Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên – sự lựa chọn nguy hiểm
Đã đăng vào 12/04/2013 lúc 10:03Trong những ngày gần đây, cộng đồng quốc tế đang nín thở theo dõi từng diễn biến ở khu vực biên giới đầy căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Tình hình căng thẳng leo thang từng ngày khiến dư luận lo ngại về khả năng chiến tranh có thể đổ ập xuống bán đảo Triều Tiên vào bất cứ lúc nào.
Quân đội Hàn Quốc tham gia tập trận tại khu vực gần làng Panmunjom ở Paju, |
Kể từ giữa tháng 2/2013 cho tới nay, tình hình trên bán đảo Triều Tiên chưa một ngày hạ nhiệt sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành thử tên lửa tầm xa và thử hạt nhân lần 3 gây chấn động dư luận quốc tế. Tiếp theo sau hành động của CHDCND Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm tiếp tục cô lập Bình Nhưỡng; Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu các cuộc tập trận thường niên “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non” vào tháng trước; chính quyền Seoul đưa ra lời cảnh báo về khả năng tấn công phủ đầu người láng giềng phương Bắc….Tất cả những động thái trên đã khiến Bình Nhưỡng “nổi giận” và đưa ra một loạt phản ứng quyết liệt với mức độ ngày một leo thang nhằm cảnh báo về khả năng xảy ra xung đột quân sự với Hàn Quốc và kèm theo sự liên đới của Mỹ và Nhật Bản. Từ việc rút khỏi hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên; đơn phương chấm dứt hiệu lực các thỏa thuận phi hạt nhân đã ký kết trước đó, cắt đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc; đe dọa tấn công các căn cứ của Mỹ tại Okinawa, Guam và Trân Châu Cảng; đóng cửa khu công nghiệp Keasong – biểu tượng duy nhất còn lại của mối quan hệ hợp tác liên Triều; CHDCND Trều Tiên liên tiếp có những động thái nhằm cảnh báo cộng đồng thế giới về khả năng tiến hành phóng thử các thiết bị tên lửa đạn đạo ở khu vực biên giới phía Bắc và mới đây nhất là kêu gọi các công dân nước ngoài sơ tán khỏi Triều Tiên, Hàn Quốc phòng trường hợp chiến tranh Triều Tiên bùng nổ.
Quân đội Triều Tiên tham gia diễn tập tại một địa điểm bí mật |
Tất cả những động thái trên của CHDCND Triều Tiên không chỉ khiến Mỹ và các nước đồng minh “đứng ngồi không yên” mà còn làm cộng đồng quốc tế lo ngại.
Phát biểu trước các nhà làm luật Hàn Quốc, ngày 10/4, Ngoại trưởng nước này, ông Yun Byung-se nhấn mạnh, có nhiều khả năng CHDCND Triều Tiên sẽ tiến hành phóng tên lửa đạn đạo tầm trung vào bất kỳ lúc nào và vấn đề hiện giờ chỉ còn phụ thuộc vào một “quyết định mang tính chính trị” từ phía các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.
Giới truyền thông Hàn Quốc cũng đưa ra nhận định rằng CHDCND Triều Tiên “rất có thể” đã hoàn tất việc tiếp nhiên liệu cho các thiết bị tên lửa – bước cuối cùng trước khi thực hiện phóng tên lửa. Các chuyên gia Hàn Quốc cũng cho biết thêm. Các thiết bị tên lửa sử dụng nhiên liệu hóa lỏng, mang một đầu đạn có thể duy trì trong trạng thái “sẵn sàng hoạt động: trong vòng một tuần và việc tiếp đầy nhiên liệu cho các thiết bị tên lửa này chỉ kéo dài trong vòng khoảng 30 phút.
Trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên không ngừng tăng nhiệt sau tuyên bố phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, Bộ tư lệnh lực lượng hỗn hợp Hàn – Mỹ (CFC) đã nâng cao mức cảnh báo, nhằm tăng cường số lượng nhân viên tình báo và giám sát chặt chẽ các hoạt động tên lửa của Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức quân sự kỳ cựu của Hàn Quốc cho biết, quân đội nước này đã huy động một lực lượng khẩn cấp, chuyên giám sát và phân tích các động thái chuẩn bị phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng.
Hiện các quan chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang giám sát chặt chẽ các hoạt động tại một căn cứ tại CHDCND Triều Tiên vốn được cho là đang che giấu những thiết bị tên lửa Musudan đã được đặt trên các bệ phóng di động (TELs). Các thiết bị tên lửa này có tầm bắn hữu dụng trong khoảng từ 3.000 – 4.000 km và có thể vươn tới căn cứ của Mỹ tại đảo Guam trên Thái Bình Dương.
Trong một tuyên bố ra ngày 10/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đang áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhằm đối phó với khả năng CHDCND Triều Tiên phóng nhiều tên lửa từ các địa điểm khác nhau. Ông Onodera cho biết, SDF hiện đã sẵn sàng và đang trong tình trạng “báo động” để đối phó với kịch bản Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo. Nhà lãnh đạo này cho biết, SDF có nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và của cải của người dân Nhật Bản, ngay cả khi điều được ông gọi là “cuộc khủng hoảng tên lửa trên bán đảo Triều Tiên” tiếp tục kéo dài trong những ngày tới.
Phát biểu trong cuộc họp báo, ngày 10/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell tiếp tục kêu gọi CHDCND Triều Tiên kiềm chế trước các hành vi gây hấn tiếp theo. Ông Ventrell cho biết, hiện Mỹ đang giám sát chặt chẽ tình hình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng, việc Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo sẽ vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tiếp tục khiến CHDCND Triều Tiên bị cô lập và chôn vùi những nỗ lực phát triển kinh tế mà nước này đang theo đuổi.
