Huyện Hồng Dân: Nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm “nóng” lên từng ngày
Đã đăng vào 08/02/2012 lúc 16:52Là địa bàn giáp ranh 3 tỉnh (Kiên Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng) đều đã công bố dịch cúm gia cầm, huyện Hồng Dân đang có nguy cơ lây lan rất cao. Đặc biệt, từ trước Tết Nhâm Thìn đến nay, ở địa bàn này đã có rất nhiều gà, vịt chết không rõ nguyên nhân nhưng chuyện quản lý, giám sát dịch bệnh… vẫn rất lỏng lẻo.
Gia đình anh Bùi Văn Le đang tiêm thuốc trị bệnh rút cổ, bỏ ăn cho đàn vịt của mình. Ảnh: T.Đ |
Chúng tôi đã đi khap các xã Vĩnh Lộc, Ninh Hòa, Ninh Quới, Ninh Quới A và thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Đây là những xã giáp ranh với vùng đang xảy ra dịch cúm gia cầm của các tỉnh bạn. Dù chưa nơi nào bùng phát ổ dịch nhưng diễn biến dịch bệnh trên gà và vịt ở những nơi này rất “nóng”.
Đến ấp Trèm Trẹm (thị trấn Ngan Dừa), chúng tôi cảm nhận rất rõ sự xáo trộn của đàn gia cầm nơi đây. Người dân trong ấp nói: “Hồi trời trở gió đợt rồi, vịt gà ở đây chết ráo”.
Còn ở xã Ninh Hòa, hàng chục hộ dân thuộc ấp Ninh An khẳng định, mấy trăm con gà của họ giờ đây chẳng còn con nào. Ông Lê Văn Trình kể: “Trước Tết Nhâm Thìn khoảng 10 ngày tới nay, đàn gà của tôi ban ngày nó ăn rất khỏe nhưng đêm về nó giẫy chết cả bầy. Ở xóm này, gà của ai cũng chết theo kiểu như vậy. Chúng tôi có báo cho cán bộ thú y, nhưng chẳng thấy ai nói gì”. Cách đó không xa, chúng tôi thấy anh Bùi Văn Le đang chích thuốc trị bệnh rút cổ, bỏ ăn cho đàn vịt 400 con của mình. Anh Le nói: “Vịt tôi đã được 18 ngày tuổi. Từ khi mới mua về, tôi đã báo với Trưởng ấp nhưng đến giờ chẳng được cấp sổ chăn nuôi và cũng không thấy cán bộ thú y tới hỏi thăm”. Anh Le đã tự mua thuốc về chích cho đàn vịt nhưng bệnh chưa giảm. Chúng tôi được biết, ở khu vực này có gần 10 hộ nuôi vịt đàn với số lượng đến vài ngàn con nhưng chưa ai được cấp sổ chăn nuôi và chưa có đàn vịt nào được tiêm vắc-xin phòng cúm. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, có một số hộ dân nuôi vịt đàn với số lượng lớn nhưng không đăng ký với chính quyền ấp.
Qua địa bàn của xã Ninh Quới, chúng tôi chứng kiến đàn vịt của ông Danh Suôl (ấp Phú Tân) đã chết gần một nửa đàn. Ông Suôl cho biết, vịt của ông đã 1 tháng tuổi, tổng số 250 con. Tính đến bây giờ, mỗi con đã được chích 8 mũi thuốc vẫn không hết bệnh. Khi mới mua về, ông Suôl đã đăng ký với ấp nhưng cũng không có sổ chăn nuôi và cũng không được cấp thuốc chích ngừa cho vịt. Trường hợp của ông Danh Sum gần đó, đàn gà 250 con của ông đã 3 tháng tuổi đến nay chết sạch mà cũng chẳng thấy người có trách nhiệm đến xem xét. Đáng nói là đàn vịt, gà của những hộ này được nuôi ở sát với đường lộ chính và cách trụ sở xã Ninh Quới chưa đầy 1km.
Ông Lê Thanh Tá, Chủ tịch UBND xã Ninh Quới, khẳng định: “Vịt, gà trong xã vẫn đang “ổn định” (?!), và cán bộ thú y ở đây vẫn đang đi tiêm vắc-xin phòng cúm mỗi ngày”. Cũng theo ông Tá, hiện tại có 3 bầy vịt (3.300 con) của tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng đang chạy đồng về đây. Có lúc cao điểm, thu hoạch lúa rộ, số vịt chạy đồng về đây lên đến 90.000 con. Đồng lúa Ninh Quới hiện đang bắt đầu thu hoạch, và tình trạng vịt chạy đồng sẽ gây áp lực rất lớn tạo ra nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm ở địa phương này lên cao hơn bao giờ hết.
Theo Trạm Thú y huyện Hồng Dân, các ấp có nguy cơ cao, thường xuyên xảy ra dịch bệnh gia cầm hàng năm gồm: Ninh Thành, Ninh Lợi, Ninh Thuận thuộc xã Ninh Quới A; ấp Ninh Thành, Ninh Điền, Ninh Tân, Ninh Bình, Lái Viết Ngọn thuộc xã Ninh Quới; ấp Ninh An, Ninh Định, Tà Ben, Ninh Thạnh 1 thuộc xã Ninh Hòa; ấp Bà Gồng, Bà Hiên, Trèm Trẹm của thị trấn Ngan Dừa. Hầu hết số ấp nêu trên đều nằm giáp ranh với vùng ổ dịch thuộc các tỉnh bạn.
UBND huyện Hồng Dân đang ráo riết chỉ đạo lực lượng cán bộ thú y, chính quyền các xã, thị trấn tăng cường tiêm phòng, giám sát vịt nuôi mới. Kiểm tra nguồn gốc vịt con và cấp sổ chạy đồng với phương châm không bỏ sót bất cứ bầy vịt nào. Trưởng ấp phải chịu trách nhiệm trước UBND xã, thị trấn và Ban chỉ đạo cấp huyện về việc để xảy ra dịch cúm gia cầm.
Chủ trương của huyện Hồng Dân là chỉ cho phép lưu lại đối với số vịt chạy đồng đến từ Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng đã có mặt tại huyện Hồng Dân trước thời điểm bùng phát dịch cúm gia cầm (trước tháng 1/2012). Còn số vịt chạy đồng kể từ tháng 1/2012 đến từ 3 tỉnh nêu trên đều bị từ chối tiếp nhận.
(Baobaclieu)