Nhạc khí trong Đờn ca tài tử
Đã đăng vào 19/03/2014 lúc 9:54Phần 2: Nhạc khí trong Đờn ca tài tử
Nhạc khí chính là đàn kìm (đàn nguyệt) và đàn tranh (thập lục). Theo truyền thống, ít khi nhạc công độc tấu mà thường song tấu đàn kìm và đàn tranh với tiếng “thổ” pha tiếng “kim”, hoặc tam tấu (kìm, tranh, cò), đôi khi có ống sáo thổi ngang hay ống tiêu thổi dọc. Và đặc biệt là song lang (nghĩa là hai thanh tre già – có người gọi là song loan) để đánh nhịp. Ngoài ra còn có các nhạc khí khác như đàn sến, đàn gáo, đàn độc huyền (đàn bầu), đàn tỳ bà nhưng ít thông dụng.
Từ khoảng năm 1930 có thêm những nhạc khí phương Tây như vi-ô-lông, măng-đô-luyn khoét phím, ghi-ta măng đô, ghi-ta Hạ-uy-di, ghi-ta Tây Ban Nha được chỉnh lại, thường gọi là ghi-ta phím lõm, để có thể “nói” trung thực, chính xác ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt
Trong Đờn ca tài tử thường có 2 cách lên dây đàn chính: dây bắc (đàn những bản hơi Bắc, hơi Quảng, hơi Nhạc) và dây nam (đàn những bản hơi Xuân, hơi Ai, hơi Đảo), thường khi còn có thêm dây Oán và dây Vọng cổ; mỗi nhạc khí lại có cách lên dây đặc biệt. Dàn nhạc rất được chú trọng trong Đờn ca tài tử, người nghe để ý vào tiếng đàn nhấn “có gân”, cách sắp chữ, sắp câu duyên dáng, cách xuống câu đến “xang, hò, xề…” ngọt ngào; cách đàn “câu thòng, câu nhồi, câu lợi” bay bướm. Nhưng tiếng ca cũng không kém phần quan trọng.
Bài “Dạ cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu ra đời cuối thập niên 1910, đã phát triển rực rỡ trong những thập niên sau đó để trở thành bài vọng cổ lừng danh. Tiếng nhạc du dương và lời ca bình dị rất hợp với người Nam bộ; hình ảnh người chinh phụ ở đây đã hoà nhập thực sự vào cuộc đời thường, phản ánh đúng tâm trạng yếu đuối của người phụ nữ khi xa chồng, nhất là trong những hoàn cảnh bắt buộc phải chia duyên rẽ thuý. Có lẽ chính cái “tính thường” này đã làm rung cảm người nghe.