Hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Đã đăng vào 10/04/2013 lúc 9:10Sáng 9/4/2013, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức Hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2012, khu vực ĐBSCL. Dự hội thảo có các ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI Việt Nam; Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu có các đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Út, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Minh Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Hoàng Bê, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh, các huyện, thành phố trong tỉnh; cùng lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Quang cảnh cuộc hội thảo. Ảnh: T.T |
Chỉ số PCI vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố vào ngày 14/3 cho thấy, năm 2012 là năm các tỉnh ĐBSCL có bước đột phá vượt bậc so với các tỉnh, thành trong cả nước với 9/17 tỉnh nằm trong nhóm “tốt”, không có tỉnh ĐBSCL nào nằm dưới nhóm “khá”. Trong đó, Đồng Tháp là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng, kế đến là tỉnh An Giang.
Hiện vùng ĐBSCL có 3 tỉnh trong TOP 5 của PCI và có 6 tỉnh trong TOP 10 của PCI năm 2012. Riêng đối với tỉnh Bạc Liêu, nếu so với năm 2011, chỉ số PCI năm 2012 đã tăng 32 bậc, đứng thứ 7 trên cả nước và đứng thứ 5 so với các tỉnh khu vực. Chỉ số tăng cao và đứng đầu cả nước trong 9 chỉ số thành phần của Bạc Liêu năm 2012 gồm: “Chi phí thời gian” với 8,12 điểm. Ngoài ra, các chỉ số như: tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính minh bạch cũng tăng khá.
Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mặc dù các địa phương khu vực ĐBSCL có sự cải thiện năng lực cạnh tranh tương đối đồng đều, nhưng trên thực tế, khu vực này thu hút nguồn vốn FDI còn hạn chế. Nguyên nhân cơ bản là nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật còn yếu, chi phí vận chuyển và đầu tư lớn.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng các tỉnh, thành ĐBSCL cũng cần có chính sách cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư một cách hiệu quả như chính sách ưu đãi để mời gọi đầu tư, chính sách tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp…
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cũng nhìn nhận, mặc dù chỉ số PCI có tăng nhưng các tỉnh ĐBSCL vẫn tồn tại nhiều điểm yếu, cụ thể là nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, kinh tế mới chỉ phát triển theo chiều rộng, khai thác theo tiềm năng vốn có, tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo phát triển đối với vùng còn nhiều lúng túng, nên vùng ĐBSCL vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, thời gian tới Ban chỉ Tây Nam bộ sẽ tổ chức họp bàn cùng với các tỉnh trong khu vực để tìm ra các giải pháp để tiếp tục giữ vững chỉ số PCI đạt ở thứ hạng cao so với các vùng trong cả nước.
(Baobaclieu)