Mối biết ‘đánh bom’ tự sát

Đã đăng vào 30/07/2012 lúc 15:50

Khi những con thợ của một loài mối tại Nam Mỹ xung trận, cơ thể chúng nổ tung để phóng chất độc về phía đối thủ.

 

Những con mối
Những con mối Neocapritermes taracua. Mối lính sở hữu chiếc đầu và hàm dưới to hơn nhiều so với mối thợ. Nhưng mối thợ có hai tinh thể màu xanh dương ở trên lưng. Khi tiếp xúc với các chất trong tuyến nước bọt, hai tinh thể tạo ra một hợp chất độc. Nếu cơ thể mối thợ nổ tung, chất độc văng ra và ăn mòn những thứ mà chúng bám vào. Ảnh: MSNBC.

Trong thế giới của mối, những con mối lính sở hữu hàm dưới khá to. Đây là vũ khí của chúng trong các cuộc chiến. Dù không được sinh ra để chiến đấu, mối thợ trong một số loài mối vẫn sẵn sàng xung trận khi tổ bị tấn công. Do không có kỹ năng chiến đấu, phần lớn mối thợ chết trong cuộc giao tranh. Vì thế các nhà khoa học gọi nỗ lực tham chiến của chúng là hành động cảm tử.

Mới đây các nhà nghiên cứu của Đại học Tự do ở Bỉ phát hiện một kiểu tự sát độc đáo của loài mối Neocapritermes taracua tại Guyana, lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Nam Mỹ, BBC đưa tin.

“Một nghiên cứu sinh tiến sĩ của tôi, Thomas Bourguignon, phát hiện một loài mối đặc biệt khi anh ấy đang nghiên cứu các quần thể mối ở Guyana”, giáo sư Yves Roisin, một giảng viên bộ môn Sinh học của Đại học Tự do, kể.

Bourguignon từng quan sát nhiều cuộc chiến của mối Neocapritermes taracua và thấy rằng, khi những con mối thợ già lâm trận, cơ thể chúng đột ngột nổ tung để giải phóng một chất lỏng.

Tuyến nước bọt của mối sản xuất và tích trữ một số chất độc. Song loài mối Neocapritermes taracua còn có thêm một túi nhỏ chứa hai viên tinh thể màu xanh dương trên lưng. Hai hạt tinh thể này tạo ra phản ứng hóa học khi chúng tiếp xúc với các chất mà tuyến nước bọt tiết ra. Sản phẩm của phản ứng hóa học là một hỗn hợp độc. Khi cơ thể mối phát nổ gần kẻ thù, hỗn hợp văng ra.

“Bằng cách làm nổ tung cơ thể, mối Neocapritermes taracua giải phóng một chất độc. Nếu chất độc bám vào kẻ thù, nó sẽ tiêu diệt hoặc ngăn chặn chúng”, giáo sư Roisin cho biết.

Một điểm thú vị là tuổi của mối thợ càng lớn thì độc lực của "bom chất lỏng" càng tăng.

“Cơ chế tự vệ bằng chất độc khiến những con mối thợ già trở thành những vũ khí hữu ích của tổ mối trong tình huống nguy cấp”, nhóm nghiên cứu bình luận.

Quá trình hình thành của hai hạt tinh thể vẫn là một bí ẩn. Nhóm nghiên cứu cũng không biết túi chứa hạt tinh thể tồn tại ở bao nhiêu loài mối.

"Loài Neocapritermes taracua có quan hệ họ hàng với 5 hoặc 6 loài khác, song những loài kia không có bom chất lỏng giống như chúng. Đây là một điều lạ", Roisin bình luận.

 

(VNE)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo