Syria: Bạo loạn vẫn tiếp diễn

Đã đăng vào 16/04/2012 lúc 8:53

 

Hội đồng Bảo an LHQ ngày 14-4 đã thông qua Nghị quyết 2042, nghị quyết đầu tiên sau 13 tháng xảy ra khủng hoảng chính trị ở Syria. Trong ngày 15-4, những quan sát viên quốc tế đầu tiên trong số 30 quan sát viên đã có mặt ở thủ đô Damascus để theo dõi việc ngừng bắn. Mặc những động thái của quốc tế, tình hình Syria tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Những vụ nã pháo khốc liệt tiếp tục vây phủ thành phố Homs – thành trì của phiến quân nổi dậy ở Syria và thành phố Aleppo.

 

  • Nhiệm vụ khó khăn

Theo Nghị quyết 2042, Chính phủ Syria phải thực thi triệt để mọi cam kết nằm trong kế hoạch hòa bình do đặc phái viên Kofi Annan đề xuất, trong đó có cam kết rút toàn bộ quân và súng hạng nặng khỏi các thành phố của Syria.

Bản nghị quyết còn yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng phe đối lập đảm bảo an toàn cho phái đoàn quan sát viên trên, không được cản trở việc di chuyển cũng như quyền tự do tiếp cận thông tin cần thiết của họ.

Các thành viên HĐBA LHQ biểu quyết thông qua Nghị quyết 2042.

Việc HĐBA LHQ thông qua nghị quyết về Syria với sự đồng thuận của tất cả 15 thành viên được cho là cột mốc quan trọng vì ở hai lần bỏ phiếu thông qua nghị quyết trước đó, Trung Quốc và Nga đều phủ quyết. Việc cử quan sát viên chỉ là 1 trong 6 điểm đề xuất do ông Kofi Annan đưa ra.

Sau khi triển khai 5 quan sát viên tiền trạm, LHQ sẽ tiếp tục triển khai 25 quan sát viên đến từ các quốc gia Trung Đông và châu Phi. Từ điểm tập trung ở Damascus, những người này sẽ tỏa ra nhiều nơi, liên hệ với lực lượng chính phủ, phe nổi dậy để làm rõ vai trò của nhóm quan sát viên. Theo kế hoạch của ông Kofi Annan, phái đoàn trên có thể mở rộng quy mô lên đến 250 người về lâu dài. Tuy nhiên, trước mắt, 30 quan sát viên trên sẽ thường xuyên báo cáo với ông Annan và trụ sở LHQ ở New York để HĐBA quyết định những bước tiếp theo.

  • Điểm nóng Homs, Aleppo

Theo Reuters, lực lượng quân chính phủ ngày 15-4 đã nã pháo vào thành trì phiến quân nổi dậy ở thành phố Homs, vài giờ sau khi có tuyên bố HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết 2042. Trong khi đó, lực lượng chống đối tấn công trạm cảnh sát ở tỉnh Aleppo. Các nhóm hoạt động vì người dân Syria cho biết, tình trạng bạo lực đang có chiều hướng gia tăng kể từ khi lệnh ngừng bắn ở Syria theo tối hậu thư của đặc phái viên LHQ Kofi Annan đặt ra có hiệu lực từ ngày 12-4.

Tình hình Syria có những chuyển biến phức tạp hơn trong những ngày qua khi liên tục diễn ra những vụ bắt cóc và ám sát nhằm vào các quan chức chính phủ, nhân vật nổi tiếng, đẩy nước này đến nguy cơ nội chiến.

Hãng tin SANA của Nhà nước Syria cho hay, ngày 14-4 ông Mohamed Ismail al-Almed, ứng cử viên cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, đã bị một nhóm khủng bố có vũ trang bắt cóc tại tỉnh Idlib, miền Bắc Syria. Cùng ngày, ở miền Đông nước này cũng xảy ra vụ bắt cóc một đại tá quân đội. Trước đó một ngày, một nhóm vũ trang cũng ám sát một thiếu tá ở tỉnh miền Trung Hama.

Cũng theo SANA, lực lượng khủng bố đã tấn công và giết chết 5 dân thường trong ngày 14-4. Ngày 14-4 số người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh đẫm máu là 14 người. Cuối tháng trước, 4 kẻ khủng bố đã xả súng điên cuồng, sát hại hai đại tá cấp cao của quân đội Syria ở tỉnh phía Bắc Aleppo. SANA cho rằng, các vụ việc trên nhằm gây mất ổn định ở Syria, phá hủy nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.

Truyền thông phương Tây liên tục dẫn số liệu từ LHQ chỉ ra, lực lượng quân đội của Chính phủ Syria đã giết chết 9.000 người kể từ khi bạo loạn nổ ra ở nước này. Trong khi đó, chính quyền ông Assad khẳng định, bất ổn chính trị dâng cao là do lực lượng nổi dậy dưới sự hỗ trợ của nước ngoài đã khiến 2.500 cảnh sát và binh lính Syria thiệt mạng. 

 
 
6 đề xuất của ông Kofi Annan:

– Chính phủ Syria phải cử một người có đủ quyền hành để phối hợp làm việc cùng ông Kofi Annan giám sát thực thi kế hoạch hòa bình, giải quyết khủng hoảng.

– Chấm dứt hoàn toàn bạo lực. Chính phủ Syria phải ngay lập tức dừng mọi hoạt động của quân đội và lực lượng an ninh, triệt thoái khỏi các trung tâm dân cư, có một cơ chế giám sát của LHQ.

– Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều phối cứu trợ nhân đạo.

– Thả tù nhân chính trị.

– Syria tạo điều kiện để báo đài quốc tế vào đưa thông tin về tình hình Syria.

– Có cơ chế pháp lý bảo đảm quyền hoạt động chính trị một cách hòa bình.

 
 

 

(SSGP)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo