Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo về nền kinh tế “ba tốc độ”
Đã đăng vào 12/04/2013 lúc 9:54Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngày 10/4, tuyên bố cho biết, nền kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi khả quan kể từ một năm trở lại đây, tuy nhiên nhịp độ tăng trưởng không đồng đều giữa các khu vực khác nhau đã hình thành nên một nền kinh tế thế giới “ba tốc độ”.
Ảnh minh họa (Nguồn: www.imf.org) |
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế New York (Mỹ), Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nêu rõ: “Sau một giai đoạn đặc biệt biến động, tình hình tài chính đã có dấu hiệu cải thiện. Thông qua hoạt động của các nhà hoạch định chính sách, lĩnh vực kinh tế dường như không còn rơi vào nguy hiểm như 6 tháng trước".
Tuy vậy, bà Christine Lagarde vẫn lưu ý: "Chúng tôi không dự báo cho năm nay cao hơn nhiều so với năm trước. Chúng tôi vẫn đang nhận thấy những rủi ro mới cũng như những rủi ro cũ còn tồn đọng". Tại quá nhiều quốc gia, các tiến bộ đạt được của thị trường tài chính đã không làm nên những tiến bộ trong nền kinh tế thực, hay trong đời sống của người dân".
Trong tuyên bố được đưa ra trước hội nghị mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), bà Lagarde đã nêu bật sự xuất hiện của một nền kinh tế toàn cầu "ba tốc độ". Một số quốc gia phát triển thịnh vượng, những nước khác đang hồi phục dần dần, và vẫn còn những nước đang có một chặng đường rất dài cần phải vượt qua.
Theo bà Lagarde, "tốc độ hàng đầu" bao gồm các nền kinh tế mới nổi – những nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại sau một cuộc suy thoái nhẹ vào năm ngoái, và tăng trưởng có thể đạt được chủ yếu nhờ áp dụng các chính sách giảm thiểu rủi ro tài chính hợp lý.
Tổng Giám đốc IMF đưa ra lời khuyên đối với các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục duy trì cảnh giác chống lại một số dấu hiệu nguy hiểm. Doanh nghiệp từ các thị trường mới nổi tiếp xúc và liên quan nhiều tới các khoản nợ và tỷ giá hối đoái. Trong vòng 5 năm qua, các khoản vay ngoại tệ nước ngoài của doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi đã tăng khoảng 50%. Năm ngoái, các khoản tín dụng ngân hàng tăng 13% ở châu Mỹ Latinh và 11% ở châu Á.
"Tốc độ thứ hai" bao gồm Mỹ – nền kinh tế đã có những tiến bộ nhanh chóng và đáng kể trong việc cải cách hệ thống tài chính và tiêu trừ nợ của các hộ gia đình. Tuy nhiên, "một vấn đề còn tồn đọng là các khoản tài chính công có vẻ không cân bằng", bà Lagarde cảnh báo. Theo người đứng đầu IMF, "các điều chỉnh quá bốc đồng trong ngắn hạn và quá nhút nhát trong trung hạn. Điều này tạo thêm sự không chắc chắn và tạo nên một mối đe dọa cho quá trình phục hồi". Vì vậy, Tổng Giám đốc IMF đề xuất thông qua một lộ trình tín dụng trung hạn, trong đó kết hợp cắt giảm chi tiêu và các khoản thu khác để giảm bớt nợ công.
Ngoài ra, theo đánh giá của bà Lagarde, các quốc gia khác vẫn còn có nhiều trở ngại phải vượt qua bao gồm khu vực đồng Euro và Nhật Bản. Tại khu vực đồng Euro, các ưu tiên là ổn định hệ thống ngân hàng yếu kém. Trong khi đó, đối với Nhật Bản, thách thức chính là "thoát khỏi cái bẫy giảm phát để khôi phục lại sức sống của nền kinh tế”./.
(Báo điện tử ĐCSVN)