Quá trình hình thành: Theo chân cha ông đi mở cõi
Đã đăng vào 19/03/2014 lúc 9:25
Phần 1: Quá trình hình thành: Theo chân cha ông đi mở cõi
GS.TS Trần Văn Khê cho biết đến nay vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định về niên đại cụ thể của nghệ thuật Đờn ca tài tử. Dựa theo các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân thì Đờn ca tài tử hình thành vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Lúc này ở Nam bộ đã hình thành 2 nhóm ca nhạc tài tử và tranh đua với nhau về nghệ thuật, ra sức cải tiến, nâng cao sáng tác thêm nhiều bài bản mới bổ sung vào. Trưởng nhóm miền Tây là ông Trần Quan Quờn (Ký Quờn), trưởng nhóm miền Đông là ông Nguyễn Quang Đại. Nguyễn Quang Đại là nhạc quan của triều đình Huế, vì bất mãn cảnh phải phục vụ giặc Lang Sa xâm lược, đã bỏ kinh thành vào Nam sau khi hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (khoảng thập niên 1870). Ông trôi dạt đến vùng đất Chợ Đào (nơi có gạo Nàng Thơm Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), mở lớp dạy đờn ca. Ông là người Quảng Nam, con thứ ba trong gia đình, theo cách gọi của dân Nam bộ là Ba Đại, nhưng nói trại theo tiếng Quảng Nam là Ba Đợi. Tại Chợ Đào, ông Ba Đợi thu nhận những học trò có máu mê đờn ca để truyền dạy những bài bản cung đình. Nhạc lễ cung đình trang trọng, hoành tráng đã trở nên dân dã, gần gũi trong môi trường của vùng đất mới khẩn hoang. Từ Cần Đước, nhạc tài tử được khơi nguồn từ ông Ba Đợi đã nhanh chóng giao thoa cùng các dòng nhạc lễ khác ở Nam Bộ, hình thành nên bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử nam bộ từng phát triển rực rỡ trong nửa đầu thế kỷ 20.
Trước đó, ông Ba Đợi và những nhạc quan của triều Nguyễn trên đường vào Nam đã dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam; từ đó Ca Huế mang theo chút âm hưởng xứ Quảng.
Vào đến miền Nam, Đờn ca tài tử không còn giữ nguyên chất Ca Huế mà thay đổi rất nhiều để thích nghi theo thị hiếu, thẩm mỹ phù hợp với nếp sống mới. Những con người tháo vát, đầy sáng tạo, tuy đã tìm thấy một cuộc sống an lành khi đến với vùng đất màu mỡ, nhưng do lòng luôn thương nhớ cội nguồn nên trong các điệu, các hơi của Đờn ca tài tử thường thích những điệu có phảng phất nỗi u buồn. Trong khi phong cách miền Trung vẫn giữ theo truyền thống một cách chặt chẽ thì ở miền Nam lại phóng khoáng và bay bướm, nét nhạc cũng như tiết tấu thay đổi tuỳ lúc, tuỳ người. Ông Ba Đợi thường nhắc nhở học trò: “Lễ phải có Nghi. Nhạc phải có Hoà. Tiếng đàn phải đủ trầm, bổng, nhặt, khoan”.
Mặc dù nghệ thuật Đờn ca tài tử có lịch sử hình thành muộn hơn so với nghệ thuật Tuồng, Chèo, Quan họ hay Ca trù …nhưng điều đáng quan tâm là loại hình nghệ thuật này đã chứa đựng đầy đủ, mang đậm các giá trị văn hoá Việt với những đặc trưng đa dạng, độc đáo; vừa mang tính chuyên nghiệp vừa đậm chất dân dã, tài tử.
(Còn tiếp)