Chi tiêu quân sự toàn cầu giảm lần đầu tiên trong 15 năm qua
Đã đăng vào 16/04/2013 lúc 9:55Báo cáo của một tổ chức hàng đầu chuyên nghiên cứu về an ninh quốc tế và thiết bị quân sự của thế giới, công bố ngày 14/4, cho thấy chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2012 đã lần đầu tiên giảm nhẹ trong hơn một thập kỷ qua.
Chi tiêu cho quân sự đã giảm. |
Cũng theo báo cáo này, Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia có mức chi ngân sách quân sự lớn nhất thế giới trong khi Nga và Trung Quốc giữ kỷ lục về tốc độ tăng chi ngân sách quốc phòng hàng năm.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Xtốckhôm (Stockholm International Peace Research Institute – SIPRI), cho biết tổng chi phí quân sự toàn cầu trong năm qua đạt 1.750 tỷ USD, giảm 0,5% so với năm 2011 nếu không tính tỷ lệ lạm phát. Đây là lần đầu tiên chi tiêu quân sự toàn cầu giảm kể từ năm 1998. Trong đó, chi tiêu quân sự của Mỹ năm 2012 là 682 tỷ USD, giảm 6% so với năm 2011 nhưng vẫn đứng đầu thế giới. Năm 2012 cũng đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1991, chi tiêu quân sự của Mỹ giảm xuống dưới 40% tổng chi phí quân sự toàn cầu, chủ yếu do cắt giảm chi tiêu cho hai cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan. Tuy nhiên, mức chi quân sự của Mỹ vẫn cao hơn tổng chi tiêu quân sự của 10 nước được xếp ngay sau nước này trong bản báo cáo.
Đứng sau Mỹ về chi tiêu quân sự trong năm 2012 là Trung Quốc với 166 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2011 và tăng tới 175% so với năm 2003. Chi tiêu quân sự của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục gia tăng trong những năm qua, chủ yếu do tăng đầu tư vào các dự án đóng tàu ngầm, tàu chiến, chế tạo tên lửa, máy bay tàng hình và tàu sân bay. Cũng trong năm qua, Trung Quốc đã vượt qua Anh để vươn lên vị trí thứ 5 thế giới về xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự.
Tiếp sau Mỹ và Trung Quốc là Nga với chi tiêu quân sự năm 2012 đạt 90,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước. Theo các nhà phân tích, mức tăng này phản ảnh rõ nỗ lực của Tổng thống Nga Vladimia Putin (Vladimir Putin) trong việc củng cố lực lượng vũ trang và nâng cấp vũ khí sau khi ông trở lại nắm quyền vào tháng 5/2012.
Những quốc gia có ngân sách quân sự lớn tiếp theo là Anh, Nhật Bản, Pháp, Arập Xêút, Ấn Độ, Đức và Italia. Cuộc khủng hoảng nợ và chính sách thắt lưng buộc bụng đã khiến chi tiêu quân sự của nhiều nước châu Âu giảm 10% trong năm ngoái. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi tăng 8%. Theo báo cáo của SIPRI, chi tiêu quân sự của Arập Xêút và Ôman chiếm phần lớn trong mức tăng trên do gia tăng lo ngại trước các thách thức từ Iran. Tình hình chiến sự kéo dài tại Xyri cũng là nhân tố tác động mạnh đến tỷ lệ tăng này.
Theo Giám đốc Chương trình Chi tiêu quân sự và Sản xuất vũ khí của SIPRI, ông Xam Pơlô Phrimen (Sam Perlo-Freeman), những số liệu trong báo cáo cho thấy đang có sự chuyển dịch cán cân chi tiêu quân sự trên thế giới từ các nước phương Tây giàu có sang các quốc gia đang nổi, cho dù chi tiêu quân sự của Mỹ và các đồng minh khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện vẫn chiếm phần lớn tổng chi toàn cầu với hơn 1.000 tỷ USD trong năm 2012. Ông Pơlô Phrimen dự đoán tổng chi tiêu quân sự toàn cầu sẽ tiếp tục giảm trong 2 đến 3 năm tới, ít nhất cho đến khi NATO hoàn thành xong kế hoạch rút quân khỏi Ápganixtan vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, đây chỉ là xu hướng giảm trước mắt vì các nước đang nổi có khuynh hướng sẽ chi mạnh tay hơn cho quân sự trong thời gian tới./.
( Báo điện tử ĐCSVN)