Hải Dương đã cấp phép cho dự án nhà máy nhiệt điện theo hình thức BOT Hải Dương của Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện lực Jaks Hải Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,26 tỷ USD.
Về xuất, nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI được đánh giá vẫn rất khả quan so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, cũng trong 10 tháng năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này, bao gồm cả dầu khí ước đạt 43,2 tỷ USD, tăng tới 38% so với cùng kỳ năm 2010; loại trừ dầu thô thì đạt 37,08 tỷ USD, tăng 36%. Trong khi nhập khẩu khu vực này đạt 38,29 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tính chung 10 tháng năm 2011, khu vực FDI xuất siêu 4,9 tỷ USD. Nếu không tính dầu thô, khu vực này nhập siêu khoảng 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp FDI vay vốn của các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam nhưng hoạt động không hiệu quả, phải ngừng hoạt động. Có trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ trốn đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Với thực trạng trên, Chính phủ yêu cầu phải quản lý chặt chẽ về ngoại hối và tiền tệ; đồng thời, tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.
Nhiều giải pháp đã được đề ra, trong đó có biện pháp phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài như chuyển vốn vào Việt Nam, vay, trả nợ nước ngoài, vay các tổ chức tín dụng trong nước của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…/.
sau toi k the nao xem dc ?