Nông nghiệp Bạc Liêu: Những thành quả đáng tự hào
Đã đăng vào 31/12/2011 lúc 16:44Sau khi Bạc Liêu được tái lập, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song, ngành Nông nghiệp xác định nhiệm vụ cần tập trung hàng đầu ở giai đoạn này là phát triển mạnh nông – lâm ngư và diêm nghiệp. Trải qua chặng đường 15 năm, nông nghiệp – nông thôn Bạc Liêu đã đạt được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, và đời sống của người nông dân không ngừng được nâng lên.
Không ngừng phát triển
Nhìn lại chặng đường nỗ lực phấn đấu cho nông nghiệp – nông dân – nông thôn Bạc Liêu phát triển, mới thấy đó là những thành tựu đáng tự hào. Diện tích sản xuất được mở rộng, năng suất, chất lượng hàng nông, thủy sản không ngừng được nâng lên. Điển hình như: Năm 1997, quỹ đất dùng vào nông nghiệp là 207.724ha (chiếm 80,80% quỹ đất toàn tỉnh), thì năm 2011 tăng lên 225.569ha (chiếm 87,74% quỹ đất toàn tỉnh). Giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp từ 1.125,47 tỷ đồng (năm 1997) tăng lên 22.275,52 tỷ đồng vào năm 2011. Doanh thu bình quân/ha đất nông nghiệp từ 5,42 triệu đồng năm 1997 tăng lên 98,75 triệu đồng vào năm 2011. GDP nông – lâm ngư nghiệp từ 956,46 tỷ đồng năm 1997 tăng lên 4.409,24 tỷ đồng vào năm 2011 (theo giá so sánh năm 1994), và từ 1.125,47 tỷ đồng năm 1997 tăng lên 9.712,12 tỷ đồng vào năm 2011 (theo giá thực tế). Tốc độ tăng GDP hàng năm từ 6,62 – 12,33%. Đặc biệt, ngành Thủy sản tăng nhanh cả về quy mô sản xuất, năng suất, sản lượng: Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2011 đạt 251.120 tấn (tăng 5,02 lần so với năm 1997). Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2011 đạt 126.266ha (tăng 2,99 lần so với năm 1997); năng suất nuôi trồng thủy sản bình quân 2,41 tạ/ha năm 1997, tăng lên 12,09 tạ/ha vào năm 2011. Năm 1997, tổng số tàu cá là 957 chiếc (trong đó đánh bắt xa bờ 100 chiếc), tổng công suất 40.225 CV, thì năm 2011 tăng lên 1.143 chiếc (trong đó đánh bắt xa bờ 416 chiếc), tổng công suất 123.627 CV).
Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa trong niềm vui trúng mùa, trúng giá. |
Riêng sản xuất lúa gạo có bước phát triển nhanh ở giai đoạn thực hiện Chương trình ngọt hóa Quản Lộ – Phụng Hiệp (1997 – 2000). Sản lượng lúa từ 517.410 tấn năm 1997 tăng lên 893.400 tấn vào năm 2000 (bình quân mỗi năm tăng 82.000 tấn lúa). Bước vào giai đoạn thực hiện chuyển đổi sản xuất từ năm 2001 cho đến nay, mặc dù đã chuyển đổi 73.118ha đất lúa (so với năm 2000) sang mô hình chuyên tôm (45.401ha) và tôm – lúa (27.717ha), nhưng sản lượng lúa năm 2011 vẫn đạt 900.000 tấn (tăng 6.600 tấn so với năm 2000). Bình quân lương thực đầu người luôn ở mức cao (714kg/năm 1997; 1.193kg/người/năm 2000; 818,96kg/người/năm 2005; và 1.024,82kg/người/năm 2011). Từ đó, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh và cung cấp cho thị trường mỗi năm từ 150.000 – 300.000 tấn lúa hàng hóa…
Tập trung đầu tư cho sản xuất
Từ khi thành lập tỉnh cho đến nay, tuy gặp nhiều khó khăn về vốn, nhưng đầu tư hạ tầng cho phát triển nông nghiệp luôn được quan tâm. Nếu hệ thống thủy lợi trước năm 1997 ở điểm xuất phát thấp, toàn tỉnh chỉ có 16 tuyến kênh trục và kênh cấp 1, có 50 kênh cấp 2 và một số tuyến kênh mương nội đồng, chưa có các công trình đê, kè, cống, đập… thì nay, hệ thống thủy lợi có bước phát triển mạnh. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng và áp dụng công nghệ cao, thiết bị mới. Qua đó, tạo nên hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 1 công trình đê biển dài 52,4km; đê sông và bờ bao dài 379km; 28 cống, đập; 3 công trình kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông; 33 kênh trục và cấp 1 dài 720km; 258 kênh cấp 2, dài 1.498 km; 649 kênh cấp 3 vượt cấp dài 2.413 km và hàng ngàn kênh cấp 3 và kênh nội đồng; 3 trạm bơm điện; 3 trạm tín hiệu báo bão ven biển; xây dựng 190 ô thủy lợi khép kín, diện tích mỗi ô 30 – 70ha, đảm bảo chủ động tưới tiêu. Ngoài ra, hệ thống công trình thủy lợi còn tạo điều kiện để phát triển giao thông, góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân.
Bà con xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) thu hoạch tôm nuôi công nghiệp. Ảnh: L.D |
Cùng với xây dựng hạ tầng, ngành Nông nghiệp cũng đầu tư cho những mô hình sản xuất mới, phát triển cây, con giống chất lượng cao. Như quy trình sản xuất “3 giảm – 3 tăng”, IPM ngày càng được nhân rộng; việc sử dụng lúa giống cấp xác nhận kết hợp xuống giống theo hướng “né rầy”, bón phân theo bảng so màu lá lúa với quy mô ngày càng tăng. Việc ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia la-de trong sản xuất lúa giống làm tăng năng suất lúa giống từ 10 – 20%. Ứng dụng công nghệ làm mát chuồng heo nái và nọc giống, nuôi heo bằng chuồng lồng, cung cấp nước uống tự động tại trại giống chăn nuôi đã góp phần nâng cao tỷ lệ sinh sản, chất lượng đàn heo giống. Việc ứng dụng dây chuyền giết mổ treo cho gia súc, gia cầm đã giảm thiểu tình trạng lây nhiễm vi sinh trong quá trình giết mổ, tạo sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp còn đẩy mạnh chuyển giao quy trình sản xuất giống cá thác lác cườm, tôm càng xanh; quy trình sản xuất cá rô đồng toàn cái; quy trình sản xuất tôm sú sạch bệnh bằng phương pháp lọc sinh học tuần hoàn sử dụng ozon và chế phẩm vi sinh; quy trình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Từng bước thí điểm triển khai thực hiện quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong nuôi trồng thủy sản nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủy sản. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ sản xuất muối trắng chất lượng cao bằng phương pháp trải bạt trên nền sân kết tinh đã làm tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập cho người làm muối. Việc ứng dụng cừ bê-tông dự ứng lực trong xây dựng công trình thủy lợi và xây dựng đập xà lan di động bằng bê-tông cốt thép, sử dụng tấm lát bê-tông đúc sẵn tự chèn TSC-178 để phá sóng trong công trình kè chống xói lở cửa biển Gành Hào, Nhà Mát đã làm giảm từ 25 – 30% giá thành xây dựng… Những sự đầu tư ấy đã phát huy hiệu quả tích cực giúp nông dân tăng thu nhập, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sản xuất.
Đời sống nông dân ngày càng NÂNG LÊN
Song song với phát triển sản xuất, ngành Nông nghiệp còn thực hiện, lồng ghép nhiều chương trình, dự án về xóa đói giảm nghèo, bố trí, sắp xếp dân cư và xây dựng nông thôn mới… góp phần làm đổi mới bộ mặt nông thôn (hiện có 9 xã đạt từ 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trở lên). Các chỉ tiêu về đời sống người dân nông thôn được cải thiện đáng kể (kết quả thực hiện năm 2011 tăng so với năm 1997). Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng giao thông nông thôn ấp liền ấp. Tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước sạch an toàn đạt 54% (tăng 34%); tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 33% (tăng 18%); tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh đạt 48% (tăng 18%); tỷ lệ hộ nông thôn có điện sử dụng đạt trên 92% (tăng 52%); tỷ lệ hộ có nhà kiên cố, bán kiên cố tăng nhanh, xóa cơ bản nhà lụp xụp; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 14,45 triệu đồng/năm 2011 (tăng 12,44 triệu đồng/người/năm)… Qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nền nông nghiệp của tỉnh vẫn tồn tại những yếu kém. Đó là nông nghiệp phát triển còn ở trình độ thấp, lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; sản xuất nhỏ cả về quy mô lẫn sản lượng hàng hóa và đang trong quá trình chuyển đổi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa được chặt chẽ. Các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chậm đổi mới. Phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, hiệu quả sản xuất thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ…
Tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, ngành Nông nghiệp tỉnh quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Đồng thời, đề ra các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển nông nghiệp – nông thôn và nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và những năm tiếp theo.
(Baobaclieu)