Bạc Liêu hướng đến nền nông nghiệp bền vững
Đã đăng vào 17/12/2011 lúc 17:19Nhằm tạo động lực và tạo thế đòn bẩy cho chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất đem lại hiệu quả, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chuyên môn trong tỉnh đã không ngừng quan tâm đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp với thực tiễn địa phương. Nông dân – nông thôn Bạc Liêu đã và đang hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.
NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN
Nhân dân đồng lòng, phát huy cao tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đã góp công, góp sức của mình cùng với Đảng, Nhà nước đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để phát triển hệ thống thủy lợi – thủy nông nội đồng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó là sự trợ giúp của kỹ thuật, của các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến diêm… đã làm cho con tôm, con cá, hạt muối trên đồng đất Bạc Liêu luôn sinh sôi nảy nở.
Thông qua năng suất, chất lượng đạt được ngày càng cao trong sản xuất nông nghiệp, có thể khẳng định: nông dân – nông thôn Bạc Liêu đã và đang vươn đến một nền nông nghiệp được công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Đó là nền nông nghiệp vừa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, vừa góp phần tạo lập nền kinh tế phát triển bền vững. Đồng thời sản xuất ra những hàng hóa có giá trị cao trên thị trường trong nước và thế giới. Nói cách khác, đó phải là những nông sản mang tính chiến lược. Người nông dân không phải chỉ đem bán cái họ có, mà phải sản xuất để bán cái mà thị trường cần. Các loại nông sản chiến lược là cơ sở quyết định nội dung, đối tượng, bước đi và công nghệ lựa chọn của công nghiệp hóa nông thôn. Do đó, thâm canh đã trở thành xu hướng chủ đạo trong nền sản xuất nông nghiệp, với việc áp dụng các thành tựu khoa học – công nghệ mới về giống, quy trình canh tác và chế biến sản phẩm.
Nông dân huyện Hòa Bình ứng dụng máy gặt đập liên hợp vào khâu thu hoạch lúa. |
Thực tế thời gian qua, nông dân Bạc Liêu đã thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, như chương trình “3 giảm – 3 tăng”, chương trình lúa chất lượng cao; thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất như san bằng mặt ruộng, làm đất, gieo sạ và giảm tổn thất sau thu hoạch. Ngoài ra, bà con còn áp dụng thành công nhiều mô hình sản xuất tổng hợp, sản xuất đa canh trên nền đất lúa cho lợi nhuận cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, như: mô hình lúa – tôm, lúa – cá, lúa – màu, cho thu nhập từ 30 – 50 triệu đồng/ha. Qua quá trình tiếp thu khoa học – kỹ thuật từ sự chuyển giao của ngành Nông nghiệp nói chung, ngành chuyên môn nói riêng, nông dân Bạc Liêu đã có những bước chuyển đáng kể trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đa số bà con đã có sự thay đổi tích cực về nhận thức, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật để thay đổi phương thức sản xuất. Từ đó, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế mang lại ngày càng được khẳng định.
Minh chứng cho điều này là tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng ở mức khá cao, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,51%. Nếu như ở thời điểm năm 2005, giá trị sản xuất nông nghiệp là 6.055 tỷ đồng, thì đến năm 2010 tăng lên 8.800 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 8,67%. Trong đó, sản lượng lúa liên tục tăng vừa đảm bảo nhu cầu lương thực của nhân dân, vừa góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đặc biệt, từ khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, từ diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, các mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm kết hợp với các loài thủy sản khác như: tôm – cua, tôm – cá, tôm – lúa… đã làm tăng sản lượng thủy sản, tăng kim ngạch xuất khẩu và góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh. Theo đó, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đánh bắt của tỉnh tăng từ 172.500 tấn năm 2005 lên 225.000 tấn vào năm 2010.
Những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển giao những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Điển hình là việc chậm nhân rộng các mô hình sản xuất qua chuyển giao đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Đồng thời chưa tìm được sự gắn kết giữa sản xuất với thị trường, nhằm giúp nông dân áp dụng sản xuất một cách đại trà và tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Nông dân huyện Vĩnh Lợi tham quan cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao. Ảnh: M.Đ |
ĐẦU TƯ CHIỀU SÂU CHO NỀN NÔNG NGHIỆP
Để phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình chuyển giao những tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất, những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu sẽ tập trung cho việc nâng cao, đổi mới phương thức chuyển giao, phát triển mạnh mạng lưới khuyến nông – khuyến ngư đến tận cơ sở. Bên cạnh đó, trong công tác chuyển giao chú trọng phương thức gắn kết sản xuất với thị trường, nâng cao hàm lượng trí tuệ trong từng sản phẩm nông nghiệp do nông dân tạo ra.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh từ nay đến năm 2015 đã xác định mục tiêu bao trùm là phát triển toàn diện nền kinh tế của tỉnh, tăng nhanh tổng sản phẩm xã hội, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, tăng tích lũy để tái sản xuất mở rộng… Trong đó, mục tiêu về phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và sản xuất hàng hóa cùng với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một trong những mục tiêu lớn, có ý nghĩa quan trọng. Những mục tiêu này nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn của tỉnh. Quán triệt sâu sắc mục tiêu này, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp đầu tư chiều sâu nhằm khai thác đúng mức tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp Bạc Liêu. Trong đó, có một số giải pháp quan trọng của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn tỉnh trong 4 năm tới, như: xây dựng và phát triển ổn định vùng sản xuất lúa chất lượng cao, với quy mô 110.000 – 120.000ha/năm; đẩy nhanh cơ giới hóa các khâu sản xuất san bằng mặt ruộng, làm đất, gieo sạ và xây dựng cơ chế đầu tư để chuyển giao nhanh công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch. Phấn đấu đến năm 2015 có 40 – 50% diện tích canh tác lúa đạt doanh thu từ 80 – 100 triệu đồng/ha/năm; phấn đấu đạt trên 850 ngàn tấn lương thực để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh và gia tăng lượng lúa hàng hóa cho xuất khẩu (khoảng 250 ngàn tấn/năm). Xúc tiến đầu tư xây dựng thành công khu nông nghiệp công nghệ cao, quy mô trên 100ha (tại huyện Hòa Bình), đối tượng ứng dụng là cây lúa, tôm, cua biển, cá, rau, hoa; hình thành 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, từ 5.000 – 7.000ha/vùng (thuộc khu vực nội ô huyện Hòa Bình và Tam giác Ninh Quới).
Với sự quyết tâm và nỗ lực cao của ngành Nông nghiệp, của các tổ chức chính trị, mọi người có quyền kỳ vọng vào sự phát triển hoàn thiện theo hướng công nghiệp và hiện đại hóa đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đây cũng sẽ là tiền đề vững chắc cho quá trình triển khai, thực hiện thành công Chương trình số 39 của Tỉnh ủy trong việc tiếp thu, quán triệt Nghị quyết số 26 (ngày 5/8/2008) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp; các ngành chuyên môn, các tổ chức chính trị cũng đang nỗ lực đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, cùng chung sức, góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống.
LÂM NHƯ ( Đài PT-TH Bạc Liêu)