Tổng thu ngân sách quý I/2013 đạt thấp so với dự toán cùng kỳ
Đã đăng vào 11/04/2013 lúc 9:48Đó là thông tin được Bộ Tài chính đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2013 được tổ chức vào chiều qua, 10/4, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối thực hiện tháng 3 ước đạt 54.140 tỷ đồng; luỹ kế thu 3 tháng đạt 167.710 tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: Thu nội địa thực hiện tháng 3 ước đạt 35.000 tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán, tăng 19% (5.400 tỷ đồng) so với thực hiện tháng 2. Luỹ kế thu 3 tháng ước đạt 114.040 tỷ đồng, bằng 20,9% dự toán, xấp xỉ bằng mức thực hiện cùng kỳ năm 2012.
Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: M.P) |
Trong đó, thu về dầu thô thực hiện tháng 3 ước đạt 8.200 tỷ đồng, luỹ kế thu quý I ước đạt 25.770 tỷ đồng, bằng 26% dự toán. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 3 ước đạt 14.540 tỷ đồng, tăng khoảng 540 tỷ đồng so thực hiện tháng trước. Luỹ kế thu 3 tháng đạt 41.150 tỷ đồng, bằng 17,3% dự toán.
Trong khi đó, tổng chi NSNN tháng 3 ước 70.850 tỷ đồng; luỹ kế chi 3 tháng ước đạt 218.385 tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2012.
Các nhiệm vụ chi ngân sách được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách; đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, kinh phí phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán.
Cân đối NSNN, bội chi NSNN tháng 3 ước 16.710 tỷ đồng, luỹ kế quý I ước 50.675 tỷ đồng, bằng 31,2% dự toán năm.
Bộ Tài chính cho rằng, trong khi kinh tế vẫn còn khó khăn, thách thức, số thu đạt thấp so dự toán và cùng kỳ, cho thấy khả năng thu NSNN còn tiếp tục khó khăn. Trong thời gian tới cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát triển sản xuất – kinh doanh, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu và xử lý nợ đọng; đồng thời chủ động điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, phù hợp với nguồn thu.
Tại buổi họp báo, nhiều thắc mắc liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giá xăng, quản lý chất lượng sữa đã được Bộ Tài chính thông tin đầy đủ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Nghị quyết 02 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Theo Thứ trưởng Mai, Chính phủ cũng đã trình Ủy ban thường vụ quốc hội và trong phiên ngày 18/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về cả dự thảo nghị quyết này và dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Về ý kiến có nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích cầu hay không, Thứ trưởng cho biết, Bộ Tài chính cũng đã trình 2 nội dung liên quan tới VAT để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong phiên họp.
Theo Nghị quyết 02, nội dung liên quan đến VAT gồm xem xét giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 30% số thuế nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Cùng với đó, 3 nội dung liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp gồm: áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 20% từ 1/7/2013 (sớm 6 tháng so với lộ trình) đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; áp thuế suất 10% từ 1/7/2013 đối với thu nhập từ đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội; thực hiện ưu đãi mở rộng từ 1/7/2013 đối với lĩnh vực ưu đãi.
Về ý kiến đưa thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp về 20%, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết hiện có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến đề nghị về 20%, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đưa về 23% như đề xuất Chính phủ là hợp lý.
Về điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2013, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã 4 lần điều hành để giữ ổn định giá bán xăng dầu thông qua biện pháp cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng hoặc tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu. Đến ngày 28/3/2013, mặc dù giá xăng dầu thế giới có giảm, nhưng vẫn ở mức cao; trong khi, Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã hết; giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp. Sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện ngừng sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; khôi phục lợi nhuận định mức (300 đồng/lít, kg), tăng giá bán đối với các mặt hàng, xăng dầu tối đa bằng phần chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu.
Về Quỹ BOG, Bộ Tài chính cũng cho biết đang thực hiện theo Thông tư 234. Việc trích lập 300 đồng/lít (kg), sử dụng theo điều hành giá của liên bộ Tài chính – Công thương. Về mức thuế đang áp dụng với xăng dầu hiện nay, theo Bộ Tài chính là thấp hơn nhiều so với quy định. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không điều chỉnh mức thuế để chia sẻ, hài hòa lợi ích doanh nghiệp – người tiêu dùng và Nhà nước.
Mặt hàng sữa thời gian qua cũng có nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý giá và quản lý chất lượng. Tại buổi họp báo ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết, trước tình hình một số doanh nghiệp tăng giá sữa, ngày 12/3/2013, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 3181/BTC-QLG đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giá; chỉ đạo không tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi; đồng thời có Công văn số 3080/BTC-QLG gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị cung cấp danh sách các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng hay thức ăn công thức… của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa để làm cơ sở theo dõi và kiểm tra. Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đang phối hợp rà soát danh mục mặt hàng này. Tên gọi mặt hàng này rất phức tạp, cần giám sát kỹ. Theo quy chuẩn của Bộ Y tế, những mặt hàng chứa sữa có độ đạm trên 30% gọi là sữa, và dưới mức này thì gọi là thức ăn bổ sung và thức ăn dinh dưỡng. Bộ Tài chính đang kiến nghị Bộ Công thương nên có cuộc họp để bàn quản lý giá đối với mặt hàng trước đây gọi là sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, nay theo quy chuẩn y tế, sang là sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn bổ sung, thức ăn công thức có pha chế….
(Báo điện tử ĐCSVN)