Thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua thúc đẩy đa dạng sinh học ở Bạc Liêu

Đã đăng vào 07/02/2012 lúc 9:55

Đầu năm 2012, một sự kiện quan trọng đã diễn ra trên địa bàn tỉnh. Đó là lễ khởi động Dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua thúc đẩy đa dạng sinh học ở tỉnh Bạc Liêu” do Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tài trợ 90% kinh phí. Với dự án này, trong tương lai gần, Bạc Liêu chẳng những hạn chế được tác hại do BĐKH gây ra mà còn phát triển tốt các hoạt động sản xuất, nuôi trồng, rừng ngập mặn… ngay trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

 

 

Quang cảnh lễ khởi động Dự án “Thích ứng với BĐKH thông qua thúc đẩy đa dạng sinh học ở tỉnh Bạc Liêu”. Ảnh: T.Đ

Đây là dự án do Tổ chức GIZ điều hành với tổng kinh phí 3 triệu 850 ngàn euro, (hơn 110 tỷ đồng). Trong đó, Tổ chức GIZ tài trợ không hoàn lại 3,5 triệu euro, 10% kinh phí đối ứng do UBND tỉnh Bạc Liêu bỏ ra, bằng 10 tỷ 220 triệu đồng. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép tỉnh Bạc Liêu triển khai. Thời gian thực hiện từ năm 2011 – 2014.

 

Với khối lượng công việc đồ sộ tác động đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế – xã hội đã được dự tính, dự án hứa hẹn mang lại kết quả to lớn cho tỉnh Bạc Liêu.

Dự án bao gồm 6 chuyên đề lớn với nhiều chuỗi hoạt động đi kèm. Đó là các chuyên đề: Khôi phục rừng ven biển và đa dạng sinh học; Bảo tồn Vườn chim Bạc Liêu; Cộng đồng địa phương; Tăng cường thể chế; Sự kết nối và giáo dục môi trường (GDMT). Thông qua các chuyên đề trên, dự án sẽ xây dựng kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp chi tiết nhằm ứng phó với các tác động dự đoán của BĐKH. Theo kế hoạch, tổng diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh sẽ tăng khoảng 20% trong thời gian thực hiện dự án (từ 4.000ha năm 2010 lên 4.800ha năm 2014). Theo đó, dự án sẽ thiết lập từ 3 – 5ha khu vực trồng rừng thí điểm trên đất trống gò cao ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Song song đó, dự án sẽ thiết lập các biện pháp chống xói lở ở các khu vực xói lở nghiêm trọng giáp ranh tỉnh Sóc Trăng.

Chuyên đề “Bảo tồn Vườn chim Bạc Liêu” là nhằm cải thiện đa dạng sinh học và quản lý bền vững đảm bảo chức năng sinh thái của Vườn chim. Các hoạt bao gồm: cải thiện hệ thống quản lý nước của Vườn chim (nạo vét kênh mương); nâng cao đa dạng sinh học thực vật bằng cách loại bỏ các loài ngoại lai và trồng những loài đặc hữu; nâng cao năng lực cho cán bộ Vườn chim và nâng cao nhận thức cho cán bộ, cộng đồng dân cư sống lân cận.

Trong phần “Cộng đồng địa phương”, dự án sẽ nâng cao năng lực quản lý tài nguyên môi trường cho cộng đồng dân cư ven biển sống phụ thuộc vào đất rừng, nhằm mục đích nâng cao sinh kế cho họ; tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa và nuôi trồng thủy sản thông qua các phương pháp thích ứng tiên tiến. Theo đó, dự án cam kết sẽ tăng cường năng lực cho các cán bộ khuyến ngư và xúc tiến thành lập các nhóm nông dân đồng sở thích. Bên cạnh đó là thí điểm các giống thủy sản thay thế để làm cơ sở xúc tiến các mô hình lâm – ngư kết hợp. Các hoạt động cụ thể để đạt được mục tiêu trên bao gồm: tập huấn và nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước “Tưới ngập – khô xen kẽ” trên đất lúa; tập huấn kỹ thuật canh tác các giống lúa chịu được điều kiện khắc nghiệt cho cán bộ nông nghiệp và nông dân; hỗ trợ nhân rộng và phổ biến giống lúa chịu mặn cho nông dân khu vực chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Không dừng lại ở đó, Ban điều hành dự án còn xúc tiến tạo các nguồn thu nhập thay thế cho nông dân quy mô nhỏ và các cộng đồng ven biển đang gặp khó khăn. Hiện tại, dự án đã trình diễn được 13 mô hình lâm – ngư kết hợp ở huyện Hòa Bình gồm nuôi kết hợp tôm – cua – cá đối – cá nâu – hào Thái Bình Dương. Nông dân thực hiện mô hình được hỗ trợ 85 triệu đồng bằng hình thức đầu tư cá giống, thuốc vi sinh, vôi và thức ăn thủy sản. Các mô hình này sẽ được đánh giá trong tháng 4/2012 và sẽ trình diễn thêm 3 mô hình nuôi tôm càng xanh trong năm 2012. Hiện tại, nhiều hộ dân đang được hỗ trợ nuôi thí điểm ốc len và nghêu dưới tán rừng mắm.

Trong phần “Tăng cường thể chế”, dự án đặc biệt chú ý đến việc nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan liên quan về rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản, đa dạng sinh học, các chính sách sử dụng đất, nhận thức về bảo vệ môi trường và quản lý tổng hợp vùng ven biển. Qua đó, Ban điều hành dự án sẽ tổ chức nhiều chuyến tham quan để học tập kinh nghiệm quản lý trong và ngoài nước.

Thông qua chuyên đề “Sự kết nối”, một hệ thống thông tin để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong các vùng ven biển ĐBSCL sẽ được thiết lập. Ở góc độ khác, một chương trình GDMT ở các trường học cũng sẽ được triển khai nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng. Dự án sẽ tài trợ phát triển chương trình đào tạo (môn Sinh học, Địa lý và Giáo dục công dân) về GDMT ở các trường THCS và THPT cho nhóm giáo viên chuyên trách. Thành lập nhóm giáo viên chuyên trách về GDMT ở các trường học. Đồng thời, dự án cũng sẽ phối hợp với UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở VH-TT&DL, Sở GD-ĐT và Công ty Du lịch sinh thái Rồng Việt thành lập một Trung tâm GDMT đặt tại Vườn chim Bạc Liêu; xuất bản các sản phẩm truyền thông hấp dẫn cho trẻ em với mục đích GDMT; khen thưởng cho các điểm trường tham gia GDMT tốt nhất. Ngoài ra, Ban điều hành dự án còn phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức cuộc thi vẽ tranh, xây dựng và chăm sóc vườn ươm rừng ngập mặn; tổ chức chiếu phim di động…

Phát biểu tại buổi lễ khởi động dự án (13/1/2012), ông Phạm Hoàng Bê, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Joachim Hofer, Cố vấn trưởng dự án đều rất hài lòng với mục tiêu mà dự án đề ra. Trong đó, lãnh đạo hai bên đều khẳng định sự tâm đắc nhất là hoạt động thanh lọc và nhân giống lúa chịu mặn cao cho các địa phương ven biển để nơi này có thể trồng được lúa ngay trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Ông Phạm Hoàng Bê đề nghị phía đối tác cần chú ý nhiều hơn ở chuyên đề này và được Cố vấn trưởng dự án nhất trí ưu tiên dành kinh phí thực hiện.

 

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo