Hôi thi sáng tạo thiết bị, đồ dùng dạy học lần thứ III, năm học 2012 – 2013: Góp phần làm giảm những giờ dạy và học khô khan
Đã đăng vào 19/03/2013 lúc 9:25Cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, việc khai thác sử dụng hiệu quả các thiết bị, đồ dùng dạy học (ĐDDH) theo danh mục tối thiểu kết hợp với hoạt động tự làm ĐDDH đóng vai trò tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Với ý nghĩa đó, hội thi sáng tạo thiết bị, ĐDDH lần thứ III, năm học 2012 – 2013 thật sự là một đợt sáng tạo lớn trong ngành Giáo dục, khắc phục dần tình trạng “thầy đọc, trò chép”.
Trực quan hóa những môn học “khô khan”
Đến hẹn lại lên, từ Hôi thi sáng tạo thiết bị, đồ dùng dạy học lần đầu tiên tổ chức tại huyện Giá Rai (năm học 2008 – 2009) còn khá nhiều bỡ ngỡ, thì nay, quy mô và chất lượng của hội thi rất chuyên nghiệp. Hội thi thu hút sự tham gia của 29 đơn vị, trường học, các công ty cung ứng thiết bị, ĐDDH với gần 100 gian trưng bày. Các đơn vị mang đến hội thi 703 sản phẩm của tư duy sáng tạo, là thành quả lao động miệt mài của tập thể và cá nhân với mong muốn trực quan hóa những môn học khô khan và kích thích hứng thú học tập của học trò. Mỗi sản phẩm mang đến hội thi là cả tâm huyết, tình thương yêu của người thầy đối với đàn em thân yêu!
Gian trưng bày đồ dùng dạy học cấp mầm non tại Hội thi. Ảnh: K.T |
Năm nay, ĐDDH của cấp mầm non và tiểu học bắt đầu “lên ngôi” với những mô hình thiết thực, sinh động kích thích khả năng tư duy và nhận biết thế giới xung quanh của các cháu. Ở cấp mầm non là những mô hình: vườn thực vật; thế giới động vật; cảnh chơi hoạt động ngoài trời của bé, đồ chơi về chủ đề con vật sống trong gia đình, sống dưới nước; cửa hàng trang trí nội thất; góc phân vai; vòng quay kỳ diệu… Bên cạnh đó, nhiều mô hình còn góp phần định hướng giáo dục lý tưởng sống, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ như: mô hình quần đảo Trường Sa; tham quan di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng; quê hương, đất nước, Bác Hồ… Ở cấp tiểu học, có mô hình bảng từ; máy hỗ trợ dạy học; bộ đồ dùng dạy học môn Toán, Tiếng Việt; bộ đồ dùng dạy tiếng Khmer; bộ đồ dùng dạy môn Âm nhạc… Đó là những ĐDDH đoạt giải nhất tại hội thi lần này.
Cấp THCS, THPT, khối trung tâm GDTX cũng có những sáng kiến mang tầm chiến lược, phục vụ và hỗ trợ đắc lực cho công tác dạy – học. Đó là ĐDDH phần mềm ôn thi tốt nghiệp đại học, cao đẳng môn Hóa của thầy Tạ Tú Hoàng (trường THPT Điền Hải); tập hình ảnh gợi ý ôn tập Ngữ văn 12 của tổ Văn trường THPT Nguyễn Trung Trực; phần mềm trắc nghiệm ai thông minh hơn của Phan Khánh Duy; các loại đồ thị trong chương trình THCS… Đây cũng là những ĐDDH nằm trong tốp dẫn đầu về chất lượng và tính ứng dụng.
Giờ đây, những môn học được xem là khô khan như: Toán, Lý, Hóa, Sinh… đã có những ĐDDH sáng tạo khắc phục nhược điểm, phát huy tối ưu khả năng hấp thu kiến thức, kích thích niềm đam mê và hứng thú từ phía người học.
Kích thích tư duy sáng tạo của người thầy
Nói về hội thi lần này, thầy Trương Minh Chiến (trường THCS Hòa Bình) chia sẻ: “Hội thi lần này được tổ chức với quy mô chuyên nghiệp hơn, khắc phục được những hạn chế của các hội thi trước, và điều quan trọng là ngày càng có nhiều sáng tạo mang tính ứng dụng cao. Nhiều ĐDDH được sáng tạo từ những chất liệu bằng kim loại nên thời gian bảo quản và sử dụng lâu dài hơn; một số ĐDDH có thể ứng dụng trong nhiều bài giảng. Nếu như trước đây, giáo viên làm ĐDDH dự thi chỉ với hình thức đối phó, thì nay, hội thi đã trở thành một cuộc vận động lớn trong toàn ngành Giáo dục, người giáo viên đã sáng tạo ĐDDH bằng cả niềm đam mê và tâm huyết vì học trò”.
Hội thi còn có nhiều hoạt động “bên lề” đầy ý nghĩa như: tư vấn định hướng nghề cho hơn 700 học sinh lớp 9 của các Trung tâm GDTX, các trường nghề; giới thiệu các sản phẩm, thiết bị, ĐDDH của các doanh nghiệp… Những hoạt động này làm cho hội thi không những tăng về quy mô, mà còn phong phú về màu sắc, đa dạng về chủng loại, thu hút hàng ngàn lượt người đến xem, mua sắm.
Hội thi còn góp phần làm dấy lên phong trào thi đua sáng tạo sôi nổi giữa các đơn vị trường học; giúp các cấp quản lý giáo dục phát hiện những ý tưởng mới trong những cách làm mới. Từ đó, cải tiến các thiết bị dạy và học phù hợp với thực tiễn ở các trường.
Hội thi đã khép lại, song dư âm đẹp của hội thi sẽ mãi lắng đọng trong tâm trí đội ngũ làm công tác sư phạm, kích thích họ đam mê hơn, sáng tạo hơn trong sự nghiệp “trồng người”.
(Baobaclieu)