Lời mở đầu
Đã đăng vào 18/03/2014 lúc 11:07FESTIVAL đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất sẽ diễn ra tại tỉnh BL, bắt đầu từ ngày 24/04/2014 – 29/04/2014.
Đờn ca tài tử là một loại hình sinh hoạt văn hóa rất quen thuộc với nhiều người Nam bộ, nhưng không phải ai cũng có điều kiện tìm hiểu về loại hình nghệ thuật phổ biến nầy. Còn có nhiều người vẫn nhầm tưởng đờn ca tài tử là bài Dạ cổ hoài lang, và cho rằng BL là nơi khai sinh ra loại hình nghệ thuật nầy.
Nhân dịp FESTIVAL ĐCTT sắp diễn ra ở BL, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét căn bản về ĐCTT và hành trình được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. ( Nguồn dẫn từ trang Web www.cinet.gov.vn)
Mở đầu
Nhắc đến Đờn ca tài tử người ta nghĩ ngay đến xứ miệt vườn, đến vùng đất phương
Những ai đã từng sống hay có dịp về thăm nơi đây nhất là vào những đêm trăng thanh gió mát, những dịp cúng tế ở đình, ở miếu, đám cưới, đám hỏi, đám tang hay giỗ chạp, tiệc tùng đều có thể được thưởng thức Đờn ca tài tử. Đờn ca tài tử có thể trình diễn ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào; trang phục thường giản dị, bình dân không câu nệ.
Có người hiểu lầm rằng chữ “tài tử” có nghĩa là không chuyên nghiệp, mang tính cách giản dị của dân gian và của những người nghiệp dư. Theo GS.TS Trần Văn Khê, thật ra “tài tử” có nghĩa là người có tài như trong câu “dập dìu tài tử giai nhân” (Truyện Kiều). Chữ “tài tử” còn để chỉ việc không dùng nghệ thuật của mình để làm kế sinh nhai. Tuy nhiên không phải vì thế mà trình độ của người tài tử lại thấp. Để trở thành người tài tử đúng nghĩa phải trải qua thời gian luyện tập rất công phu, học từ chữ nhấn, chữ chuyền, “rao” sao cho mùi, “sắp chữ” sao cho đẹp và luôn tạo cho mình một phong cách riêng.
Những người thích Đờn ca tài tử hay cùng với bạn đồng điệu họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng hoà đàn để người mộ điệu thưởng thức. Người đàn tài tử chính thống hễ vui, ngẫu hứng thì đàn chơi, còn không hứng thì thôi, không ai có thể bỏ tiền ra mua được tiếng đàn của họ.
Không ai quy định một buổi Đờn ca tài tử như thế phải có bao nhiêu người, bất cứ ai biết đàn biết ca đều có thể tham gia, cũng không theo chương trình sắp sẵn mà những người đồng điệu gặp nhau, cao hứng muốn đàn bản gì là tất cả cùng hoà đàn. Đôi khi một người một đàn cũng làm nên một buổi Đờn ca tài tử, nhưng lí tưởng thì ngoài người ca còn cần tranh – cò- kìm- sáo (sau này có thêm sến, độc huyền cầm, ghi-ta phím lõm) cùng hoà điệu.
Khác với Ca trù miền Bắc hay Ca Huế miền Trung mà lời ca quan trọng hơn tiếng đàn, trong Đờn ca tài tử Nam bộ, dàn nhạc được chú ý hơn tiếng ca. Thường người nghe rất chú trọng vào chữ đàn nhấn có gân, cách sắp chữ duyên dáng, cách xuống câu ngọt ngào, uyển chuyển đến lối đàn bay bướm, đa dạng.
( còn tiếp)