Bạc Liêu với việc bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc

Đã đăng vào 16/02/2012 lúc 14:38

Trong việc phối hợp với Bộ VH-TT&DL xây dựng nội dung Đề án phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam đến năm 2020, Sở VH-TT&DL Bạc Liêu đã đưa ra những thực trạng cũng như giải pháp để bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc ở địa phương. Đây cũng là hướng đi mới giúp cho việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa thuộc về bản sắc ở Bạc Liêu được đảm bảo đúng hướng…

Bức tranh toàn cảnh

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 7 DTTS là Khmer, Hoa, Tày, Nùng, Thái, Mường, Chăm. Trong đó có 2 DTTS chủ yếu là dân tộc Khmer (chiếm 7,9%) và dân tộc Hoa (chiếm 3,1%). Người Khmer có mặt ở vùng đất này khá sớm, phần lớn theo đạo Phật. Nhà chùa không chỉ là nơi đọc kinh, lễ Phật mà còn tổ chức dạy chữ Khmer, truyền bá kinh nghiệm sản xuất. Chùa trở thành trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của cộng đồng. Các lễ hội tiêu biểu nhất của đồng bào dân tộc Khmer trong năm là Chôl-chnăm-thmây (diễn ra từ ngày 13 – 15/4), Sen Đôn-ta (diễn ra từ ngày 28 – 29/8 âm lịch), Oóc-om-bóc (diễn ra vào rằm tháng 10 âm lịch)…

Người Hoa cũng có mặt ở Bạc Liêu khá sớm. Người Hoa ở Bạc Liêu rất có khiếu trong kinh doanh, làm rẫy, sản xuất tiểu thủ công nghiệp… Hệ thống chùa, miếu người Hoa khá phát triển, đó cũng là nơi diễn ra các lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống của họ. Nổi bật trong các tín ngưỡng dân gian là tục thờ cúng tổ tiên, gia tộc, dòng họ, thờ cúng các vị thần phù hộ, Bồ tát… Trong năm, người Hoa ở Bạc Liêu có nhiều ngày lễ, tết như Nguyên đán, Nguyên tiêu, Thanh minh, Đoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu…, ngoài ra, đồng bào dân tộc Hoa còn tổ chức những lễ hội tín ngưỡng dân gian đặc sắc như lễ hội chùa Ông, cầu an…

Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào DTTS trong thời gian qua rất được tỉnh quan tâm. Tỉnh đã thành lập Đội Thông tin – Văn nghệ Khmer, Ban nhạc Tùa Lào Cấu của người Hoa, có chương trình phát thanh – truyền hình, báo Bạc Liêu chữ Khmer; tỷ lệ hộ gia đình DTTS có phương tiện nghe nhìn chiếm 98%… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều hạn chế: Theo kết quả điều tra, tỷ lệ hộ gia đình DTTS học xong bậc tiểu học chiếm 75%, bậc THCS 20% và chỉ có 5% số hộ có người học đến bậc trung học. Các cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt cộng đồng cho DTTS từng bước được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tượng “ăn theo” lễ hội vẫn còn tồn tại trong nhiều hoạt động lễ hội làm ảnh hưởng đến sự lành mạnh trong lễ hội, đặc biệt là đối với những lễ hội gắn liền với du lịch.

 

 

Giới thiệu phong tục cột chỉ tay ngày cưới của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Bạc Liêu tại Ngày hội VH-TT&DL vùng đồng bào Khmer Nam bộ ở An Giang năm 2012. Ảnh: C.T

Giải pháp từ nay đến năm 2020

 

Nhiệm vụ cần tập trung trước mắt là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cần xem đây là chủ trương lớn của Đảng, một định hướng phát triển của tỉnh trong thời kỳ hội nhập. Thông qua các hình thức tuyên truyền nhằm phản ánh nền nếp sinh hoạt, làm ăn, mua bán, làm giàu của người DTTS Bạc Liêu. Sớm hoàn thiện cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, xã hội hóa thu hút nhân lực, tài lực, vật lực đầu tư vào lĩnh vực văn hóa DTTS. Tỉnh cần có những ưu đãi riêng và những hỗ trợ cần thiết để tạo mọi điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực văn hóa dân tộc.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong phát triển văn hóa DTTS, tổ chức quy hoạch văn hóa đọc, xem nghệ thuật, nghe nhìn, lễ hội… góp phần định hướng và phát triển văn hóa DTTS; tăng cường hơn nữa công tác tổ chức trưng bày, giới thiệu các hoạt động văn hóa các DTTS trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Một trong những vấn đề trọng tâm là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút phát triển nguồn nhân lực DTTS. Để làm được việc này, cần đẩy mạnh việc đào tạo chuyên ngành Văn hóa dân tộc như: mở thêm lớp dạy chữ Khmer, chữ Hoa, các khóa dạy nghệ thuật DTTS, tổ chức cho học sinh – sinh viên về nguồn, chung sống với DTTS…

Và giải pháp quan trọng nữa là đấu tranh bài trừ các hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Để khắc phục những “tệ nạn” này, ngành VH-TT&DL phải phối hợp với các ngành, các cấp đưa ra nhiều giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa, cơ sở thờ tự đạt chuẩn văn hóa đúng chất lượng…

Bạc Liêu là một tỉnh ít người DTTS, tuy nhiên những tinh hoa văn hóa của từng dân tộc đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa chung của Bạc Liêu. Thiết nghĩ, việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa thuộc về bản sắc này cần được quan tâm đúng mức và đúng hướng. Không ngừng chăm lo đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần cho người dân, thường xuyên đầu tư, tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm lập lại kỷ cương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo cho người DTTS có một cuộc sống ổn định, an lành và góp phần gìn giữ những tinh hoa văn hóa dân tộc cho địa phương, cho đất nước.

 

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo