Khai mạc phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Đã đăng vào 18/03/2013 lúc 15:29Sáng 18-3, phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Buổi giao lưu trực tuyến về thuế do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức. Ảnh: CAO THĂNG |
Theo Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành còn một số hạn chế cần được khắc phục. Đơn cử, về đối tượng không chịu thuế, tiêu thức xác định hộ cá nhân kinh doanh không phải nộp thuế giá trị gia tăng căn cứ theo mức tiền lương tối thiểu áp dụng đối với doanh nghiệp mà không căn cứ vào doanh thu nên không phù hợp với bản chất thuế giá trị gia tăng. Về giá tính thuế, từ ngày 01/01/2012, Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 có hiệu lực thi hành, quy định thu thuế bảo vệ môi trường đối với một số loại hàng hoá. Tuy nhiên, Luật thuế giá trị gia tăng chưa quy định cụ thể về giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá đã chịu thuế bảo vệ môi trường nên cần bổ sung làm rõ, bảo đảm đồng bộ với Luật thuế bảo vệ môi trường. Hoặc về thuế suất, Luật thuế giá trị gia tăng quy định áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhưng chưa quy định nguyên tắc xác định hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện, nhất là đối với dịch vụ xuất khẩu trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh ngày càng mở rộng…
Cũng theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa đổi nhiều nội dung trong Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành.
Liên quan đến đối tượng không chịu thuế, qua rà soát 25 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đề nghị bổ sung các loại hình sản phẩm bảo hiểm liên quan đến con người, bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm an ngư.
Về tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, Chính phủ đề nghị bổ sung ngưỡng tính thuế để áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã và cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện. Mức ngưỡng doanh thu và điều kiện đăng ký tự nguyện cụ thể giao Chính phủ quy định cho phù hợp trong từng thời kỳ để đảm bảo sự linh hoạt.
Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án Luật còn nhiều nội dung chưa rõ, trong khi đây lại là một văn bản pháp luật có tác động sâu rộng đến toàn xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thẳng thắn: “Tôi thấy dự thảo chỉ sửa 7 nội dung, nhưng đều là những điểm rất quan trọng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân, nguồn thu ngân sách… Trong đó lại có 6/7 nội dung giao Chính phủ quy định là không ổn”. Ông Lý đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý, tiếp tục trình lại dự án ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tháng 4 tới.
Quan điểm của ông Lý nhận được sự đồng tình của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội… Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng dự thảo Luật cần tiếp tục được hoàn thiện nhiều nội dung một cách toàn diện, sâu sắc hơn: “Linh hồn của một luật thuế là thuế suất thì lần này vẫn giữ nguyên 3 mức; các ngưỡng thuế suất để tính thuế theo phương pháp khấu trừ hay trực tiếp cũng chưa nêu rõ”. Tuy nhiên, ông Hiển lưu ý, dù được xem xét, dù được thông qua tại một hay 2 kỳ họp thì thời điểm có hiệu lực của Luật “cần phải là 01-01-2014 để đồng bộ với Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp và năm tài chính”.
Doanh nghiệp bày tỏ những thắc mắc, vấn đề chưa rõ với nhân viên Cục Thuế TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự luật rà soát kỹ để đảm bảo tầm nhìn dài hạn cũng như giải quyết được hết những bức xúc đang tồn tại trong thực tế. “Luật vừa ban hành 2009, sửa nhiều lần quá mà vẫn còn bất cập. Song song với việc hoàn thiện dự luật, Bộ Tài chính cần phải tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai thi hành Luật sớm, nếu thông qua theo quy trình hai kỳ họp, để đến tận tháng 7-2014 mới thực hiện thì là muộn, trong khi tình hình rất bức thiết”, Chủ tịch Quốc hội bình luận.
|
|
ANH PHƯƠNG