Bên cạnh đó, ông Ventrell cho biết, Mỹ đang thực hiện một loạt các biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc nâng cao khả năng phòng thủ, thắt chặt an ninh trong nước và bảo đảm an ninh cho các đồng minh trong khu vực.
Trước tình hình trên, Trung Quốc, ngày 10/4 cũng kêu gọi CHDCND Triều Tiên và các bên khác có liên quan cần “kiềm chế” tối đa nhằm đối phó với tình hình căng thẳng đang ngày một gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung quốc Hồng Lỗi, ngày 10/4 kêu gọi các bên cần giải quyết tình hình thông qua đối thoại, giữ bình tĩnh, kiềm chế tối đa, tránh thực hiện thêm các hành vi khiêu khích và nỗ lực nhằm hướng tới mục tiêu “dần xoay chuyển tình thế”.
Về phía Tổng thống Nga Putin thậm chí còn nhắc tới “một thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử có thể xảy ra” khi đề cập đến tình hình bán đảo Triều Tiên. Ông Putin cảnh báo, tình hình Triều Tiên có thể sẽ rẽ sang một bước ngoặt tồi tệ, đó một cuộc xung đột hạt nhân. Cuộc xung đột này sẽ khiến cho thảm họa hạt nhân Chernobyl kinh hoàng năm 1986 chỉ như là một ”trò trẻ con”.
Trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày một leo thang, làm dấy lên mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân tại đây, thì một số chuyên gia tỏ ra “rất thận trọng” khi đưa ra đánh giá về vấn đề này. Các nhà phân tích này cho rằng, cho dù các bên liên tiếp đưa ra những động thái về mặt quân sự song chiến tranh Triều Tiên rất ít có khả năng xảy ra mà thay vào đó, chỉ đầy tình hình trên bán đảo này lâm vào trạng thái “nguy hiểm tột độ”.
Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Nga về vấn đề Triều Tiên, ông Grigory Logvinov mới đây cho rằng, Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ đưa ra các hành vi thù địch "một cách thận trọng", song có một nguy cơ rõ ràng rằng, “một nguy cơ cao xảy ra các cuộc đụng độ” cũng sẽ tự nó khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên “bùng nổ”.
Trong khi đó, chuyên gia Lankov tại trường Đại học Kookmin cũng cho rằng, sẽ rất có ít khả năng xảy ra “đụng độ quân sự” giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Theo sự lý giải của ông Lankov, sau khi nền kinh tế bị suy yếu trong suốt 15 năm qua do những vấn đề nội tại và thảm họa tự nhiên, các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên ắt hẳn sẽ nhận thức rõ rằng họ không có khả năng chiến thắng nếu như trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến tranh diện rộng trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, cuộc chiến này, nếu xảy ra sẽ nghiêng lợi thế về Hàn Quốc, song ngay cả khi giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên thì đây cũng không phải là một kết quả được người dân Hàn Quốc kỳ vọng. Ông Lankov cho rằng, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ sẽ đẩy Hàn Quốc vào “một thảm họa nhân đạo” bởi chỉ riêng thành phố Seoul, với dân số đông đúc khoảng 10 triệu người lại nằm trong “ngắm” của pháo binh Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông Lankov cũng cho rằng, nếu chiến sự xảy ra trên bán đảo Triều Tiên thì những “nỗ lực hòa giải sau chiến tranh” sẽ kéo nền kinh tế của Hàn Quốc bị thụt lùi hàng thập kỷ (nếu tính theo khoảng cách thu nhập trung bình giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên). Theo số liệu thống kê của ngân hàng trung ương Hàn Quốc thì hiện GDP của Hàn Quốc đang cao gấp 17 lần CHDCND Triều Tiên còn ông Lankov lại cho rằng, con số trên phải lên tới 30 lần và rõ ràng rằng, cái giá mà Hàn Quốc phải trả nếu như kịch bản “chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên” bùng nổ trở thành hiện thực sẽ là quá đắt.
Cho dù rốt cuộc, kịch bản tồi tệ nhất là chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có trở thành hiện thực hay không thì rõ ràng những diễn biến bất ổn gần đây tại khu vực này chẳng mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Giữa hàng chục cuộc khủng hoảng đang diễn ra và vẫn còn tiềm ẩn ở Trung Đông, giữa thách thức chính trị – kinh tế không thể tránh khỏi mà Mỹ và châu Âu đang đối mặt và mối quan hệ đầy dao động mà các nước lớn đang phải vượt qua…“cuộc khủng hoảng hạt nhân và nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên” càng khiến cho bức tranh tổng quan về tình hình chính trị khu vực Đông Bắc Á thêm phức tạp với bộn bề những mâu thuẫn về tranh chấp chủ quyền biển đảo cùng với những mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống…
Đã đến lúc các bên cần “lùi lại một bước để toan tính lại” và giữ vững một tư duy tỉnh táo nhằm tiến tới mục tiêu “tránh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên”. Cách thức khả thi duy nhất hiện giờ nhằm tránh nguy cơ đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục tụt dốc đó là các bên cần xây dựng lòng tin, tìm tiếng nói chung và giải quyết bất đồng dai dẳng thông qua cơ chế đối thoại thay vì sự “răn đe và phô trương sức mạnh quân sự”./.
(Báo điện tử ĐCSVN)