Đình Tân Long: Nơi lưu giữ dấu ấn một thời khẩn hoang, lập ấp

Đã đăng vào 04/04/2013 lúc 9:00

Đình Tân Long (tọa lạc tại ấp Tân Long, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) vừa được trùng tu, tôn tạo hoàn tất với kinh phí gần 8 tỷ đồng. Trong dịp khánh thành mới đây, Ban quản trị cùng người dân trong vùng còn đón nhận thêm tin vui khi ngôi đình làng được UBND tỉnh trao bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Với giá trị văn hóa, lịch sử vốn có của mình, đình Tân Long mang trọng trách gìn giữ dấu ấn một thời khẩn hoang, lập ấp của người xưa, lưu truyền giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau…

 

 

Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho đại diện chính quyền địa phương và Ban quản trị đình Tân Long. Ảnh: C.K

Theo lịch sử, đình Tân Long được xây dựng vào thế kỷ thứ 19, tại thôn Tân Long, tổng Long Thủy, huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên (nay thuộc ấp Tân Long, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong vùng. Ngôi đình là nơi tụ họp cư dân trong mỗi dịp làng xã có chuyện hệ trọng cần thông báo cho người dân biết. Mỗi năm một lần, cư dân sinh sống quanh vùng tụ họp về ngôi đình giữa làng tổ chức lễ hội vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa, học hỏi kinh nghiệm sản xuất lẫn nhau. Ngày 29/11/1852, đình thần Tân Long được vua Tự Đức ban sắc phong thần. Người có công lao lớn nhất trong việc tu bổ ngôi đình và đề nghị vua phong sắc thần cho ngôi đình là Tổng binh Nguyễn Tấn Lực.

 

Từ khi thành lập đến nay, hàng năm, lúc mùa màng thu hoạch xong, cư dân địa phương lại tổ chức lễ hội Kỳ yên để ghi nhớ công ơn của các bậc thánh hiền đã có công gìn giữ, bảo vệ xóm làng yên ổn, no ấm. Lễ Kỳ yên được tổ chức trang trọng trong nhiều ngày với nhiều nghi lễ theo đúng phong tục, tập quán của người Việt. Đây cũng chính là thời gian vui chơi, giải trí của người dân trong vùng sau những vụ mùa vất vả, để rồi sau lễ hội Kỳ yên, họ tiếp tục bước vào lao động, sản xuất trong những vụ mùa tiếp theo của năm mới. Ngoài ý nghĩa ghi nhớ công ơn của những người đi trước, mỗi độ Kỳ yên cũng là dịp để những vị kỳ lão trong làng nhắc nhớ, truyền dạy cho lớp trẻ kế thừa những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của làng quê mình và trân trọng gìn giữ, lưu truyền lại cho thế hệ tương lai những phong tục, tập quán tốt đẹp.

Là ngôi đình thờ Thành hoàng bổn cảnh và các vị thánh hiền có công với nước, với làng xã như bao ngôi đình khác trong thời kỳ này, trải qua nhiều biến cố trong suốt lịch sử tồn tại của mình, đình Tân Long đã được người dân góp sức người, sức của trùng tu nhiều lần. Đến năm 1972, đình phải di dời đến địa điểm mới nằm gần kênh Cầu Sập (cách địa điểm cũ vài trăm mét) để thuận tiện cho người dân trong việc việc đi lại, cúng bái. Tuy nhiên, đến năm 2000, người dân ở xung quanh khu vực ngôi đình đã dựng lại ngôi đình trên nền đình cũ bằng cây lá địa phương.

Đình Tân Long cũng chính là nơi tụ họp và hoạt động của những người yêu nước trong giai đoạn kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Giờ đây, ngôi đình được trùng tu, tôn tạo để đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu về lịch sử văn hóa của cư dân địa phương, cũng như phục vụ nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân trong vùng. Phát biểu tại buổi lễ khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo và trao bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại đình Tân Long, bà Lê Thị Ái Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong rằng các cấp chính quyền, Ban quản trị cùng người dân trong vùng hãy ra sức gìn giữ, bảo vệ để ngôi đình luôn xứng đáng và phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân; phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa làng, xã của khách du lịch trong thời gian tới.

Việc đình Tân Long được trùng tu, tôn tạo lại ngay chính nơi đã được thành lập trước đây có ý nghĩa rất lớn trong việc gìn giữ, lưu truyền và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Và, với việc được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, Ban quản trị cùng người dân trong vùng sẽ cùng nhau ra sức gìn giữ những giá trị vốn có của ngôi đình làng – nơi lưu giữ những dấu ấn khó phai của một thời khẩn hoang, lập ấp, bảo vệ đất nước của các bậc cha ông để lưu truyền cho con cháu đời sau những tinh hoa văn hóa của dân tộc.

 

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo