Những nét đặc thù của nghệ thuật Đờn ca tài tử

Đã đăng vào 19/03/2014 lúc 10:32

Phần 3: Những nét đặc thù của nghệ thuật Đờn ca tài tử

– Rao: Trước khi vào bản thuộc hơi nào, nhạc công Đờn ca tài tử luôn có câu rao theo hơi đó, một mặt dẫn thính giả đi vào làn điệu, vào hơi để nghe bản đàn, đồng thời cũng là nghe thử cây đàn có phím nào lệch hay dây đàn cứng quá hoặc mềm quá không, để lúc biểu diễn tiếng nhạc được hoàn chỉnh hơn.

Khác hẳn với những bài “dạo” của miền Trung luôn có nét nhạc cố định, câu “rao” theo truyền thống miền Nam phóng túng hơn nhiều. Mỗi người thầy có một cách rao, lúc đầu người học đàn theo cách của thầy, nhưng khi đạt đến mức nghệ thuật khá cao thì được phép sáng tạo những câu rao của riêng mình. “Rao” thể hiện toàn bộ khả năng ứng tấu và cả cá tính của người nhạc sĩ tài tử. Câu “rao” không chỉ là lời mở đầu cho bài bản mà có khi còn chứa đựng cả cung bậc của tình cảm: hỷ, nộ, ái, ố, bi, ai…Qua câu “rao”, thính giả sành điệu có thể nhận thức được tính tình của người đàn. Hoặc với những nhạc sư lão luyện có thể chỉ với vài câu “rao”, người ngoài nhạc giới Tài tử, người chưa từng biết về Đờn ca tài tử Nam bộ cũng có thể hiểu được, cảm thông và thưởng thức trọn vẹn phong cách Đờn ca tài tử, hiểu biết về “người Tài tử”.

– Chữ nhạc: Mỗi chữ nhạc không có cao độ tuyệt đối, chỉ có cao độ tương đối, cũng không có cao độ nhất định mà có thể là một chữ đàn “non” hay “già”. Nhiều chữ nhạc trong bản đàn được tô điểm bằng cách nhấn nhá, rung, mổ. Bàn tay mặt tạo ra những “thanh” có cao độ, cường độ, màu âm, nhưng đó mới là cái “xác” của âm nhạc, phải nhờ bàn tay trái rung, nhấn để tạo nên cái “hồn” làm nên giá trị đích thực của nghệ thuật.

– Những cách tô điểm đặc thù: Thường thì trong các loại nhạc tô điểm là điều không bắt buộc, nhưng trong nhạc tài tử, chính những cách tô điểm đặc thù, nhất là cách đàn chữ “xang”, tạo nên cái bản sắc, cái giá trị tinh tế của Đờn ca tài tử. GS Trần Văn Khê đã ví von: “Một chữ nhạc mà nhạc sĩ không tô điểm cái riêng của mình như một đêm không trăng sao”… Trong thang âm hơi Bắc, những chữ xự – cống phải rung, hò – xang – xê mổ. Trong thang âm hơi Quảng thì ngược lại, xự – cống phải mổ, hò – xang – xê rung. Để đàn hơi Xuân, cách tô điểm chữ xang là quan trọng nhất, đi từ xang vuốt lên xê, có thể lên gần chữ cống non (thường trong nghề gọi là xế), trở về xang. Để đàn hơi Ai, chữ xang rung lúc đầu, vuốt nhẹ lên hơi xê mà không trở về xang. Do đó, trong nghệ thuật Đờn ca tài tử có 4 cách đàn chữ xang thật đúng mới thể hiện các hơi một cách rõ ràng: hơi Bắc vui vẻ, hơi Quảng rộn ràng, liến thoắng, hơi Xuân êm đềm thanh thản, hơi Ai, hơi Oán buồn thảm.

– Cấu trúc âm thanh: Đờn ca tài tử có cấu trúc “động và mở” thay vì “tịnh mà đóng” như phương Tây.

– Phát triển và vận hành giai điệu: Khi hoà đàn, người đờn ca tài tử không bao giờ lặp lại y khuôn “lòng bản” như thầy đã dạy mà phải dựa theo quan điểm thẩm mỹ “học chân phương, đàn hoa lá”. Đặc biệt cách phát triển và vận hành giai điệu trong Đờn ca tài tử tuân theo những nguyên tắc của dịch lý, một triết lý sống trong xã hội người Việt nói riêng và người vùng Đông Nam Á nói chung. Theo đó thì con người và sự vật luôn thay đổi không ngừng, nhưng sự thay đổi đó không làm ta biến dạng vì có những yếu tố bất dịch không thể thay đổi được, nghĩa là có “biến dịch” mà cũng có “bất dịch”.

Cũng vậy, trong đàn tài tử thì “nét nhạc, chữ nhấn, chữ chuyền” của mỗi câu trong  bài bản có thể thay đổi tuỳ trường phái hay người đàn, nhưng “lòng bản” không thể thay đổi, do vậy người đàn có thêm chữ chuyền, có đổi nhịp nội ra nhịp ngoại thì người nghe vẫn nhận ra bản đàn.

Ngoài ra lại còn có giao dịch: Khi có sự gặp gỡ của hai yếu tố thì phải thay đổi để không đi đến xung đột. Hoà đàn tài tử cũng vậy: nếu tỳ bà hoà với đàn kìm, vì cả hai có màu âm gần giống nhau nên thường thì đàn kìm chơi nhịp nội trong khi tỳ bà đàn nhịp ngoại để có sự hoà hợp.

– Bài bản: Theo thường Đờn ca tài tử có 20 bài tổ, tuy không phải người Đờn ca tài tử nào cũng thuộc đầy đủ hay khi hòa đàn cũng không bắt buộc phải chơi hết 20 bài, nhưng các nghệ sĩ đều phải biết tên các bài đó bao gồm:

6 bài Bắc: Tây Thi, Cổ bản, Lưu thuỷ trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn hay Xuân tình điểu ngữ.

3 bài Nam: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo hay đảo ngũ cung.

4 bài Oán: Tứ đại oán, Phụng cầu, Giang nam, Phụng hoàng.

7 bài lớn (có khi gọi là 7 bài hơi nhạc hoặc 7 bài cò): Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá.

Ngoài ra có rất nhiều bài bản khác được dùng, trong đó vọng cổ 32 nhịp là thông dụng nhất. Trong một chương trình hoà nhạc Đờn ca tài tử lúc nào cũng có bài vọng cổ.

 

Ngày xưa buổi hoà nhạc bắt đầu bằng  những bản đàn, bài ca điệu Bắc, hơi Bắc vui tươi; tiếp theo chuyển sang hơi Quảng, hơi nhạc, hơi Hạ; rồi qua điệu Nam, hơi xuân, hơi Ai,qua Đảo ngũ cung. Phần cuối bao giờ cũng chuyển sang hơi Oán, Ai oán và Vọng cổ là những điệu buồn vẫn được người nghe chuộng hơn những bài vui.

( Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo