Bước đường đến với UNESCO
Đã đăng vào 19/03/2014 lúc 10:36Phần 5: Bước đường đến với UNESCO
Đờn ca tài tử được giới thiệu với UNESCO từ những năm 1960. GS Trần Văn Khê cho biết từ năm 1963 ông đã nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba thu một đĩa đờn ca tài tử để giới thiệu với UNESCO. Một đĩa tương tự đã được thực hiện vào năm 1972 với phần trình tấu của GS.TS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo. Ngoài ra, Cocora Radio France – một cơ quan truyền thông của Pháp – đã mời ông cùng ông Vĩnh Bảo (năm 1972) và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng (năm 1994) ghi âm hai đĩa Ðờn ca tài tử khác và cả hai đĩa này đều nằm trong danh sách đĩa nhạc bán chạy nhất nước Pháp, được nhận giải Phê bình âm nhạc… vào năm phát hành. Các bộ đĩa thu Đờn ca tài tử theo lời mời của UNESCO của các ông vẫn được lưu trong kho lưu trữ âm nhạc dân tộc của tổ chức này.
Bấy nhiêu cũng đủ để thấy “người ngoài” đã để mắt đến Đờn ca tài tử từ lâu. Còn hiện tại, Đờn ca tài tử vẫn là loại hình nghệ thuật dân tộc được nhiều du khách nước ngoài chọn khám phá, thưởng thức khi đến Việt
Cho dù Đờn ca tài tử thực sự là loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam và khách quốc tế rất thích thú khi khám phá, trải nghiệm trong không gian riêng có của Đờn ca tài tử, nhưng hành trình đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử đến với UNESCO cũng còn lắm gian nan.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2681/BVHTTDL, theo đó Viện Âm nhạc Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch 21 tỉnh, thành phố có nghệ thuật Đờn ca tài tử và các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Đờn ca tài tử” trình UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
GS-TS Trần Văn Khê phân tích: “Theo công ước 2003 thì di sản cần phải có bề dày lịch sử, tư liệu phải dồi dào, hồ sơ cũng dày hơn, nhưng Đờn ca tài tử chỉ mới ra đời hơn 100 năm, vẫn còn quá… trẻ, nên rất khó so với những nghệ thuật hàng trăm năm tuổi. Nhưng theo công ước 2008 về Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì các yêu cầu đã bớt khắt khe. Trong đó Đờn ca tài tử lại đáp ứng được yêu cầu nổi bật là tính cộng đồng khi nó lan tỏa rất mạnh, sống rất khỏe trong dân gian và không chỉ người miền Nam mà người miền Bắc, miền Trung cũng dành tình cảm cho Đờn ca tài tử”.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ có rất nhiều triển vọng được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bởi cơ bản đã đạt hết mọi tiêu chí mà UNESCO đưa ra: có tầm ảnh hưởng văn hóa rộng lớn, giá trị nghệ thuật độc đáo, không nhầm lẫn với bất cứ loại hình âm nhạc nào khác và quan trọng nhất là nghệ thuật Đờn ca tài tử có sức sống mãnh liệt, hiện vẫn đang “sống” và “sống rất khỏe” tại nhiều tỉnh thành Nam bộ.
Hình thành từ cuối thế kỷ 19, Đờn ca tài tử phản ánh rõ nét đời sống, tâm tư, tình cảm của người miền
Để xây dựng hồ sơ trình UNESCO, đã có 14/21 tỉnh thành có Đờn ca tài tử tiến hành tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm và thu được những kết quả khả quan. Qua điều tra điền dã, nhóm lập hồ sơ đã phát hiện có 24 CLB và 4 dàn nhạc chơi Đờn ca tài tử xuất sắc. Phỏng vấn nghệ thuật được 18 tay đờn, sưu tầm được 8 tập tài liệu của 8 danh cầm và tìm được bài Ngũ châu, bài Tứ bửu bằng chữ nhạc cổ truyền. Đó là những tài liệu quý giá nhất của Đờn ca tài tử, rất cần thiết vào những hạng mục quan trọng của việc lập hồ sơ.
Hội thảo quốc tế ”Đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng” vừa diễn hồi đầu tháng 1 tại thành phố Hồ Chí Minh có thể xem là một trong những bước chuẩn bị cuối cùng trong việc lập Hồ sơ quốc gia Đờn ca tài tử đang được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao cho Học viện Âm nhạc gấp rút hoàn thành trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một hoạt động có ảnh hưởng then chốt trong chiến dịch tuyên truyền, quảng bá, làm rõ và nâng cao những giá trị nghệ thuật và tính độc đáo của nghệ thuật Đờn ca tài tử không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn cả cộng đồng quốc tế. Với sự góp mặt của hơn 120 đại biểu trong nước và 7 đại biểu quốc tế đến từ Pháp, Síp, Đức, Nhật, Malaysia, Hàn Quốc và Singapo, Hội thảo đã thực sự trở thành những cuộc bàn luận sôi nổi với hơn 30 bản tham luận giới thiệu về các khía cạnh, các sinh hoạt văn hóa đặc sắc của loại hình nghệ thuật truyền thống Đờn ca tài tử, chia sẻ thông tin, định hướng cho việc phát triển nhằm đáp ứng công tác bảo tồn, quảng bá hình ảnh loại hình nghệ thuật đặc sắc này trong xu hướng hội nhập với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Bên cạnh đó, hội thảo còn đề cập đến nhiều vấn đề nâng cao nhận thức, khuyến khích cộng đồng địa phương, xã hội chung tay giữ gìn, tuyên truyền, bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc trưng và sự hợp tác, ủng hộ, đồng thuận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học quốc tế trong quá trình đề cử loại hình nghệ thuật độc đào này trong tương lai.
Khi Đờn ca tài tử được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Đờn ca tài tử sẽ được nâng lên một tầm cao mới, không chỉ là di sản của người dân Việt Nam mà là của toàn thế giới, được thế giới bảo hộ và gìn giữ. Từ đó mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển đất nước về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, mỗi người dân Việt Nam lại càng thêm tự hào khi giới thiệu đến bạn bè thế giới hình ảnh một nước Việt Nam giàu đẹp.
(Hết)